MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ quốc gia Mỹ lập kỷ lục mới với ngưỡng 22 nghìn tỷ USD

13-02-2019 - 16:51 PM | Tài chính quốc tế

Diễn biến cho thấy tình hình tài chính quốc gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xấu đi...

Nợ quốc gia của Mỹ đã lập kỷ lục mới ở ngưỡng 22 nghìn tỷ USD trong tuần này, chưa đầy 1 năm sau khi vượt mốc 21 nghìn tỷ USD. Diễn biến này cho thấy tình hình tài chính quốc gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xấu đi - theo trang MarketWatch.

Dữ liệu được dẫn từ báo cáo của Peterson Foundation cho thấy nợ quốc gia của Mỹ tăng thêm 1 nghìn tỷ USD chỉ sau 11 tháng. Báo cáo này gọi đây là "tín hiệu mới nhất cho thấy tình hình tài khóa của Mỹ không chỉ không bền vững, mà ngày còn ngày càng tệ hơn".

Khoản nợ quốc gia 22 nghìn tỷ USD của Mỹ bao gồm khoảng 16,1 nghìn tỷ USD Chính phủ liên bang Mỹ vay từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hay còn gọi là nợ công (public debt), và khoảng 5,9 nghìn tỷ USD các cơ quan chính phủ vay lẫn nhau.

Các con số ước tính trên được đưa ra dựa trên báo cáo hàng ngày của Bộ Tài chính Mỹ về tài sản tài chính và các nghĩa vụ nợ của Chính phủ. Peterson Foundation từ lâu đã kêu gọi giảm nợ quốc gia để đảm bảo sức khỏe tài chính dài hạn nước Mỹ.

"Mỗi ngày hiện nay, nước Mỹ phải trả trung bình 1 tỷ USD tiền lãi nợ quốc gia. Trong vòng 1 thập kỷ tới đây, tổng tiền lãi nợ quốc gia sẽ là 7 nghìn tỷ USD", ông Michael Peterson, Giám đốc điều hành (CEO) của Peterson Foundation, nhấn mạnh. "Để xây dựng một tương lai vững mạnh cho nước Mỹ, chúng ta cần lập lại trật tự tài khóa và bắt đầu kiểm soát nợ quốc gia".

Các chuyên gia kinh tế đồng tình với quan điểm cho rằng nước Mỹ sẽ phải gánh chịu những hệ quả tiêu cực trong dài hạn nếu không kìm hãm được tốc độ tăng chóng mặt của nợ quốc gia. Tuy nhiên, Washington có lẽ còn một chặng đường dài phải đi trước khi làm được điều này.

Phương pháp tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe tài khóa của một quốc gia là nhìn vào tỷ lệ nợ công (một bộ phận của nợ quốc gia) so với tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Với chương trình cắt giảm thuế và các chính sách chi tiêu hiện nay, tỷ lệ này của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên từ mức khoảng 78% trong năm nay lên 106% vào năm 2029 và 193% vào năm 2049 - một báo cáo mới đây của Brookings Institution ước tính.

Tiền lãi phải trả cho khối nợ lớn sẽ làm giảm bớt nguồn ngân sách mà Chính phủ Mỹ lẽ ra có thể sử dụng cho những việc khác. Tuy vậy, điều này không thể hiện rõ mức độ ảnh hưởng của nợ công nói riêng và nợ quốc gia nói chung đối với kinh tế Mỹ.

Dù có tỷ lệ công/GDP "khủng" trong suốt nhiều năm, Nhật Bản vẫn là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Tỷ lệ này của Nhật Bản hiện ở mức khoảng 236% GDP.

Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng mạnh kể từ sau đợt suy thoái 2007-2009, và tiếp tục tăng mạnh hơn kể từ chương trình cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump vào năm 2017 và chương trình tăng chi tiêu công của chính quyền ông Trump.

Theo Thăng Điệp

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên