MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi khổ của hàng chục triệu Mỹ bị ‘mắc kẹt’ trong ngôi nhà của chính mình: Bán không được, ở cũng không xong

31-07-2023 - 12:33 PM | Tài chính quốc tế

Nỗi khổ của hàng chục triệu Mỹ bị ‘mắc kẹt’ trong ngôi nhà của chính mình: Bán không được, ở cũng không xong

Tại Mỹ, chưa bao giờ việc tìm 1 ngôi nhà có giá cả phải chăng lại khó khăn như bây giờ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: mức giá cao, thiếu nguồn cung và đặc biệt lãi suất thế chấp đã tăng hơn gấp đôi so với mức thấp kỷ lục cách đây vài năm. Vô số người Mỹ buộc phải trì hoãn kế hoạch chuyển nhà, kéo theo đó là trì hoãn nhiều quyết định quan trọng đối với cuộc đời họ.

Người mua và người bán đều đã tận dụng mức lãi suất thấp nhất lịch sử để mua nhà hoặc tái tài trợ cho các khoản vay thế chấp. Giờ đây họ bị “khóa” trong mức chi phí đi vay thấp hơn. 9 trong số 10 chủ sở hữu nhà có vay thế chấp (tức trên cả nước Mỹ có khoảng 46,1 triệu người như vậy) hiện đang dùng mức lãi suất dưới 6%, theo báo cáo được Redfin công bố hồi tháng 6.

Mức lãi suất thấp chính là 1 “món quà” cho rất nhiều chủ sở hữu nhà, một lợi ích mà rất ít người muốn từ bỏ. Tuy nhiên, đối với không ít người thì tình trạng này khiến họ bị mắc kẹt.

Gia đình đã có thêm nhiều thành viên, cần 1 ngôi nhà rộng hơn nhưng chưa thể chuyển đi. Bà mẹ đơn thân bị mắc kẹt trong ngôi nhà rộng lớn nhưng cũ kỹ và tốn nhiều chi phí để sửa chữa.

Năm 2019, Daniel Hart và vợ chuyển tới Redwood City, San Francisco. Họ chọn 1 căn nhà nằm trên sườn đồi đã được xây từ những năm 1960. Căn nhà 4 phòng ngủ, có diện tích 186m2 hiện có giá 2,2 triệu USD, đã là 1 điểm khởi đầu rất tốt. Tuy nhiên, với 2 đứa con sắp vào lớp 1, gia đình họ cần nhiều phòng ngủ hơn. Và cần thêm cả phòng cho ông bà bọn trẻ mỗi khi họ muốn tới thăm.

Mặc dù thị trường nhà đất ở Bay Area đã bình lặng hơn so với mấy năm trước, giá nhà vẫn rất đắt đỏ và lãi suất thế chấp cao khiến sức mua của gia đình nhà Hart giảm xuống. Hơn nữa khoản vay hiện tại của họ chỉ áp dụng mức lãi suất siêu thấp 2,95%.

2 vợ chồng có nghề nghiệp ổn định và hiện sống khá tốt, nhưng chi phí ở Bay Area quá đắt đỏ. Họ sẽ phải đi thêm hàng nghìn dặm nữa để có thể tìm được những ngôi nhà phù hợp hơn – rộng hơn, giá cả vừa sức và ở trong khu vực có trường học tốt. Hart cho biết nếu chi quá nhiều tiền cho 1 ngôi nhà ở Bay Area thì họ sẽ không còn đủ khả năng để nuôi con. Theo 1 nghiên cứu, ước tính chi phí để nuôi 1 đứa trẻ ở khu vực này lên tới 35.000 USD mỗi năm.

Madelyn Machado, người hiện đang mang bầu 8 tháng, lại “mắc kẹt” theo kiểu khác. Cô muốn chuyển từ Georgia về gần nhà mẹ đẻ ở Tampa, Florida càng nhanh càng tốt. Tháng 7/2020, cô tìm thấy 1 căn nhà 3 phòng ngủ với giá 365.000 USD dù nó có rất nhiều vấn đề cần sửa chữa. Khi đó, với mức lãi suất 2,75%, hàng tháng cô chỉ phải trả 2.700 USD, hoàn toàn phù hợp thu nhập của cô.

Tuy nhiên, đại dịch tạo nên xu hướng làm việc từ xa và bất động sản ở Tampa trở nên sốt nóng. Căn nhà của cô tăng giá lên 620.000 USD, tiền thuế và bảo hiểm cũng tăng theo. Chi phí hàng tháng vì thế tăng lên 3.4000 USD, chưa nói đến hóa đơn 80.000 USD để sửa chữa nhà.

Những trường hợp như vậy ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong lúc giá nhà tăng vọt, chi phí đi vay ngày càng tăng và nguồn cung nhà cũ chỉ bằng một nửa so với 4 năm trước.

Các công ty xây dựng đang vội vã tăng nguồn cung, nhưng chỉ điều đó không đủ để thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu. Bởi vì trên thị trường thiếu đi 1 nhóm quan trọng: các chủ nhà giờ đây không muốn bán, vì họ đang được hưởng mức lãi suất thấp. Theo dữ liệu của Realtor.com, trong tháng 6 số chủ nhà rao bán nhà đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số đó có nhiều người đã tái tài trợ khoản vay khi lãi suất vay kỳ hạn 20 năm chỉ ở quanh 30%. Nếu bán nhà cũ, mua nhà mới và chuyển sang khoản vay mới, lãi suất sẽ tăng lên gần 7%.

Trong số những người có kế hoạch bán nhà trong 3 năm tới, 67% cho biết sẵn sàng đợi cho đến khi lãi suất thế chấp giảm xuống. Tuy nhiên điều đó khó có thể xảy ra trong bối cảnh Fed vừa tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất 22 năm.

Đặc biệt, phần đông thế hệ millennials trì hoãn quyết định chuyển nhà. Họ đã và vẫn đang ở trong làn sóng sa thải nhân sự trên diện rộng, hơn nữa còn chứng kiến bong bóng nhà đất vỡ tung năm 2008. Do đó, thế hệ này đặc biệt thận trọng bởi vì họ hiểu rõ hơn ai hết quyết định đúng đắn hay sai lầm về nhà ở sẽ gây ra hậu quả như thế nào.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên