MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗ lực cân bằng thương mại Việt - Mỹ

Việt Nam cần có giải pháp tiến tới phát triển thương mại hai chiều Việt - Mỹ một cách lành mạnh

Thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỉ USD/năm và thặng dư cán cân vãng lai ở mức trên 2% GDP/năm, Việt Nam khó tránh khỏi việc bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi, giám sát.

Nguy cơ bị Mỹ áp thuế

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam là đối tác xếp thứ 8 luôn có thặng dư thương mại với Mỹ trong 5 năm qua. "Một nguyên tắc căn bản trong Tổ chức Thương mại thế giới là cân bằng thương mại. Trong khi đó, nhiều năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam với Mỹ luôn duy trì thặng dư về phía Việt Nam. Đây là một việc khó chấp nhận đối với Mỹ. Chúng tôi đang nghiên cứu, đánh giá tình hình và nhận thấy nguy cơ Việt Nam cũng sẽ bị Mỹ dùng biện pháp tiến tới cân bằng cán cân thương mại như đã áp dụng với Trung Quốc" - ông Vũ Bá Phú chỉ rõ tình hình.

Đánh giá việc đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp thuế là điều thực sự nguy hiểm cho xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung, ông Phú cho rằng cần có giải pháp ứng phó sớm. Bởi thực tế, xuất khẩu tăng thể hiện năng lực sản xuất tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng lớn. Không thể để xuất khẩu của Việt Nam bị đình đốn do chính sách của các nước lớn trong bối cảnh nhiều bất ổn như hiện nay.

"Kinh tế của nước ta dựa vào xuất khẩu rất lớn. Để tiếp tục giữ ổn định, Việt Nam cần thẳng thắn trao đổi với Mỹ về những biện pháp có thể tiến tới cân bằng cán cân thương mại hoặc tiến tới phát triển thương mại hai chiều một cách lành mạnh. Chúng ta cũng phải truyền thông cho Mỹ thấy những ngành sản xuất của Việt Nam đang có năng lực sản xuất, cạnh tranh tăng lên một cách lành mạnh. Đặc biệt, có thể nghĩ đến việc hợp lý hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm của Mỹ có khả năng bổ sung cho nền sản xuất của chúng ta" - ông Phú góp ý.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhìn nhận việc Việt Nam có thể bị Mỹ đánh thuế để hạn chế xuất khẩu là chưa chắc chắn. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump được đánh giá là rất "khó đoán", "bất ngờ" nên Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần để thích ứng với mọi thay đổi.

"Mỹ đưa ra chính sách thương mại không dựa trên nguyên lý đồng nhất với mọi quốc gia mà mỗi thị trường sẽ có một cách riêng, bởi vì thương mại được hiểu là vũ khí để mặc cả, thỏa thuận chứ không thể hiểu đơn thuần là mua bán hàng hóa. Do đó, khó dự báo được cuộc chiến tranh thương mại có áp dụng với Việt Nam hay không. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có cách xoa dịu thông qua tăng nhập khẩu từ nước này để cán cân thương mại bớt chênh lệch" - ông Minh nêu quan điểm.

Nỗ lực cân bằng thương mại Việt - Mỹ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp thực phẩm Mỹ giới thiệu sản phẩm với các nhà nhập khẩu Việt Nam. Ảnh: AN NA

Khuyến khích nhập hàng Mỹ

Các chuyên gia góp ý Việt Nam cần chủ động hơn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp (DN) trong nước sử dụng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao của Mỹ. Chẳng hạn, trong ngành năng lượng, với chủ trương đẩy mạnh và khuyến khích đầu tư vào điện tái tạo, DN Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn công nghệ của Mỹ - nước sản xuất công nghệ về năng lượng tái tạo lớn thứ hai, sau Trung Quốc.

Hàng loạt thông tin về sự sôi động của thị trường hàng không Việt Nam thời gian gần đây cũng là thời cơ tốt để tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ có thế mạnh như máy bay hoặc các trang thiết bị phục vụ bay khác. Động thái rõ ràng nhất là cuối tháng 6-2019, một hãng bay mới ra đời của Việt Nam đã ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với tổng trị giá 5,6 tỉ USD.

Trước đó, nhiều hợp đồng lớn về năng lượng và hàng không cũng được ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam vào cuối năm 2017. Như vậy, phía Mỹ cũng thu được lợi ích cân bằng trong mối quan hệ thương mại với Việt Nam. Thực tế, năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là khoảng 32 tỉ USD. Nhưng chỉ với một hợp đồng mua bán máy bay với Boeing, thâm hụt có thể giảm gần 20%.

"Ở lĩnh vực xăng dầu, vừa qua, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn công bố sẽ nhập khẩu 3 triệu thùng dầu thô từ Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2019. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động giao thương bình thường mà có thể được hiểu là động thái Việt Nam muốn hài hòa thương mại với Mỹ, bởi thực tế, chi phí nhập khẩu từ Mỹ chắc chắn cao hơn so với các thị trường truyền thống của chúng ta ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc" - một chuyên gia phân tích.

Ngoài ra, có nhiều mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ rất lớn do Mỹ có lợi thế nổi trội và có thể tiếp tục tăng cường trong thời gian tới. Ở nhóm nông sản thực phẩm như bắp, đậu nành, thịt, sữa các loại, trái cây…, Mỹ đang xuất siêu sang Việt Nam 0,4 tỉ USD/năm, trong đó Mỹ xuất sang Việt Nam 4,5 tỉ USD còn Việt Nam xuất sang Mỹ 4,1 tỉ USD.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy nhiều mặt hàng Mỹ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam như: gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 24,1%; thức ăn cho gia súc và nguyên liệu tăng 14,1%; thủy sản tăng 85,9%; rau quả tăng 73,9%; bông các loại tăng 16%.

Ở riêng ngành thức ăn chăn nuôi, hiện Mỹ là thị trường thứ 2, sau Argentina, cung cấp cho Việt Nam các nguyên liệu như lúa mì, bắp, đậu tương, dầu mỡ thực vật… với hơn 290 triệu USD/năm. Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Hues châu Á - Công ty TNHH De Heus, cho biết Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn là do giá nguyên liệu trong nước cao, còn giá thế giới có chiều hướng giảm do tác động của thương chiến Mỹ - Trung. "Các DN nhập khẩu phụ phẩm bắp, đậu tương từ Mỹ với giá khá thấp nên giá thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước cũng đã giảm khoảng 10%, đem lại lợi ích cho ngành chăn nuôi Việt Nam" - một DN cho hay.

Nhập khẩu trái cây Mỹ tăng 50%

"Sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập từ Mỹ khoảng 20.000 tấn trái cây các loại, chủ yếu là anh đào (cherry), lê, nho, táo và việt quất, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân tăng trưởng một phần do Việt Nam mới mở thêm cho Mỹ quả việt quất (cùng thời điểm Mỹ mở cửa cho quả xoài Việt - PV). Ngoài ra, khi Trung Quốc giảm mua, DN Việt Nam mua được giá cạnh tranh hơn, tiêu thụ tốt hơn nên nhập khẩu nhiều" - ông Lê Sơn Hà, Trưởng Phòng Kiểm dịch thực vật Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Theo Phương Nhung - Nguyễn Hải - Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên