MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗ lực giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo

Là khu vực tập trung nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo, lưới điện truyền tải của Công ty Truyền tải điện 3 đang ngày càng hoàn thiện, đảm bảo giải tỏa công suất điện sạch và cung cấp điện an toàn, ổn định.

Với sự phát triển mạnh của các nguồn điện năng lượng tái tạo, áp lực truyền tải hết công suất từ các nhà máy trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lên hệ thống điện, đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung là khó khăn thách thức lớn. Tính đến hết năm 2023, tổng công suất điện năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) là 5.861MW; trong đó điện gió là 23 nhà máy với tổng công suất 2.308MW; điện mặt trời là 36 nhà máy với tổng công suất khoảng 3.553MW.

Nếu tính cả phần nguồn năng lượng tái tạo phía lưới phân phối, tổng công suất đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối của 9 công ty điện lực khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lên tới khoảng 10.000MW, chiếm hơn 50% trong cơ cấu nguồn điện. Hiện đơn vị đang quản lý vận hành 5.769 km đường dây 220kV - 500kV; 18 trạm biến áp 220kV điều khiển thao tác xa không người trực, 6 trạm biến áp 500kV có tổng công suất 15.548MVA với 994 lao động.

Nỗ lực giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo- Ảnh 1.

Công nhân Điện lực Bình Thuận thực hiện bảo dưỡng thiết bị tại trạm biến áp

Theo ông Phan Đình Minh, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận, đường dây 500kV Vĩnh Tân - Trung Nam (mạch kép) đi qua địa hình đồi núi cao và gần biền, khu vực canh tác ruộng muối và với đặc thù khí hậu nắng nóng, sự tác động của gió lớn nên bề mặt của các chuỗi sứ cách điện đường dây rất dễ bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố lưới điện và các nguy cơ khác. Đặc biệt là vào thời điểm từ tháng 9/2023 – 4/2024 có gió mùa Đông Bắc hướng từ biển vào đất liền và dự báo thời điểm mạnh nhất là cuối tháng 1/2024 đến đầu tháng 2/2024.

Chính vì vậy, việc quản lý vận hành, ngoài kiểm tra định kỳ ngày và đêm, Truyền tải điện Bình Thuận đã đặc biệt chú trọng thường xuyên tăng cường kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra đột xuất,… nhằm đánh giá, phát hiện các bất thường để kịp thời xử lý, không để sảy ra sự cố lưới điện. Tuy nhiên, việc cắt điện đường dây để thi công vẫn chưa thực hiện được do áp lực phải đảm bảo ổn định giải tỏa công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

“Để đảm bảo đường dây vận hành an toàn, đơn vị đã tiếp tục tăng cường triển khai công tác kiểm tra thường xuyên bằng thiết bị bay không người lái (UAV) để theo dõi đánh giá kịp thời. Với khối lượng kiểm tra, bảo dưỡng lớn, cộng với thời gian đăng ký cắt điện không được nhiều, Truyền tải điện Bình Thuận đã huy động lực lượng cả 3 đội Truyền tải điện Phan Thiết, Bắc Bình, Tánh Linh và Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân gồm 70 người cùng tham gia thực hiện, với phương án chi tiết, cụ thể cho từng nhóm thi công. Trong suốt quá trình thi công, công tác đảm bảo an toàn luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu, tất cả các nhóm công tác đều được phổ biến công tác an toàn trước khi tham gia thực hiện, công tác chuẩn bị chu đáo, trình tự thao tác trên lưới đều thực hiện đúng theo quy trình, quy định”, ông Minh cho biết.

Thời gian qua, PTC3 đã đảm bảo nhiệm vụ truyền tải điện thông suốt trên trục Bắc Nam, đồng thời giải tỏa các nguồn năng lượng trọng điểm quan trọng trong khu vực như Thủy điện Khu vực Tây Nguyên, cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện BOT Vân Phong… và các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực. Qua đó, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ cho việc truyền tải điện quốc gia, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Lưới điện ngày càng hoàn thiện, suất sự cố giảm, trên lưới điện công ty quản lý chưa có sự cố gây mất điện trên hệ thống.

Ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 cho hay, với cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trên lưới rất lớn, làm cho một số đường dây 220kV, máy biến áp 220kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai luôn vận hành trong chế độ đầy tải.

“PTC3 gặp phải không ít khó khăn trong quá trình vận hành an toàn lưới điện truyền tải, trong phối hợp giải tỏa hết công suất các nguồn điện của các nhà máy. Ngoài ra, trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố, đơn vị này cũng phải cắt điện thực hiện vào ban đêm, có nguy cơ mất an toàn và mất ổn định của hệ thống truyền tải điện”, ông Cường nói.

Trước những khó khăn đó, để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong năm tới đã được cảnh báo, đặc biệt tại các điểm nóng về phụ tải, Giám đốc PTC3 – ông Nguyễn Công Thắng cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn việc rà soát, phối hợp với các nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối lưới đạt mức an toàn cao nhất về thiết bị và đường dây, thông tin vận hành thông suốt, đặc biệt là phối hợp với Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung và miền Nam và các đơn vị quản lý nhà nước.

“Đơn vị tăng cường quản lý vận hành, kiểm tra xử lý các khiếm khuyết trên lưới điện, hoàn thành sớm kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa; chuẩn bị đầy đủ các phương án, nhân lực, vật tư, thiết bị để xử lý sự cố nếu có”, ông Thắng thông tin.

Nỗ lực giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo- Ảnh 2.

Các đơn vị thuộc PTC3 tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên bằng thiết bị bay không người lái (UAV) để theo dõi, đánh giá kịp thời phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện an toàn

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Thanh Hiển, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Tầm nhìn Năng lượng sạch (chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1,2,3 - Bình Định) cho hay, đơn vị truyền tải điện đã thường xuyên trao đổi, phối hợp và hỗ trợ nhà máy trong trong vận hành giải tỏa công suất phát điện, tuân thủ quy định về lĩnh vực điện cũng như xử lý các sự cố. “Chúng tôi mong rằng tiếp tục nhận được sự trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau về nhân lực, thiết bị để vận hành nhà máy tốt hơn nữa, giảm thiểu các sự cố…”, ông Hiển đề xuất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 21 nhà máy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 878,9MW. Phó Chủ tỉnh Bình Định – ông Nguyễn Tự Công Hoàng khẳng định, với tiềm năng và lợi thế hiện có, trong thời gian tới tỉnh Bình Định tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và PTC3 tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong quá trình quản lý, vận hành; thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các công trình điện thuộc phạm vi quản lý theo Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Đặc biệt, EVNNPT và PTC3 cần quan tâm sớm triển khai đầu tư xây dựng Trạm biến áp 500kV Bình Định, Trạm biến áp 220kV Nhơn Hội trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhằm nâng cao độ tin cậy của lưới điện truyền tải, góp phần giải tỏa công suất các dự án nguồn điện trong thời gian tới, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định”, ông Hoàng mong muốn.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên