Nỗi lo của freelancer mùa đại dịch: Thu nhập bấp bênh, chẳng còn việc để "bán máu, bào sức"
Không phải chỉ những người đi làm full-time lo lắng bị cắt việc hay mức lương bị giảm. Giữa một mùa sa thải hàng loạt, freelancer sẽ là những người bị cắt giảm đầu tiên.
- 31-03-20203 việc những người luôn gặp may mắn, thuận lợi trong công việc thường áp dụng: Ai đang đi làm đều nên tham khảo
- 31-03-2020BTV Hoài Anh khiến dân mạng xúc động trước tâm thư gửi mẹ "nơi xa" giữa mùa dịch
- 31-03-2020"Vết sẹo" trong lòng bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục tại Vũ Hán: Bệnh tật có thể chiến thắng nhưng nỗi đau tinh thần còn rất lâu mới lành
“Tôi nhìn quanh bốn bức tường,
Tôi đã từng ngồi lì trong nhà cả tháng trời để cày job, gần như rất ít phải ra ngoài, trừ khi có việc đột xuất hay nhu cầu gì đó. Nhưng giữa dịch thì khác, việc ngồi lì trong nhà là một điều bắt buộc và không có lựa chọn khác. Khi tôi có việc, ở trong nhà cũng bình thường vì bạn chú tâm vào deadline phải trả. Còn hiện tại, căn phòng trống rỗng, tôi cũng không biết nhìn vào máy tính để làm gì khi giờ này còn ai thuê freelancer nữa đâu. Hóa ra, căn phòng tôi từng trốn biệt trong đó cả tháng trời cũng có lúc ngột ngạt như vậy…”.
Một freelancer (người làm các công việc tự do) nào đó chia sẻ trên mạng xã hội. Đại dịch là một đòn giáng kinh tế xuống tất cả mọi người, không trừ một ai và những người làm các công việc tự do cũng không phải ngoại lệ. Nhìn vào những dự đoán của các chuyên gia, khó mà nói rằng ai đó có thể lạc quan trong thời điểm này. Dân freelancer cũng phải đối mặt với một giai đoạn căng thẳng khi sự đình trệ diễn ra trong toàn nền kinh tế, đặc biệt là những người coi freelance là công việc toàn phần của mình.
Nhân viên giảm lương một nửa, freelance cắt việc hoàn toàn
Khi các công ty quyết định cắt giảm chi phí, trừ lương hay giảm nhân sự, họ sẽ cân nhắc tới nhiều yếu tố trong đó có cả sự ràng buộc về cảm xúc, các mối quan hệ đồng nghiệp, đảm bảo một sự kết thúc ổn thỏa để không bị tiếng xấu sau khi đại dịch qua đi. Chính vì vậy, nếu công ty đưa ra quyết định phải cắt giảm nhân sự, những người làm việc bán thời gian và freelancer sẽ là các đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng. Điều này sẽ “dễ thở” hơn cho các freelancer với công việc đặc thù. Dẫu vậy, trong điều kiện mọi công ty đều đang thả dây câu từ tốn với hoạt động kinh doanh, việc cắt giảm là điều không thể tránh khỏi. Khi đại dịch quét qua một công ty, freelancer sẽ là người dừng việc đầu tiên.
Dạo qua các thị trường tuyển dụng freelancer, dễ thấy lượng công việc thì ít nhưng số người sẵn sàng làm, thậm chí là kìm giá xuống mức thấp không tưởng. Thị trường freelance trong mùa dịch nếu cứ tiếp tục với mức chi phí thấp như nhiều người đang sẵn sàng làm, việc quay lại tới mức giá sàn thời điểm hết dịch sẽ gặp khó khăn - khi vốn dĩ, freelance đã là một thị trường tự do “thuận mua vừa bán”.
Nhiều công ty đã chuyển từ các hoạt động outsource (thuê ngoài) sang in-door service (tự sản xuất, tự triển khai). Trong từng lĩnh vực đặc thù, các hoạt động cắt giảm lại ảnh hưởng tới dân freelance theo cách khác nhau. Duy Minh, 25 tuổi là một content writer cả ở mảng PR và quảng cáo. Từ tháng hai tới giờ, COVID-19 đã kéo nguồn thu nhập của cậu về tiệm cận 0.
