Phó Thủ tướng: Nợ xấu đã giảm rất mạnh về 6,7%, riêng tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ còn 2%
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã giảm được rất mạnh nợ xấu, toàn hệ thống từ 10,08% vào cuối 2016 thì bây giờ chúng ta còn 6,7% và nợ xấu trong bảng cân đối kế toán chỉ còn khoảng 2% so với mức 2,56% của đầu năm nay.
- 14-10-2018“Nợ xấu chưa thể xử lý nhanh do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh”
- 09-10-2018Xử lý nợ xấu: Cần nguồn lực rất lớn về vốn
- 05-10-2018Nợ xấu tăng mạnh, ngân hàng phải nhìn lại chính mình trước khi đổ lỗi cho môi trường, khách hàng
Trong phiên họp toàn thể chiều ngày 27/10 của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã báo cáo thêm một số vấn đề mà Quốc hội quan tâm liên quan đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu lại khu vực về thị trường tài chính.
Chính phủ không bao giờ có chủ trương phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu
Riêng về thị trường tài chính, ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết, căng thẳng chính trị trên thế giới làm cho giá cả thế giới diễn biến bất thường nhất là giá dầu thô. Chính sách về lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giá USD tăng, nhiều nước bên cạnh ta giảm giá đồng tiền nên lãi suất thế giới tăng cao gây áp lực lớn đến điều hành của ta. Vì vậy, nhất quán từ đầu nhiệm kỳ là Chính phủ coi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo các cân đối của nền kinh tế như là năng lượng, điện, lương thực, thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững về nợ công, cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai, tăng cường dự trữ ngoại hối. Hiện nay chúng ta có mức dự trữ ngoại hối kỷ lục trên 60 tỷ USD.
Thời gian qua đã kiểm soát thành công lạm phát dưới 4% trong 3 năm liên tiếp, giữ được mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Chúng ta điều hành tỷ giá theo nguyên tắc thị trường có tính thận trọng hơn, kết hợp rất tốt chính sách tài khóa với tiền tệ, chính sách về ngoại thương.
"Thời gian tới, chúng tôi báo cáo Quốc hội, Chính phủ coi trọng vấn đề kinh tế vĩ mô và trong mục tiêu tổng quát năm nay cũng như năm sau là củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế vĩ mô. Tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng cũng như kinh tế của chúng ta trước biến động của thị trường thế giới. Trước sức ép lạm phát lớn, nhất là biến động tỷ giá lãi suất trên thế giới và căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, chúng ta cần tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực còn có những hạn chế.
Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ cho xuất khẩu. Chúng ta thực hiện một chính sách về tài khóa chặt chẽ nhưng thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiều chỉ tiêu về thị trường tài chính vượt kế hoạch 5 năm, nợ xấu đã giảm rất mạnh
Phó Thủ tướng cũng cho biết, nhiều chỉ tiêu về thị trường tài chính của chúng ta đã đi trước được kế hoạch 5 năm, hiện nay thị trường chứng khoán đã tăng trưởng chiếm 10% GDP, trong đó cổ phiếu là 84%, vượt xa mức 70% đến năm 2020. Điều này giảm nhẹ được gánh nặng về cung ứng vốn trung dài hạn cho hệ thống về ngân hàng.
Chúng ta đã giảm được rất mạnh nợ xấu, toàn hệ thống từ 10,08% vào cuối 2016 thì bây giờ chúng ta còn 6,7% (nợ xấu này bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và các khoản nợ xấu tiềm tàng - PV) và nợ xấu trong bảng cân đối kế toán chỉ còn khoảng 2% so với mức 2,56% của đầu năm nay.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng thì Thống đốc đã phê chuẩn được 50 đề án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 1058 để thực hiện chủ trương của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội.
Điểm sáng trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã ban hành được Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 07 về cơ cấu lại thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững về nợ công.
Phó Thủ tướng báo cáo thêm, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về chuyện nợ nước ngoài của quốc gia tăng sát trần thì đó là nợ nước ngoài quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp. Nợ nước ngoài của Chính phủ đã giảm được từ mức 60% trước đây xuống còn 40% trong cơ cấu nợ. Khối nợ nước ngoài thì một số giao dịch vừa rồi cũng có tăng lên, Thủ tướng đã có một hạn mức rất chặt chẽ cho mức nợ nước ngoài của quốc gia cho nên Chính phủ cũng hứa với Quốc hội sẽ tiếp tục kiểm soát chặt vấn đề này, nhất là trong điều kiện tỷ giá thế giới tăng mà nợ nước ngoài gia tăng lên thì nghĩa vụ trả nợ quốc gia là rất lớn.
Trí Thức Trẻ
- Quốc hội quyết chi ngân sách Trung ương 2019 hơn 1 triệu tỷ đồng
- Chi 16.200 tỷ đồng cải cách tiền lương, tinh giản biên chế trong 2019
- Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Chúng ta có nhiều bài học 'xương máu'
- Chiều nay Quốc hội biểu quyết thông qua CPTPP
- Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Không thể có đại học vô chủ!"