MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nô lệ tín dụng": Cơn nghiện ngày càng nặng của nền kinh tế số 1 thế giới

06-12-2019 - 15:15 PM | Tài chính quốc tế

Nghe có vẻ kỳ nhưng nếu bạn không vay nợ đồng nào và có 10 USD trong tài khoản tiết kiệm, bạn đã giàu hơn 80 triệu người dân Mỹ khác, tương đương 25% tổng dân số.

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và quốc gia này cũng đứng đầu về tỷ lệ nợ nần cá nhân. Trong hơn 30 năm qua, các hộ gia đình Mỹ ngày càng vay nợ nhiều để chi tiêu và tình trạng này tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên nền kinh tế. Thống kê của viện Pew cho thấy phần lớn các hộ gia đình Mỹ ngày nay có nhiều nợ nần hơn số tài sản khả dụng và 89% số gia đình Mỹ có một khoản nợ nào đó phải trả.

Trên thực tế, hệ thống kinh tế, tài chính Mỹ đã bẫy người tiêu dùng khi mới còn là sinh viên và buộc phần lớn người dân phải liên tục làm việc trả nợ đến hết đời, ngoại trừ những tầng lớp giàu có thoát ra khỏi được cái bẫy này. Từ những khoản vay ưu đãi để học đại học, mua nhà thế chấp cho đến những khoản quẹt thẻ tín dụng, người Mỹ dường như quá quen thuộc với vay nợ và họ không thể sống thiếu chúng.

Đến tổng thống cũng phải trả nợ

Năm 2016, Tổng thống Mỹ thời đó là ông Barack Obama đã khiến nhiều người bất ngờ khi tuyên bố rằng họ mới trả xong nợ từ thời sinh viên: "Michelle và tôi, chúng tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh của các bạn. Hãy thử kiểm tra xem, tôi là Tổng thống Hoa Kỳ nhưng chúng tôi vừa mới hoàn thành mọi khoản nợ của thời sinh viên 8 năm trước. Khoảng thời gian cách đây không quá lâu. Đó là một điều không hề dễ dàng, đặc biệt là khi chúng tôi có Malia và Sasha và chúng tôi còn phải tiết kiệm để chuẩn bị chi phí học tập cho các con."

Câu chuyện của ông Obama không phải là cá biệt khi nhiều người tiền nhiệm trước đó thậm chí đã phá sản. Tổng thống Thomas Jefferson, người khai sinh ra bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, đã mang khoản nợ hơn 10.000 USD trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình. Trong khi đó William Harrison, Tổng thống thứ 9 của Hoa Kỳ, phải chật vật với tài chính khi ông trưởng thành và qua đời chỉ một tháng sau khi nhậm chức.

Nô lệ tín dụng: Cơn nghiện ngày càng nặng của nền kinh tế số 1 thế giới - Ảnh 1.

Nghe có vẻ hài hước nhưng nợ nần tại Mỹ đã trở thành điều hiển nhiên không chừa một ai, từ bình dân cho đến tổng thống.

Số liệu của Viện Pew cho thấy 43% số người Mỹ chi tiêu nhiều hơn mức thu nhập họ có và tỷ lệ nợ hộ gia đình ở Mỹ đã đạt gần 14 nghìn tỷ USD tính đến quý III/2019. Đặc biệt với tầng lớp thu nhập thấp, vay nợ chiếm 1/5 tổng thu nhập của họ năm 2007 thì tỷ lệ này đã tăng lên 50% thu nhập vào năm 2013 theo thống kê mới nhất.

Trong khi đó, tổng mức nợ học phí của các sinh viên Mỹ đã tăng hơn 100% trong 10 năm qua lên đến 1,2 nghìn tỷ USD. Hiện nay, gần 40 triệu người Mỹ vẫn đang phải trả các khoản nợ học phí từ thời sinh viên của mình.

Nếu ở nước Mỹ, chắc chăn bạn phải mua xe và lãi suất vay nợ trên 72 tháng cho loại sản phẩm này tại Mỹ đạt tới 29,5%, mức cao nhất trong lịch sử. Ngoài tấm bằng và phương tiện di chuyển, chắc chắn công dân Mỹ cần có chỗ ở và số liệu của Viện Pew cho thấy 56% số người Mỹ nợ nần vì những khoản mua nhà thế chấp.

Nô lệ của tín dụng

Nợ nần đã trở thành câu chuyện thường ngày của nước Mỹ. Viện Pew cho biết 69% số người được hỏi thừa nhận tín dụng là điều tất yếu trong cuộc sống của họ dù mọi người không thích chúng. Thậm chí 68% nhận định những khoản vay và các thẻ tín dụng đã cho họ thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Tất nhiên, ảnh hưởng của những khoản vay nợ chồng chất lên cuộc sống và nền kinh tế là khác nhau. Những người già nghỉ hưu tại Mỹ mong muốn tỷ lệ nợ thấp bởi họ chỉ có thu nhập cố định. Tuy nhiên những người trẻ đi làm lại phức tạp hơn khi nợ nần đem lại cho họ cơ hội chi tiêu, thưởng thức cuộc sống hay thậm chí là đầu tư kinh doanh.

Trên thực tế, việc kích thích tín dụng sẽ thúc đẩy các hộ gia đình chi tiêu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và khiến hoạt động sản xuất, đầu tư trở nên nhộn nhịp, qua đó tác động tích cực ngược lại nền kinh tế. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ tín dụng hộ gia đình là một chỉ tiêu quan trọng cho các nhà lãnh đạo đánh giá hiệu quả của những chính sách kinh tế.

Nô lệ tín dụng: Cơn nghiện ngày càng nặng của nền kinh tế số 1 thế giới - Ảnh 2.

Dẫu vậy, việc lạm dụng thẻ tín dụng và chi tiêu không có kế hoạch của giới trẻ ngày nay đang dẫn đến một tình trạng phổ biến trong kinh tế Mỹ là không có tiền tiết kiệm.

Khảo sát của Google Consumer Survey cho thấy 62% số người Mỹ có chưa đến 1.000 USD trong tài khoản và 21% thậm chí còn chẳng có tài khoản tiết kiệm. Trong khi đó, báo cáo của Sở An sinh xã hội Mỹ (SSA) cho thấy 51% lao động Mỹ kiếm chưa đến 30.000 USD mỗi năm. Như vậy nếu bạn không vay nợ đồng nào và có 10 USD trong tài khoản tiết kiệm, bạn đã giàu hơn 80 triệu người dân Mỹ, tương đương 25% tổng dân số.

Chính việc chi tiêu không hợp lý và nợ nần quá nhiều đã đẩy một lượng lớn người Mỹ vào cảnh khó khăn. Số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy gần 47 triệu người Mỹ đang sống trong cảnh nghèo khổ, tức là có chi tiêu chưa tới 2 USD/ngày không tính các khoản trợ cấp và có tới 49% số người Mỹ đang sống trong gia đình có nhận trợ cấp phần nào từ chính phủ. Trong khi đó, số liệu của Trung tâm quốc gia về trẻ em nghèo (NCCP) cũng cho thấy 44% số trẻ em tại Mỹ phải sống trong gia đình có thu nhập thấp.

Ngoài ra, việc nợ nần quá nhiều khiến giới trẻ ngày nay không còn đủ tài chính để trang trải cho những tài sản lớn như bất động sản, khiến tỷ lệ thanh thiếu niên sống cùng cha mẹ tăng cao. Năm 1999, khoảng 25% số người Mỹ trên 25 tuổi sống với cha mẹ của mình thì tỷ lệ này hiện nay đã tăng lên 48,8%. Đồng quan điểm trên, khảo sát của viện Pew cho thấy 36% thanh thiếu niên từ 18-35 tuổi sống với cha mẹ tại Mỹ, mức cao nhất trong vòng 130 năm qua.

Hiện nay trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến việc có nên khuyến khích người dân vay nợ nhiều hơn hay không. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải dè chừng khi nâng lãi suất bởi họ lo ngại 1 cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra khi người dân vay nợ quá nhiều tiền đầu tư vào các thị trường bong bóng.


Theo AB

Nhịp sống Kinh tế

Trở lên trên