“Các doanh nghiệp đâu có mặn mà với quảng cáo trong giai đoạn này mà PR gì đâu, nhất là các nhóm ngành xa xỉ khi người dân giờ chỉ quan tâm tới làm sao để mua được đồ ăn trong nhà. Doanh nghiệp nào còn quảng cáo thì cũng chuyển sang làm trách nhiệm xã hội và để nhân viên trong nhà tự làm hết rồi. Viết lách thời buổi này khó lắm; có công ty nào dám tung chiến dịch truyền thông gì trong giai đoạn này đâu để mà có việc, giờ cũng không còn việc gì để bào sức hay “bán máu” cả”.
Một phần đông các freelancer trẻ hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, marketing, từ nội dung, chụp ảnh, chạy quảng cáo… Tất cả đều đang dậm chân tại chỗ khi các công ty giờ chẳng còn thiết tha gì với quảng cáo cả, cũng không biết khi nào dịch bệnh qua đi để rục rịch hoạt động kinh doanh trở lại. Dan Ni (25 tuổi, Sài Gòn), một họa sĩ vẽ minh họa với nhiều năm làm tự do cũng than thở.
“Phần lớn các đầu việc freelance của mình đều liên quan đến truyền thông và các sản phẩm in ấn nên hầu hết việc đều bị hoãn/huỷ. Có thể nói đây là một giai đoạn khá khó khăn khi bạn vừa phải chật vật với vấn đề thu nhập, vừa căng thẳng tâm lý”.
“Làm freelance toàn thời gian, đôi khi bạn phải cố gắng vượt qua trở ngại tâm lý khi ở trong một không gian hẹp quá lâu. Với thời gian này, điều này lại càng khó khăn hơn”, Dan Ni tâm sự.
Với tình hình cả Hà Nội và Sài Gòn đều tiến hành cách ly xã hội, kinh doanh giờ trở nên bất khả thi thì freelancer cũng không còn nhiều cơ hội việc làm.
Không phải freelancer nào cũng làm việc online...
Đa phần các freelancer tại đô thị đều làm trong mảng dịch vụ, nhiều trong số đó là các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, không phải là nhu cầu cơ bản cần thiết để tồn tại. Đại dịch là lúc bộc lộ vấn đề khi người dân giờ đây chỉ quan tâm tới sức khỏe và đảm bảo cuộc sống cơ bản qua đại dịch. Những nghề với nhiều người làm freelance như hướng dẫn viên thể hình, vũ công… cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi các dịch vụ này gần như sẽ bị cắt khỏi danh sách chi tiêu của nhiều người.
Không phải nghề gì cũng có thể làm online, và dân freelancer cũng vậy. Với những công việc không thể ngồi trước máy tính để thực hiện, họ sẽ luống cuống tìm một giải pháp phù hợp. Là một blogger về đồ chay chuyên nghiệp, Đức Nguyễn (27 tuổi, Hà Nội) cũng chật vật khi không thể mở các lớp nấu ăn - một lĩnh vực rất khó để học trực tuyến như nhiều người khác. Anh chia sẻ.
“Khó khăn nhất mà mình phải đối mặt trong thời gian này chính là nguồn thu nhập của bản thân. Mình đã nghỉ việc nên việc mở lớp dạy nấu ăn offline là nguồn thu nhập chính. Nhưng với tình hình dịch bệnh căng thẳng, lớp phải huỷ và chưa biết bao giờ có thể mở lại. Công việc nấu ăn mang tính đặc thù nên khó có thể dạy online như nhiều bạn làm freelance khác. Tuy nhiên, hiện tại mình cũng không có quá nhiều lựa chọn. Để vượt qua thì mình đành trông chờ vào số tiền tiết kiệm ít ỏi, cùng với đó là suy nghĩ những hướng đi mới - như thử mở lớp online xem có khả thi không. Biết đâu đó lại là một hướng tốt cho tương lai”.
Không phải ai cũng có thể làm việc từ xa, nhất là với các công việc như huấn luyện viên phòng gym, vũ công hay một số công việc giáo viên đặc thù...
Không có bảo hiểm thất nghiệp
Nếu các freelancer theo đuổi con đường trên toàn thời gian, họ sẽ không trực thuộc một công ty nào đó và không được đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, họ sẽ không có cơ hội nộp bảo hiểm thất nghiệp nếu rơi vào những giai đoạn khó khăn. Với người lao động tại các công ty, nếu bị sa thải, ngoài khoản hỗ trợ các công ty có thể sẽ chi trả cho nhân viên, tiền bảo hiểm thất nghiệp trong 3 tháng cũng là con số không nhỏ để hỗ trợ cho những nhu cầu cơ bản trước khi đại dịch kết thúc.
Với nhiều freelancer, khi đã xác định theo con đường công việc tự do, sự quan tâm tới các khoản tiết kiệm hay kế hoạch tài chính cũng hạn chế hơn so với những người làm tại các công ty - vốn được coi là một chỗ dựa “ổn định”. Dễ thấy khi nhiều freelancer toàn thời gian thường ở một mình tại các thành phố lớn, đôi khi không ở với gia đình khi phần đông phụ huynh Việt không mặn mà lắm với việc con cái làm “freelancer” - một khái niệm trừu tượng với họ, đi cùng với sự bấp bênh và không ổn định. Chính vì vậy, chi phí cuộc sống của nhiều bạn làm các công việc tự do cũng không hề thấp. Khi được hỏi về vấn đề tiết kiệm và các khoản dự phòng khẩn cấp, chia sẻ.
Người làm các công việc tự do gần như rất khó để vay nợ tín dụng khi không chứng minh được thu nhập ổn định từ một công ty. Khả năng tiếp cận với các khoản hỗ trợ cũng ít hơn so với những người có công việc ổn định. Giữa guồng quay đại dịch, người ta sẽ chỉ quan tâm tới dân văn phòng bị mất việc, đối tượng lao động chân tay và những người nghèo, freelancer là những người “vô hình”, nằm ngoài các câu chuyện chia sẻ.
Khi 4 bức tường không còn thoải mái
Nhiều người vẫn nghĩ, freelancer thì sẽ quen với cảm giác “bó chân một chỗ” nhưng trên thực tế, họ là người có thời gian và không gian làm việc linh động nhất. Đa phần những người làm freelancer sẽ chọn chỗ làm việc thoải mái nhất cho mình và đôi khi, các quán cà phê hay những không gian làm việc chung mới là nơi họ thấy phù hợp. Chọn công việc freelance là chọn sự tự do, không gò bó, không phải chịu ngột ngạt nơi công sở nên với nhiều người, ở nhà một thời gian cũng dễ dẫn tới nhiều vấn đề tâm lý.
Theo một nghiên cứu tại Anh, khoảng 56% freelancer cảm thấy áp lực vì công việc, trong khi con số này ở những nhân viên văn phòng, người làm các công việc bình thường chỉ dưới 30%. ⅔ số người làm việc một mình thường cảm thấy cô đơn trong cuộc đời. Khi phải ở trong nhà một thời gian dài hơi hơn và không có việc làm, freelancer là những người dễ cảm thấy cô đơn và áp lực khi họ gặp phải cả gánh nặng về tài chính, tinh thần và sức khỏe.
Giữa thời điểm đại dịch, không có công việc hay nghề nghiệp nào là dễ dàng, dù bạn làm cho một công ty nào đó hay là lao động tự do. Là một freelancer, đôi khi bạn phải chấp nhận ở những thái cực đối ngược của công việc: Những lúc mệt mỏi rã rời vì công việc gấp, deadline sát nút, căng thẳng vì làm việc một mình, phải “bán máu, bào sức” để có được thu nhập ổn định; những lúc không có lấy một công việc dù là nhỏ nhất và sự hỗ trợ xung quanh quá ít ỏi. Phải đi qua những thời điểm khác nhau như vậy, người ta mới hiểu nỗi vất vả khi làm tự do.
Đại dịch xuất hiện như một lời cảnh báo tới toàn cầu về mọi sự đổi thay đều có thể diễn ra theo cách chúng ta không ngờ tới. Giai đoạn trước mắt sẽ khó khăn hơn khi hàng triệu người trên thế giới sẽ mất việc; freelancer cũng không phải ngoại lệ. Biến cố lớn này sẽ là một bài học để nhiều freelancer rút ra kinh nghiệm cho bản thân: Thay đổi hoặc rời khỏi cuộc chơi tự do, hoặc ít nhất, phải xác định có nhiều nguồn thu nhập để đề phòng cho bản thân khi gặp biến cố lớn. Để có thể đứng vững trước những cuộc khủng hoảng, freelancer cần có cho mình kế hoạch tài chính dự phòng ổn định, trang bị thêm cho mình nhiều kỹ năng để sẵn sàng thay đổi và xây dựng một nền móng chắc chắn hơn, cả về thể chất và tinh thần.
Đừng ngồi đó và trông ngóng!
Trí thức trẻ