Nợ xấu tăng cao: Cần sớm có sàn giao dịch mua bán nợ
Nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Do đó, phát triển thị trường mua bán nợ thông qua hình thành sàn mua bán nợ là cần thiết.
- 25-11-2018VAMC liên tiếp hạ giá bán khoản nợ xấu của Đông Thiên Phú, giảm tới 44% vẫn ế ẩm
- 22-11-2018Nợ xấu ngân hàng: Đại hạ giá vẫn khó bán, nguy cơ nợ phình to
- 18-11-2018Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Đủ công cụ xử lý nợ xấu
Gánh nặng nợ xấu
Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2018, tổng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đang là 2,09% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Tổng nợ xấu bao gồm các các khoản nợ đã bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 486.000 tỷ đồng, chiếm 6,67% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC), con số này mới chỉ phản ánh quy mô nợ xấu trong các TCTD chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế. Do DATC lấy doanh nghiệp làm đối tượng hỗ trợ nên cách nhìn về nợ xấu của nền kinh tế không chỉ có nợ xấu của TCTD mà còn các khoản nợ có tính chất “Nhà nước” và các khoản cấp vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Do đó, dưới cách nhìn của DATC, nợ xấu cần xử lý phải được xem xét từ phương diện nợ phải trả của doanh nghiệp.
Tổng nợ xấu bao gồm các các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu tương ứng 486.000 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ: KT)
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Việt Dũng, Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, nợ xấu làm ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Nợ xấu lớn làm tăng lãi suất cho vay, làm giảm vốn tín dụng cho nền kinh tế.Ông Phạm Mạnh Thường cho rằng, nợ xấu tăng cao đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Bởi nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền khi mà ở Việt Nam hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng với dự nợ ước đạt 122% GDP – gấp 2 đến 3 lần các nước ASEAN. Do đó, gánh nặng nợ xấu của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn và có tác động trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia.
Nguyên nhân do cung ứng vốn từ các TCTD chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính cho nền kinh tế, tổng tài sản của các TCTD chiếm hơn 95% tổng tài sản của các định chế tài chính. Đối với các TCTD, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng chiếm trên 70% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.
Theo ông Lê Việt Dũng, tại Việt Nam, hầu hết các TCTD đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 -2018, dự kiến năm 2018 sẽ xử lý được khoảng 20 – 30% nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 và dự kiến cuối năm 2020 sẽ xử lý được số nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế xuống dưới 3%. Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt.
Thực tế, phần lớn nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý qua dự phòng rủi ro, thu nợ từ khách hàng. Các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm… chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn. Do đó, bên cạnh các phương pháp đã được sử dụng hiệu quả thời gian qua, để đẩy nhanh hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường mua bán nợ với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lập sàn giao dịch mua bán nợ
Ông Lê Việt Dũng cho rằng, cần phải phát triển thị trường mua bán nợ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, hình thành sàn giao dịch mua bán nợ. Đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư. Sàn giao dịch có thể trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao dịch, thiết lập các chuẩn mực về niêm yết thông tin khoản nợ, quản lý và phát triển các trung gian tạo lập thị trường, tổ chức đầu tư, xây dựng cơ chế giám sát và quy định bảo vệ nhà đầu tư. Việc hình thành sàn giao dịch sẽ tăng tính minh bạch và công khai của thị trường.
“Cần đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ; phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; tăng cường năng lực của các đơn vị tham gia thị trường như VAMC, DATC, các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC)”, ông Lê Việt Dũng đề xuất.
Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC)
Còn theo ông Phạm Mạnh Thường, quy mô khoản nợ xấu ngày càng lớn với tính chất phức tạp hơn, do quy mô và hình thức khoản vay thay đổi, quy mô các khoản vay ngày càng lớn (lên đến hàng nghìn tỷ đồng) do nhiều tổ chức tín dụng thực hiện cho vay riêng lẻ hoặc vay hỗn hợp gồm nhiều tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, nhu cầu xử lý nợ ở mỗi tổ chức tín dụng khác nhau, dẫn đến không thể mua nợ cùng lúc và điều này làm kéo dài khoảng thời gian xử lý nợ để tái thiết doanh nghiệp. Vì vậy, cần sớm xây dựng bộ quy tắc cho phép áp dụng cơ chế tái cơ cấu doanh nghiệp không qua tòa án với nguyên tắc chung là từ 51% số chủ nợ chiếm 75% giá trị nợ đồng ý, thì phương án tái thiết được thông qua.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp mà Nhà nước yêu cầu tái cấu trúc, cần cho phép áp dụng cơ chế trả giá mua nợ bằng tiền tương ứng phần giá trị nợ được đánh giá theo phương án tái cơ cấu và phần thặng dư. Theo đó, giá chào bán của tổ chức tín dụng cao hơn sẽ được trả bằng trái phiếu đặc biệt do tổ chức tái thiết doanh nghiệp phát hành nhằm chia sẻ rủi ro, lợi ích thu được sau này. Như vậy mới đẩy nhanh việc đàm phán mua bán nợ, đồng thời có thời gian cho việc tái thiết.
Ngoài ra, ông Thường cũng cho rằng, các khoản nợ có tính chất "Nhà nước" có cơ chế xử lý còn rất “cứng”, dẫn đến sự lệch pha với xử lý các khoản nợ xấu thương mại và nhiều khi gây đổ vỡ phương án tái cơ cấu doanh nghiệp.
“Chính phủ nên cho phép áp dụng cơ chế thị trường khi xử lý các khoản nợ có tính chất "Nhà nước" bình đẳng như các khoản nợ thương mại để tạo sự hài hòa lợi ích giữa thu hồi nợ với bảo vệ sự sinh tồn của doanh nghiệp”, ông Thường kiến nghị.
Mặt khác, với xu hướng ngày càng tăng các doanh nghiệp có dự án lớn vay nợ nước ngoài, khiến quy mô khoản nợ cần xử lý ngày một lớn, mang tính liên quốc gia, do đó, đại diện Công ty mua bán nợ Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế phối hợp xử lý nợ giữa các nước, có thể hình thành quỹ tái thiết doanh nghiệp hoặc quỹ xử lý nợ xấu với sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư, các công ty mua bán nợ các nước để ngăn chặn hiệu ứng lây lan, mang tính dây chuyền./.
VOV