Nỗi cay đắng 100 tỷ USD của Intel: Trở thành ‘gân gà’ của nước Mỹ, bỏ thì tiếc mà để lại cũng vô dụng
Từng được coi là niềm hy vọng đưa Mỹ trở lại cuộc đua chip bán dẫn, Intel giờ đây trở thành "kẻ bị bỏ rơi" khi đối thủ TSMC chính thức đầu tư 100 tỷ USD vào Mỹ.
- 21-03-2025Cựu CEO Intel tiếc nuối: Jensen Huang đã “gặp may với AI”, còn Intel lại để lỡ chuyến tàu
- 14-03-2025'Cụ ông' 66 tuổi là niềm hy vọng cuối cùng của Intel, sẽ xoay chuyển tình thế công ty trong 1 năm tới
- 17-02-2025Tương lai 'chia năm sẻ 7' của Intel: Sắp bị chia tách bởi TSMC, Broadcom, kịch bản xấu nhất sẽ sụp đổ hoàn toàn
Intel đã từng ‘hào hứng’ tuyên bố đầu tư hơn 100 tỷ USD vào Mỹ để mở rộng ngành chip bán dẫn, đồng thời nhận được 7,86 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ cho mục tiêu này. Thế nhưng giờ đây, giấc mơ của Intel đã thành nỗi cay đắng khi TSMC cũng tuyên bố đổ 100 tỷ USD vào Mỹ.
Trước thực tế phũ phàng này, Cựu CEO Pat Gelsinger của Intel đã phải cảnh báo rằng lời cam kết 100 tỷ USD của TSMC sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc khôi phục vị thế dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chip của nước Mỹ.
Không ích gì?
Tờ Financial Times (FT) cho hay bình luận của Gelsinger được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Nhà Trắng ca ngợi khoản đầu tư từ TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực đưa hoạt động sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất trở lại đất Mỹ.
"Nếu bạn không có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Mỹ, bạn sẽ không thể có vị thế dẫn đầu về chất bán dẫn tại đây. Toàn bộ hoạt động R&D của TSMC đều diễn ra tại Đài Loan và họ chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về việc di chuyển hoạt động đó", ông Gelsinger cảnh báo.
Tuy nhiên, cựu giám đốc điều hành của Intel cũng thừa nhận rằng các mối đe dọa về thuế quan của Tổng thống Donald Trump ít nhất cũng "có lợi" cho Mỹ bằng cách tạo thêm động lực cho các nhà sản xuất chip như TSMC đầu tư vào nền kinh tế số 1 thế giới.
Theo Yahoo Finance, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chuyển hướng sang TSMC trong bối cảnh Intel khó có thể giành lại vị thế dẫn đầu toàn cầu ngành chip mà công ty này đã mất vào tay đối thủ suốt nhiều thập kỷ.
Bằng chứng là việc ông Gelsinger rời đi vào cuối năm ngoái được nhiều người coi là sự phủ nhận của hội đồng quản trị Intel với kế hoạch hồi sinh từ vị CEO này, bao gồm cả việc cố gắng xây dựng lại các cơ sở sản xuất trị giá đến 100 tỷ USD của tập đoàn tại Mỹ.
Người kế nhiệm ông là Lip-Bu Tan, được bổ nhiệm vào đầu tháng này, vẫn chưa đưa ra chiến lược của mình.
Tờ Yahoo Finance cho biết TSMC sẽ tập trung xây dựng trung tâm R&D của mình tại Mỹ và để các nhà máy sản xuất ở lại Đài Loan.
Đây được coi là thách thức với Intel khi dự án siêu nhà máy của họ tại bang Ohio được cho là chưa thể hoạt động cho đến tận năm 2030. Trước đó Intel đã buộc phải thông báo hoãn dự án này từ năm 2026 sang tận năm 2030 vì những rắc rối trong tài chính.
Mặc dù Intel đã đàm phán với Nvidia và Broadcom nhưng chưa có một thỏa thuận nào được ký kết, trong khi kết quả kinh doanh quá tệ của năm 2024 khiến Nhà Trắng dần mất kiên nhẫn. Thậm chí ngay cả khi các dự án nhà máy hoàn thành thì Intel cũng phải mất nhiều năm để giành thị phần hay thuyết phục các khách hàng đặt hàng sản xuất chip từ họ.
Xin được nhắc rằng Intel là doanh nghiệp hưởng lợi chính từ đạo luật CHIPS Act dưới thời Cựu Tổng thống Joe Biden, qua đó cam kết đổ 280 tỷ USD cho đầu tư phát triển ngành chip bán dẫn tại Mỹ.
Bất chấp điều đó, tổng doanh thu năm 2024 của Intel chỉ đạt 53,1 tỷ USD, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mảng gia công chip theo hệ thống nhằm phục vụ cho trí thông minh nhân tạo (AI), Intel Foundry mới được thành lập cũng chỉ có doanh thu 17,5 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là mảng cạnh tranh trực tiếp với Taiwan Semi, công ty sở hữu gần 60% thị trường gia công chip theo hệ thống trên toàn cầu cho AI.
