Nỗ lực trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ: Liệu OCB có quá tự tin?
Định vị trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã chủ động có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tuy nhiên, liệu OCB có quá tự tin khi sự cạnh tranh ở thị trường này ngày càng khốc liệt?
Cạnh tranh bằng đa dạng dịch vụ
Với tiềm năng dân số trẻ, thu nhập đầu người ngày càng cải thiện, số người dân vay vốn để chi tiêu ngày càng nhiều khiến lĩnh vực bán lẻ trở nên rất sôi động vì cuộc đua giành lấy thị phần không chỉ từ các ngân hàng trong nước mà còn có sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài và các công ty tài chính.
Để “giành” được một chỗ đứng trong tâm trí khách hàng, các ngân hàng đang tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa sản phẩm, cải thiện năng lực quản trị… Một số chiến lược các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh là: chính sách hỗ trợ bán lẻ tốt; phương pháp trả vốn linh hoạt; đơn giản hóa thủ tục; hỗ trợ chăm sóc khách hàng chu đáo và đặc biệt là đa dạng dịch vụ hướng tới từng phân khúc khách hàng cụ thể.
Định vị trở thành một “ông lớn” về bán lẻ, OCB không ngừng đưa ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, năng lực tài chính của từng phân khúc khách hàng. Chỉ tính riêng các chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân, OCB đã có rất nhiều sản phẩm: vay mua xe ôtô, trả góp mua nhà, sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay du học, vay mua nhà dành cho người nước ngoài, cho vay không có tài sản thế chấp…
Hiện nay, OCB đang dành 3.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có nhu cầu vay mua trả góp ôtô, bất động sản, sửa nhà, sản xuất kinh doanh, lãi suất từ 5,99%/năm với gói vay ưu đãi “Vốn giá rẻ - Xuân phát tài”, áp dụng đến hết 30/4/2017.
Đối với phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình khá có nhu cầu mua nhà, mua xe trong tương lai, OCB vừa triển khai 2 sản phẩm tiết kiệm tích lũy “Xây dựng tương lai” và “Nâng tầm cuộc sống”. Theo đó, sau thời gian tích lũy, khách hàng sẽ được ưu đãi lãi suất mua nhà, xe lên đến 2%/năm.
Ngoài ra, OCB cũng cam kết đưa quyết định cho vay đến khách hàng chỉ trong vòng 2 giờ sau khi hoàn tất thủ tục và đơn giản hóa hồ sơ để tạo thuận lợi cho người vay vốn. Đồng thời, khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch với tiện ích vượt trội trên Internet banking hoặc Mobile Banking. Đặc biệt, việc đăng kí nhanh chóng các khoản vay trên mạng trực tuyến Mobile App của OCB sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Nỗ lực nâng cao chỉ số an toàn
Đại diện của một số ngân hàng thừa nhận rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, việc cải tiến dịch vụ, đa dạng sản phẩm để phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng là yếu tố quan trọng, đồng thời, cần tiến tới giảm các yếu tố gây trở ngại cho người vay như: lãi suất, giải ngân chậm, thủ tục rườm rà… và tăng những thuận tiện khi trải nghiệm các tiện ích từ công nghệ. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất là cần tạo dựng sự yên tâm, niềm tin cho khách hàng bằng cách nỗ lực nâng cao các chỉ số an toàn, hạn chế sự rủi ro.
OCB là một trong những ngân hàng sớm chủ động thực hiện Hệ thống quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Điều này không chỉ giúp OCB giảm tập trung các tài sản rủi ro cao, tăng khả năng sinh lời mà còn có thể chủ động điều hành hoạt động kinh doanh, không lo các biến động của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB, cho biết: "Mọi kế hoạch đề ra đều được kiểm soát chặt chẽ để đạt mức tăng trưởng cao mà vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số về an toàn. Triển khai Basel II là một thách thức lớn không chỉ riêng đối với OCB mà cả các ngân hàng Việt Nam do những yêu cầu về chi phí, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu… Dự kiến OCB sẽ hoàn tất triển khai Basel II trong tháng 9/2017. Những bước đi quyết liệt trong việc triển khai Basel II giúp OCB tiệm cần dần với những thông lệ quốc tế tiên tiến và tạo đột phá trong những năm tiếp theo."
Nhờ những nỗ lực nâng cao chỉ số an toàn, tính đến ngày 31/12/2016, OCB đã đạt được những chỉ số tăng trưởng ấn tượng, cụ thể tổng tài sản tăng trưởng 29%, đạt hơn 63 ngàn tỉ đồng; tổng dư nợ tăng trưởng 35%, đạt hơn 39,6 ngàn tỉ đồng; tổng huy động tăng trưởng 57%, đạt hơn 46 ngàn tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu giảm về mức 1,51%.
Sự cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt cho vay tiêu dùng ngày càng tăng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn. Vì vậy, dù còn nhiều thách thức nhưng cuộc đua để giành lấy sự tín nhiệm của người tiêu dùng sẽ giúp cho các nhà băng không ngừng nỗ lực để tự hoàn thiện mình.