MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vậy người dân Vũ Hán có thức ăn bằng cách nào?

05-02-2020 - 13:31 PM | Tài chính quốc tế

Với việc thành phố Vũ Hán bị đóng cửa vì đại dịch virus corona, cư dân ở đây phải đối mặt với một số thách thức cơ bản, chẳng hạn như làm thế nào để tìm được thức ăn.

Các hạn chế nghiêm ngặt đối với 11 triệu cư dân của thành phố này được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan cũng có nghĩa là ngay cả việc ra ngoài ăn uống và mua sắm những thứ đơn giản cũng không còn đơn giản nữa.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều than phiền về vấn đề kiếm được thức ăn. Một người dân Vũ Hán cũng nói về những khó khăn trong việc mua một số loại rau củ, cùng với các loại thực phẩm khác với giá "hơi đắt".

Ngay cả việc nhận thức ăn được giao cũng có rủi ro.

"Trước đây tôi từng đặt thực phẩm nhiều lần một tuần, nhưng bây giờ thì ít hơn nhiều, khoảng bốn lần một tuần, vì chúng tôi muốn tránh tiếp xúc trực tiếp với người giao hàng", Xingxing Yin, một sinh viên từ Vũ Hán, cho biết.

Tuy nhiên, một công ty cung cấp bữa ăn của Trung Quốc đang điều chỉnh công nghệ của mình để giải quyết thách thức đó.

Thị trường chuyển phát nhanh thực phẩm của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và Meituan hiện là công ty lớn nhất với 440 triệu khách hàng và 700.000 nhân viên giao hàng mỗi ngày.

Giờ đây, họ đang sử dụng mạng lưới rộng lớn và công nghệ của mình để hỗ trợ thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trong cuộc khủng hoảng hiện tại.

Meituan, được hỗ trợ bởi gã khổng lồ trong lĩnh vực internet của Trung Quốc là Tencent, đã điều chỉnh ứng dụng giao thức ăn của mình để người giao và khách hàng không phải gặp mặt trực tiếp.

Ứng dụng này đã được cập nhật để cho phép người dùng thêm ghi chú dành cho nhân viên giao hàng, yêu cầu họ đặt thức ăn ngay trước cửa nhà hoặc tại khu vực tiếp tân của một tòa nhà nào đó. Khách hàng cũng có thể gọi điện hoặc nhắn tin trực tiếp cho nhân viên giao hàng để thảo luận về một địa điểm đặt thức ăn.

Meituan cũng đang trao 1.000 bữa ăn miễn phí mỗi ngày cho các nhân viên y tế ở Vũ Hán và cung cấp cho họ các nguyên liệu tươi để nấu ăn. Những chiếc tủ khóa "không tiếp xúc" đang được lắp đặt tại các bệnh viện quanh thành phố để thực phẩm có thể được giữ an toàn sau khi nhân viên giao hàng bỏ vào, và mỗi khi cần dùng, nhân viên y tế sẽ mở bằng mã QR.

Trong ba ngày qua, Meituan đã giao khoảng 5.000 bữa ăn miễn phí cho các nhân viên y tế ở Vũ Hán.

Ngày càng có nhiều công ty yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà hơn, trong đó có Facebook, WeWork và tập đoàn ngân hàng Morgan Stanley. Các biện pháp như vậy có khả năng thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu đối với các ứng dụng giao thực phẩm như Meituan và Ele.me của Alibaba.

Tính năng "không tiếp xúc với con người" mới của Meituan được ra mắt lần đầu tiên tại Vũ Hán nhưng đang được triển khai trên toàn quốc và hiện có mặt ở 184 thành phố. Meituan cho biết họ hy vọng tính năng này sẽ có mặt trên khắp Trung Quốc vào cuối tuần này.

Đối với các nhân viên y tế, được cung cấp thực phẩm miễn phí là một điều hết sức quan trọng. Họ đang chịu áp lực rất lớn khi phải cứu chữa cho hàng ngàn người bị nghi nhiễm virus chết người này. Một bệnh viện đang được xây dựng trong sáu ngày ở Vũ Hán để điều trị cho bệnh nhân. Do vậy, họ không có thời gian để đi tìm đồ ăn tươi ở Vũ Hán vì phải làm việc nhiều giờ để giúp đỡ bệnh nhân.

Chi nhánh Kuailv Jinhuo của Meituan vốn thường cung cấp thực phẩm tươi sống cho các nhà hàng giờ đây cũng được sử dụng để giao sản phẩm cho nhân viên bệnh viện.

"Trong điều kiện hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng một số tổ chức y tế và các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng có thể có nhu cầu mua nguyên liệu và tự nấu ăn", phát ngôn viên Whitney Yan của Meituan nói.

Gã khổng lồ trong ngành giao thực phẩm này đã tặng 200 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 29 triệu USD) để giúp cung cấp thực phẩm cho nhân viên y tế tại Hồ Bắc. Đối thủ chính của Meituan trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm là Alibaba cũng tặng 1 tỷ nhân dân tệ để mua nguyên liệu y tế cho các bệnh viện ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.

#ICT_anti_nCoV

Tham khảo: BBC

Lê Thanh Hải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên