MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ thuế vài trăm nghìn bị cấm xuất cảnh: Có hợp lý?

Năm 2015, Bộ Tài chính từng đề xuất ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh từ 1 tỷ đồng trở lên và cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, đến nay, quy định này vẫn chưa được áp dụng. Việc cá nhân, đại diện DN bị cấm xuất cảnh dù chỉ nợ thuế vài trăm nghìn đồng đang gây không ít bức xúc trong dư luận.

Như đã đề cập ở bài trước, thời gian gần đây, nhiều cơ quan thuế các tỉnh, thành đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều giám đốc, người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế. Thậm chí không ít giám đốc các doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế từ vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này cần thiết song cần nâng mức nợ thuế lên, thay vì chỉ vài trăm nghìn hay vài triệu đồng như hiện nay.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Nợ thuế vài trăm nghìn bị cấm xuất cảnh: Có hợp lý?- Ảnh 1.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn (Ảnh minh họa: KT)

Theo quy định về tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế.

Trước khi có thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, cơ quan thuế đã có thông báo nợ thuế, tiến hành các biện pháp cưỡng chế. Theo quy định, chỉ cần nợ thuế cho dù số nợ ít hay nhiều vẫn bị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan thuế cần rà soát lại những trường hợp doanh nghiệp có số tiền thuế nợ chỉ vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng hay vài chục triệu đồng (số nợ thuế được xem là thấp). Có những trường hợp, giám đốc doanh nghiệp ra tới sân bay mới biết thông tin cá nhân mình bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế dù rất thấp. Việc này ảnh hưởng không chỉ tới tiến độ công việc, cơ hội kinh doanh mà còn ảnh hưởng tới danh dự của người đó.

Đánh đồng nợ thuế - không hợp lý

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, việc nợ thuế vài trăm, hay 1 vài triệu mà bị cấm xuất cảnh là không hợp lý.

“Việc nợ vài trăm nghìn hay vài triệu có lẽ do sơ suất, không để ý, dẫn đến phát sinh nợ từ số lẻ, chứ ít ai cố tình trốn thuế ở mức đó. Mức áp dụng nên ở ngưỡng từ chục triệu đồng trở lên”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo ông Đức, cơ quan thuế phải làm cách nào đó để người thi hành quyết định biết được mình đang nợ thuế, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. Việc thông báo nên thực hiện nhiều lần, chẳng hạn đến lần thứ 3 mà không thực hiện mới cấm xuất cảnh.

"Việc thông báo nhắc nhở này phải có người tiếp nhận chứ không phải thông báo công khai trên phương tiện truyền thông như "bêu" tội phạm. Việc "bêu" tên chỉ là giải pháp cuối cùng. Trên thực tế, quá trình thực thi sẽ có những vướng mắc nhất định, giống như câu chuyện hoàn thuế cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chậm được hoàn thuế nhưng chưa thấy cơ quan thực thi nào bị xử lý", luật sư Trương Thanh Đức thẳng thắn.

Nợ thuế vài trăm nghìn bị cấm xuất cảnh: Có hợp lý?- Ảnh 2.

việc nợ thuế vài trăm, hay 1 vài triệu mà bị cấm xuất cảnh là không hợp lý (Ảnh minh họa: KT)

Chia sẻ với một số báo chí, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, những giám đốc, đại diện của các doanh nghiệp chắc chắn biết quy định nợ thuế ra sao sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, nếu nợ thuế chỉ với 1 triệu đồng hay vài chục triệu đồng mà bị tạm hoãn xuất cảnh thì chắc chắn họ sẽ tìm cách nộp sớm.

"Nên chăng trước khi áp dụng chế tài cấm xuất cảnh, cơ quan thuế cần bảo đảm đã gửi thông báo đến doanh nghiệp và doanh nghiệp đã nhận được hoặc đã có đại diện doanh nghiệp đến làm việc với cơ quan thuế về nội dung nợ thuế", ông Nghĩa nêu ý kiến, đồng thời cho rằng, cơ quan thuế cần rà soát lại những trường hợp nợ thuế ít, từ vài chục triệu đồng trở xuống để xem xét lại doanh nghiệp đã nhận được thông báo cưỡng chế nợ thuế cũng như thông báo tạm hoãn xuất cảnh hay chưa, tránh để doanh nghiệp bị ảnh hưởng quyền lợi không đáng có.

Nên phân loại tiêu chí đối với người nợ thuế

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, cơ quan thuế đưa ra lệnh hoãn xuất cảnh đối với đại diện doanh nghiệp có nợ thuế trong thời gian ngắn vô hình chung nhìn nhận doanh nghiệp thực thi không đúng pháp luật, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, sau những năm dịch Covid-19 và những biến động thị trường, việc doanh nghiệp duy trì được đến nay là một nỗ lực. Do đó, việc đưa ra biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp còn nợ thuế gây ra tâm lý nặng nề, làm giảm động lực kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Thảo cho rằng, ngành Thuế nên có phân loại tiêu chí đối với người nợ thuế là bao nhiêu tiền và trong bao nhiều lần thông báo nộp thuế thì mới áp dụng biện pháp này.

“Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp chậm nộp thuế là do vô tình không nắm được thông tin. Cơ quan thuế có thể giúp cho doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn nếu như áp dụng các biện pháp khác như thông báo, nhắc nhở để doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn”, TS. Nguyễn Minh Thảo nêu ý kiến.

Yêu cầu tăng cấm xuất cảnh để thu hồi nợ thuế

Tại công văn gửi bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo trong công tác xử lý thu hồi nợ thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024, công tác thu ngân sách tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt. Đáng chú ý, số tiền nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm đang có xu hướng tăng cao (đặc biệt là các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).

Năm nay, Chính phủ yêu cầu ngành tài chính tăng đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến ngày 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.

Để thu hồi nợ, Tư lệnh ngành Tài chính yêu cầu cơ quan Thuế cung cấp thông tin nhằm kịp thời có biện pháp cưỡng chế. Theo đó, người nộp thuế “chây ỳ” sẽ bị công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.


Bài viết cùng loạt bài:

Bài 1: “Khóc dở, mếu dở” khi bất ngờ nhận ‘trát’ phạt nợ thuế, cấm xuất cảnh


Theo Cẩm Tú

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên