Nỗ lực bình ổn giá kiềm chế lạm phát
Trong 4 kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây, giá bán lẻ xăng dầu đều giảm với mức giảm chung là từ 6.000 - 7.300 đồng cho mỗi lít xăng dầu. Ảnh minh họa.
Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Chính phủ xác định nhằm đảm bảo kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
- 06-08-2022Chi phí sinh hoạt ở Việt Nam đứng thứ mấy về mức độ đắt đỏ trên thế giới?
- 29-07-2022Nhóm dân số giàu nhất ở Bình Dương, TP. HCM, Hà Nội... có thu nhập bình quân bao nhiêu?
- 29-07-2022Việt Nam nằm trong 3 cực tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2030
Giảm thuế xăng dầu để bình ổn giá
Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành. Đây cũng là loại hàng hoá có nhiều biến động theo giá thế giới. Vì vậy, mặt hàng này đã được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo giá bán lẻ trong nước ở mức phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế phục hồi và phát triển sau dịch bệnh.
Việc Quốc hội và Chính phủ quyết định giảm thuế, chấp nhận giảm thu ngân sách là nhằm bình ổn giá xăng dầu, qua đó giúp bình ổn giá cả trong nước.
Trong 4 kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây, giá bán lẻ xăng dầu đều giảm với mức giảm chung là từ 6.000 - 7.300 đồng cho mỗi lít xăng dầu. Kết quả này là nhờ các sắc thuế đối với xăng dầu đều giảm như giảm 50% thuế bảo vệ môi trường và mới đây là giảm từ 20% xuống còn 10% thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng.
Nhiều mặt hàng thiết yếu đang giảm giá
Giá xăng liên tiếp giảm trong thời gian qua đã khiến giá nhiều mặt hàng thiết yếu rục rịch giảm giá. Trong 2 tuần vừa qua tại các chợ dân sinh ở thành phố Hà Nội đã ghi nhận sự giảm giá 5 - 10% đối với các mặt hàng tươi sống. Giá thực phẩm giảm khiến những người tiêu dùng cảm thấy dễ chịu hơn vì không phải tính toán nhiều cho mỗi bữa ăn gia đình.
Còn tại các siêu thị, giá một số mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, mắm muối cũng đang hạ nhiệt từ 4 - 15% so với trước. Cụ thể, dầu đậu nành 2lit giảm từ 146.000 đồng xuống còn 125.000 đồng/chai, gạo ST 25 giảm từ 119.000 đồng xuống còn 108.000 đồng một bao 3kg.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đánh giá, mức giảm này chưa tương xứng với đà giảm của giá xăng dầu.
Sở Công Thương Hà Nội hiện đang tổ chức để các doanh nghiệp đăng ký chương trình bình ổn giá từ nay đến tháng 5/2023. Mục tiêu là 35% các mặt hàng thiết yếu trên thị trường sẽ vào danh mục bình ổn giá.
Kiểm soát lạm phát tạo đà cho kinh tế tăng trưởng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 vừa qua chỉ tăng 0,4% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 18 tháng qua. Kết quả này giúp giữ ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong bối cảnh lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng cao.
Nhiều mặt hàng thiết yếu, chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa đang giảm so với năm trước, qua đó tạo tiền đề cho kiểm soát lạm phát thời gian tới.
TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay: "Khi giá cả ổn định sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế. Đó là những yếu tố quan trọng tạo động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và năm sau".
Trong khi giá cả và lãi suất của thế giới tăng cao thì Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất và tỷ giá không tăng tương ứng theo nhịp chung quốc tế. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đã kìm chế được việc tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kích cầu thị trường nội địa, góp phần làm cho nền kinh tế vĩ mô ổn định.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã phải chấp nhật hạ thấp tốc độ tăng trưởng để đổi lấy mục tiêu kìm chế lạm phát. Việc Việt Nam đang có nhiều dư địa để kiềm chế lạm phát sẽ tạo động lực mạnh mẽ để tăng trưởng kinh tế năm nay có cơ sở đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây như dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế lớn đã đưa ra.
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất và tỷ giá không tăng tương ứng theo nhịp chung quốc tế. Ảnh minh họa.
Kiểm soát lạm phát đang có tác dụng
Tính chung 7 tháng đầu năm nay chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước là một thành công trong điều hành và quản lý giá. Kết quả này đã tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra cho cả năm và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hiệu quả, thực chất.
Việc giảm các loại thuế để đưa giá xăng dầu về gần ngang bằng mức giá đầu năm 2022 được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là biện pháp hiệu quả nhất giúp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng trong nước.
"Giá xăng dầu chiếm 2,2% trong tổng số 2,45% lạm phát, tức lạm phát do xăng dầu chiến tới gần 90%. Do vậy bất cứ động thái nào về giá xăng dầu cũng sẽ có tác động mạnh đến lạm phát ở Việt Nam", TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia cho hay.
Giá xăng dầu đang có cơ hội giảm giá mạnh lần thứ 5 liên tiếp vào ngày mai (11/8). Và nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm thì cũng có nghĩa là việc kiểm soát và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% sẽ có nhiều dư địa hơn từ nay đến cuối năm.
Hiệp hội taxi Hà Nội với hơn 10.000 đầu xe cũng đang tính toán giảm mạnh giá cước khi giá xăng dầu giảm.
"Chúng tôi cũng đang tính toán giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/km. Giá dự kiến sau khi điều chỉnh về mức 14.500 đồng/km. Đây là mức giá thấp hơn Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh 1.000 - 1.500 đồng/km", ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay.
Sự kiểm soát và giám sát giá các hàng hóa khác đang trở nên thiết yếu khi giá xăng dầu đã giảm.
Mặc dù vẫn còn dư địa cho kiểm soát lạm phát cả năm nhưng theo nhiều nhà kinh tế vẫn không thể chủ quan, lơ là trong công tác điều hành. Vì kiềm chế lạm phát, ổn định cuộc sống người dân, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển không chỉ là là mục tiêu quan trọng nhất trong điều hành của Chính phủ, mà còn là cơ sở để ổn định hàng loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng xuất khẩu, nhập siêu, sức mua của người dân và đặc biệt là sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
VTV News