MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi ám ảnh của người Nhật với đồ nhựa dùng một lần

01-10-2022 - 13:10 PM | Sống

Nổi tiếng là sạch sẽ nhưng Nhật Bản lại là một trong những nước thải nhiều rác nhựa nhất thế giới vì sự 'ám ảnh' cố hữu với bao bì.

Chia sẻ trên BBC, cây viết Melinda Joe kể vào mỗi thứ 3 hàng tuần, khi mang rác đi đổ, cô đều thấy những tủi rác bằng nhựa trong lớn, chất đầy hàng chồng chai PET rỗng đặt cạnh chiếc thùng rác tái chế màu xanh.

Nỗi ám ảnh của người Nhật với đồ nhựa dùng một lần - Ảnh 1.

Tại Tokyo, chính quyền sẽ sắp đặt các thùng thu kính, nhôm, nhựa ở một số điểm nhất định theo định kỳ hàng tuần. Tới 8h sáng, các thùng đã đầy cả - và số lượng rác chai nhựa luôn tăng nhanh quá mức chính quyền có thể theo kịp.


Truyền thống dùng đồ nhựa khó bỏ

Gần đây, sản lượng chai nhựa ở Nhật Bản đã tăng vọt lên mức không ngờ, 23,2 tỷ mỗi năm, từ 14 tỷ vào năm 2004. Trong khi quốc gia này tự hào với công nghệ tái chế tiên tiến, khoảng 2,6 tỷ chai được đốt, đưa đến các bãi chôn lấp, hoặc thất thoát ra đường thủy và đại dương hàng năm.

Hầu hết người dân có ý thức phân loại rác tốt. Nhưng nhựa sử dụng một lần - các sản phẩm chủ yếu có nguồn gốc từ hóa chất làm từ nhiên liệu hóa thạch - là điều khó tránh khỏi ở thủ đô Nhật Bản.

Theo Melinda, các máy bán hàng tự động bán chai nhựa xếp hàng dọc dãy phố cô ở. Trong bán kính 5 phút đi bộ quanh khu nhà cũng có 3 cửa hàng tiện lợi - chuyên cung cấp bữa ăn sẵn hoặc các món đựng trong hộp nhựa dùng một lần.

Nỗi ám ảnh của người Nhật với đồ nhựa dùng một lần - Ảnh 2.

Tại các siêu thị, trái cây được đóng gói trong lưới polystyrene, trong các thùng nhựa, sau đó bọc trong màng bọc thực phẩm là cảnh thường thấy. Năm 2014, Nhật Bản tạo ra 32,4kg chất thải bao bì nhựa trên đầu người - chỉ đứng sau Hoa Kỳ, với mức 40kg trên đầu người.

Không thể phủ nhận bao bì nhựa có một đặc điểm khó thay thế - vô cùng tiện dụng. Thậm chí, việc sử dụng chúng còn gia tăng vào đại dịch khi mọi người phải ở nhà và dựa vào thực phẩm đặt online. Melinda cho biết có lúc cô phát hiện 2/3 số rác trong nhà đến từ nhựa và bắt đầu phát hoảng khi nghĩ về dự báo số rác nhựa trên đại dương sẽ gấp 4 lần vào năm 2050.

Lạm dụng đóng gói là một chuyện thường gặp ở Tokyo. Nhân viên cửa hàng thường tự động bọc lọ thủy tinh trong màng bọc bong bóng hoặc đặt rau củ trong túi nhựa khi thanh toán.

Azby Brown, tác giả của Just Enough: Bài học từ Nhật Bản cho cuộc sống bền vững, kiến trúc và thiết kế, cho biết sự ám ảnh của Nhật đối với vật liệu đóng gói có gốc rễ văn hóa liên quan đến quan niệm chú trọng vào trình bày với sự tôn trọng, nhất là khi tặng quà.

Nỗi ám ảnh của người Nhật với đồ nhựa dùng một lần - Ảnh 3.

Truyền thống gói đồ vật thể hiện "sự quan tâm của bạn dành cho người khác". Trong bối cảnh của ngành bán lẻ hiện đại, bao bì thể hiện dịch vụ khách hàng tốt. "Khách hàng mong đợi điều đó", Brown nói. "Mọi người muốn biết rằng thực phẩm được bảo vệ, không bị dập hoặc bẩn. Ý niệm về sự sạch sẽ là rất quan trọng ở đây".

