Nợ phải thu khó đòi của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lớn tăng mạnh
Nợ phải thu khó đòi theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty năm 2015 là 16.715 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2014, chiếm 4,9% tổng nợ phải thu.
- 24-10-2016Lãnh đạo tập đoàn than: TKV không còn độc quyền nhập khẩu than
- 24-10-2016Nhà nước vẫn nắm hơn 90% vốn tại 15 tập đoàn, tổng công ty lớn
- 24-10-2016Thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm, Nhà nước thu về 11.183 tỷ đồng
- 24-10-2016Vinalines tiếp tục giữ ngôi đầu bảng thua lỗ, chiếm 50% tổng số lỗ của các tập đoàn, tổng công ty
Đây là số liệu được đưa ra trong bản báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015.
Theo thông tin từ Chính phủ, báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 338.327 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2014.
Tỷ lệ Nợ phải thu/Tổng tài sản năm 2015 là 12%. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 16.715 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2014, chiếm 4,9% tổng số nợ phải thu. Đây là một điểm đáng lo ngại khi tốc độ nợ phải thu khó đòi (11%) cao hơn hẳn so với tốc độ tăng nợ phải thu (6%)
Có thể kể đến những cái tên thuộc "top" của danh sách nợ phải thu khó đòi như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đứng đầu bảng với số nợ lên đến 6.787 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là 1.455 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội là 972 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc là 815 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là 712 tỷ đồng…
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nêu trên đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đầy đủ để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định.
Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 15.716 tỷ đồng, bằng 94% nợ phải thu khó đòi.