Với việc Intel Foundry đang giảm tốc nhanh hơn so với hoạt động kinh doanh chung của công ty, ngày càng nhiều chuyên gia tin rằng Intel đang bị bỏ rơi khi không thể đáp ứng kỳ vọng của nước Mỹ.
Cựu CEO Pat Gelsinger của Intel
Gân gà?
Chính quyền Washington cũng trông cậy vào Intel để trở thành công ty duy nhất có trụ sở tại Mỹ có khả năng sản xuất chip tiên tiến cho ngành công nghiệp quốc phòng.
CEO Gelsinger khi đó đã tự hào gọi chiến lược của mình là "IDM 2.0", đồng thời đặt ra mục tiêu nội bộ là đưa Intel trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau TSMC vào năm 2030.
Thế nhưng có một vấn đề là Intel không có khách hàng đáng kể nào trước đó dù tập đoàn này có năng lực sản xuất. Nhiều khách hàng cũng khó có thể tách khỏi TSMC hoặc Samsung nếu không thể chứng minh được năng lực sản xuất tốt hơn đáng kể với tiêu chuẩn tương đương.
Việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng vì thay đổi nhà sản xuất là một đòn chí mạng với nhiều doanh nghiệp, nhất là họ khó lòng quay trở lại ký hợp đồng với công ty cũ theo giá ưu đãi, chưa kể khoảng thời gian thay đổi, cân chỉnh.
Thế rồi Intel không giống như TSMC. Văn hóa của TSMC sau nhiều năm làm chip hợp đồng khiến họ phải cố gắng hết sức để làm hài lòng khách hàng và đảm bảo họ nhận được chính xác những gì họ muốn. Tuy nhiên Intel không linh hoạt như vậy khi các nhà máy của họ đã quen với việc sản xuất chip chỉ dành cho một khách hàng là chính Intel.
Trong khi khó lòng biến thành TSMC thứ 2 thì cam kết của Gelsinger trong việc phát triển chip tiên tiến cũng bị chậm trễ.
Việc thu nhỏ chip bán dẫn đang dần tới điểm tới hạn nếu không có sự đột phá về nguyên liệu hoặc kỹ thuật, chưa kể cần tốn nhiều năm và hàng tỷ USD nghiên cứu.
Bởi vậy Intel vẫn chẳng có sản phẩm nào vượt trội so với đối thủ.
Để xát muối vào vết thương của Intel, TSMC đã tuyên bố đổ 100 tỷ USD vào Mỹ trong tháng 3/2025 nhằm xây dựng thêm 3 tổ hợp công nghệ, 2 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu. Khoản đầu tư này nằm ngoài dự án 65 tỷ USD đã tồn tại ở bang Arizona trước đó.
Thậm chí tờ Fortune còn cho hay Tổng thống Donald Trump đang hối thúc TSMC tiếp quản, mua lại hoặc sáp nhập các nhà máy của Intel nhằm đưa nước Mỹ trở lại cuộc đua ngành chip bán dẫn.
Tổng giá trị sổ sách của Intel vào khoảng 100 tỷ USD nhưng công nghệ của tập đoàn này lại đang đi sau TSMC đến ít nhất 1 thế hệ, khiến các khách hàng như Nvidia và Qualcomm không muốn hợp tác với một đối thủ cạnh tranh tiềm năng đang tụt hậu về công nghệ.
Hậu quả là Intel quá đắt để mua và quá lạc hậu để giúp người mua giành lợi thế, trở thành một thứ "gân gà" bỏ thì tiếc mà để thì chẳng ích gì. Với lý do đó, tờ Fortune nhận định việc TSMC tiếp quản Intel là điều không thể xảy ra.
Tuy nhiên tờ Fortune nhận định câu chuyện có thể sẽ khác trước áp lực địa chính trị.
Dẫu vậy một số chính trị gia lại cho rằng việc để TSMC tiếp quản Intel là điều không thể khi hoạt động chính của hãng này vẫn nằm ở Đài Loan chứ không phải Mỹ.
Việc ép buộc TSMC tiếp quản Intel sẽ khiến hãng chip này đòi hỏi hàng tỷ USD trợ cấp từ Nhà Trắng, đồng thời gia tăng vị thế độc quyền ngành chip vốn đã không còn trong tay Mỹ.
Tiếp nữa, ngay cả khi tiếp quản Intel thì TSMC có thể sẽ sa thải phần lớn nhân viên Intel trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất, đồng thời đóng cửa các nhà máy ở Mỹ nhằm tiết kiệm chi phí cũng như cắt lỗ hoạt động kinh doanh.
Mặc dù vậy, động thái đổ 100 tỷ USD của TSMC vào tháng 3/2025 lại khiến khả năng tập đoàn này tiếp quản Intel ngày càng gia tăng. Thậm chí một số chuyên gia nhận định đây chẳng khác nào nước đi "chiếu hết" cho cựu vương ngành chip bán dẫn.
*Nguồn: FT, Yahoo Finance, Fortune, BI
An ninh tiền tệ