Melinda kể dù cô có cố gắng hạn chế dùng đồ nhựa thế nào thì cũng khó tránh được. Là một cây viết về thực phẩm và đồ uống, một nhà nhập khẩu bia đã tặng cô vài chai bia để thử. Thùng hàng đến nơi với hàng đống đệm nilon, và mỗi chai đều được quấn cẩn thận trong 2 lớp màng bọc bong bóng.

Không phải mọi loại đồ ăn sẵn được đặt trong bao bì nhựa, nhưng đa phần là như vậy. Trong khi gà rán kkaraage được để trong túi giấy sáp, bánh nhân bạch tuộc nằm trong những chiếc thuyền tre nhỏ xinh xắn, các món rau củ như salad đậu phụ, xà lách trộn được đựng trong từng gói vỏ sò nhựa riêng.

Các mặt hàng dễ bị rò rỉ như kim chi được gói trong một lớp nhựa ngoài nữa, nhưng ngay cả bánh mì tươi và bánh ngọt từ tiệm bánh mì địa phương cũng được bọc trong túi nhựa.

"Chúng tôi cố gắng giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn cao khi thời tiết ẩm ướt", đầu bếp và nhà ủng hộ tính bền vững Shinobu Namae, người điều hành Bricolage Bakery ở quận Roppongi, trung tâm Tokyo, cho biết. "Việc cân đo chất lượng thực phẩm so với vấn đề dùng nhựa luôn là một bài toán, nhưng chúng tôi cố gắng tìm ra sự cân bằng".

Những nỗ lực thay đổi

Vốn là một vấn đề chỉ giới hạn ở các quốc gia công nghiệp phát triển, rác thải nhựa đang gia tăng trên khắp châu Á - ngay cả ở các nước đang phát triển - do sự kết hợp của tốc độ tăng trưởng dân số và kinh tế nhanh chóng cộng với toàn cầu hóa.

"Việc sản xuất nhựa dùng một lần ngày càng rẻ và cùng với toàn cầu hóa, các quốc gia, ví dụ như ở châu Phi và châu Á, dễ dàng nhập khẩu những mặt hàng này. Ở những nơi như vậy, nước uống sạch thường được đựng trong chai và túi nhựa", phóng viên Tetsuji Ida, người đã viết về cuộc khủng hoảng nhựa và các vấn đề môi trường khác trong hơn 30 năm, cho biết.

Năm 2019, châu Á sản xuất 54% lượng nhựa trên thế giới, dẫn đầu là Trung Quốc và Nhật Bản. Khoảng một nửa lượng rác thải nhựa được tìm thấy trên các đại dương chỉ đến từ 5 quốc gia: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Cuối cùng, nhựa phân hủy thành các vi hạt không thể phân hủy sinh học, gây ra các mối đe dọa tiềm tàng đối với động vật hoang dã và sức khỏe con người.

Nỗi ám ảnh của người Nhật với đồ nhựa dùng một lần - Ảnh 4.

Trong số gần 9 triệu tấn chất thải nhựa mà Nhật Bản tạo ra vào năm 2018, 1,4 triệu đã được đốt hoặc đưa vào các bãi chôn lấp.


Ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến hầu hết các loài sinh vật biển, và các nhà khoa học đã quan sát thấy những tác động tiêu cực ở gần 90% các loài được đánh giá. Trong khi tác động đến con người vẫn chưa được biết, các vi hạt đã được phát hiện trong máu, nhau thai và sữa mẹ.

Nhật Bản đứng thứ hai trên thế giới sau Đức về quản lý nhựa. Mặc dù đất nước này đã được ca ngợi về tỷ lệ tái chế nhựa lên tới hơn 85%, nhưng con số này đã vẽ nên một bức tranh đầy màu hồng về tình hình.

Theo Viện Quản lý Chất thải Nhựa có trụ sở tại Tokyo, vào năm 2020, chỉ có 21% chất thải nhựa được tái chế nguyên liệu, tức là tái sử dụng nhựa; 3% trải qua quá trình tái chế hóa học, phân hủy các polyme nhựa thành các nguyên liệu cho vật liệu thứ cấp.

8% đã được đốt, trong khi 6% được chuyển đến các bãi chôn lấp. 63% chất thải nhựa được xử lý dưới dạng "tái chế nhiệt", liên quan đến việc sử dụng nhựa như một thành phần của nhiên liệu rắn và đốt để lấy năng lượng.

"Điều đó có nghĩa là 2/3 rác thải nhựa trên thực tế được đốt. Ở châu Âu, việc 'tái chế nhiệt' này sẽ được coi là thu hồi năng lượng chứ không phải tái chế", Ida nói và cho biết thêm rằng Nhật Bản là nước xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất. "Tỷ lệ tái chế chỉ áp dụng cho những gì còn lại ở Nhật Bản".

Năm 2020, Nhật Bản đã xuất khẩu 820.000 tấn rác thải nhựa sang một số nước Đông Nam Á, chiếm khoảng 46% tổng lượng.

Nỗi ám ảnh của người Nhật với đồ nhựa dùng một lần - Ảnh 5.

Nhật Bản xuất khẩu khoảng 46% chất thải nhựa của mình sang các nước Đông Nam Á.


Ida nói, một phần của vấn đề là chiến lược xử lý rác thải nhựa của Nhật Bản khiến người tiêu dùng và chính quyền địa phương chịu gánh nặng lớn hơn. Ông nói: "Quá trình tái chế tốn kém nhất là phân loại, được thực hiện thủ công và chính quyền địa phương chịu chi phí cao nhất".

Hơn nữa, Ida cho biết rằng các sáng kiến của chính phủ, chẳng hạn như luật gần đây yêu cầu các doanh nghiệp đặt mục tiêu giảm lượng nhựa sử dụng một lần có "sự răn đe rất nhỏ". Các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định sẽ bị "bêu tên và khiển trách nhưng không chịu tiền phạt hoặc hậu quả pháp lý", ông nói.

Ngược lại, Hàn Quốc đã có những hành động kiên quyết để chống lại con số gia tăng 18,9% rác thải nhựa do thay đổi lối sống liên quan đến đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến năm 2021. Tháng 9 năm ngoái, chính phủ cam kết giảm sử dụng nhựa vào năm 2030 và đặt mục tiêu trở thành một xã hội không sử dụng đồ nhựa vào năm 2050.

Năm nay, quốc gia này đã khôi phục lệnh cấm ly nhựa sử dụng một lần tại các quán cà phê và nhà hàng. Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2019, các biện pháp này đã bị hạn chế bởi đại dịch nhưng sẽ sớm mở rộng sang dụng cụ ăn uống và ống hút vào cuối năm nay.

"Cuối cùng, chúng ta phải lên tiếng", Ida nói, mô tả cách thức sự tham gia của người dân đã giúp thúc đẩy việc áp dụng chính sách không rác thải ở các thành phố của Nhật Bản như Kameoka ở Kyoto và Kamikatsu ở Tokushima, nơi tỷ lệ tái chế là khoảng 80%.

Nỗi ám ảnh của người Nhật với đồ nhựa dùng một lần - Ảnh 6.

Thành phố không rác thải đầu tiên của Nhật Bản Kamikatsu có tỷ lệ tái chế là 80%


Tại Kamikatsu, Học viện Không chất thải, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để thúc đẩy Tuyên bố Không chất thải năm 2003 của thành phố, đã làm việc với các nhà sản xuất để phát triển các chương trình mua lại các sản phẩm đã qua sử dụng và vận động chính quyền địa phương ngừng vứt rác thải vào các bãi chôn lấp hoặc đốt.

Ida nói: "Chính quyền các thành phố, không phải quốc gia, chịu trách nhiệm quản lý chất thải, vì vậy họ là những người sẵn sàng hành động nhất".

Tin tốt là sự ủng hộ của công chúng đối với việc cắt giảm nhựa đang ngày càng gia tăng ở Nhật Bản. Nhưng trong khi những nỗ lực cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt, người tiêu dùng cần gây áp lực lên các ngành công nghiệp và chính quyền địa phương để tạo ra một sự thay đổi thực sự.

Nguồn: BBC Future

Theo Thạch Anh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên