MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nở rộ hiện tượng lách luật bất chấp rủi ro để săn lùng cổ phiếu sắp lên sàn

Kịch bản "lên sàn tăng trần" diễn ra với nhiều cổ phiếu trước đây đã khiến cho nhiều nhà đầu tư bất chấp rủi ro để mua cổ phiếu khi Trung tâm lưu ký đã ngừng nhận hồ sơ chuyển nhượng.

Gần đây, có một hiện tượng mà giới chuyên môn am hiểu trong nghề không khỏi không lo ngại. Đó là hiện tượng chuyển nhượng cổ phiếu sắp lên sàn khi Trung tâm lưu ký (VSD) đã ngừng nhận hồ sơ chuyển nhượng.

Thông thường, khi chuyển nhượng cổ phiếu của các công ty đại chúng, bên mua và bên bán cần phải đến tổ chức phát hành hoặc đơn vị quản lý sổ cổ đông của tố chức phát hành để tiến hành chuyển nhượng. Mọi thông tin của 2 bên cần chuyển qua Trung tâm lưu ký và được VSD kiểm tra chính xác thì mới xác nhận việc chuyển nhượng.

Với cổ phiếu sắp lên sàn, trước ngày lên sàn khoảng 1 tháng, VSD cần chốt danh sách cổ đông và ngừng nhận hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán. Như vậy, trong khoảng thời gian 1 tháng này, nếu ai chưa kịp chuyển nhượng thì không thể chuyển nhượng nữa. Họ chỉ còn cách mở tài khoản tại công ty chứng khoán, lưu ký chứng khoán, chờ khi cổ phiếu được phép giao dịch và tiến hành bán thỏa thuận cho bên mua.

Tuy nhiên, hiện tại, các nhà đầu tư vẫn tiến hành chuyển nhượng cổ phiếu sắp lên sàn cho dù VSD đã ngừng nhận hồ sơ chuyển nhượng.

Họ tiến hành theo 3 bước sau:

Bước 1: Cả người mua và người bán cầm theo sổ cổ đông đến CTCK nơi mà người mua muốn mở tài khoản.

Bước 2: Người bán mở tài khoản đứng tên mình, lưu ký chứng khoán vào tài khoản, tuy nhiên thông tin cá nhân để tiến hành giao dịch như mật khẩu đặt lệnh điện thoại, mật khẩu giao dịch online, tài khoản nhận chuyển tiền, và số điện thoại nhận tin nhắn thông báo đều là thông tin của người mua.

Bước 3: Người mua giao tiền cho người bán, và người bán hết trách nhiệm. Người mua chờ đến ngày cổ phiếu được phép giao dịch thì đặt lệnh bán chứng khoán online, rồi chuyển tiền về tài khoản cá nhân đứng tên mình đã đăng ký trước đó.

Trong trường hợp này, người bán hoàn toàn không có chút rủi ro nào. Tuy nhiên, đối với người mua thì tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Nếu người bán là người “tử tế”, mua đứt bán đoạn thì khi cổ phiếu chào sàn tăng giá tốt, người mua sẽ bán cổ phiếu và có thể chuyển tiền về tài khoản tên mình một cách suôn sẻ.

Nhưng nếu người bán nảy sinh lòng tham, sau khi nhận tiền, vẫn hoàn toàn có quyền quay lại công ty chứng khoán yêu cầu làm thay đổi lại thông tin cá nhân về thông tin đúng của mình, bao gồm mật khẩu giao dịch online, tài khoản ngân hàng nhận chuyển tiền thì người mua cũng không thể kiện tụng gì được vì trên thực tế thỏa thuận mua bán giữa hai người là không hợp pháp.

Rủi ro này được người mua nhận diện rất rõ. Nhưng họ vẫn chấp nhận đánh đổi rủi ro để mua được cổ phiếu ngay trước thềm niêm yết bởi kỳ vọng vào kịch bản “lên sàn tăng trần” như nhiều trường hợp trước đó.

Ánh Duyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên