Nỗi lo khan hiếm dầu ăn trên thế giới
Nhà chức trách Indonesia lo ngại tình trạng thiếu thốn và giá tăng của dầu cọ có thể dẫn đến căng thẳng xã hội nên ra tay bảo đảm nguồn cung
- 04-03-2022Lạm phát lương thực thêm phần căng thẳng khi giá dầu ăn toàn thế giới tăng cao, đe doạ 'ví tiền' của người tiêu dùng
- 25-11-2021Lạm phát gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả châu Á: 1 chiếc pizza đủ nuôi sống 150 người, giá tăng cao đến mức phải dùng dầu từ đèn để nấu ăn
- 11-01-2021Bài học 'ăn bớt' kinh điển từ tỷ phú dầu mỏ Rockefeller: Bắt nhân viên giảm 1 giọt chất lỏng, tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD
- 30-07-2018Trung Quốc: Tiết lộ động trời về vắc-xin "tiêm vào như ăn dầu cống rãnh"
Quy mô nguồn cung dầu ăn của thế giới đang bị thu hẹp vì xung đột Nga - Ukraine. Giờ đây, nguồn cung này có nguy cơ thêm khan hiếm một khi lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ và nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất dầu cọ của Indonesia có hiệu lực từ ngày 28-4.
Theo trang Bloomberg, Indonesia hiện chiếm hơn 1/3 lượng dầu thực vật xuất khẩu trên thế giới, với Trung Quốc và Ấn Độ là 2 trong số những khách hàng hàng đầu. Kể từ tháng 11-2021, dầu cọ ở Indonesia trở nên khan hiếm khi các nhà sản xuất tăng cường xuất khẩu do giá cả mặt hàng này tăng trên thế giới.
Vào tuần rồi, một quan chức thương mại cấp cao Indonesia đã bị bắt vì cáo buộc cấp giấy phép xuất khẩu cho một số hãng dầu cọ dù các công ty này không đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ đối với thị trường trong nước. Một số quan chức điều hành tại 3 công ty dầu cọ Indonesia cũng bị bắt giữ.
Dầu ăn được phân phối cho người dân tại thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 10-3 sau khi mặt hàng này trở nên khan hiếm Ảnh: REUTERS
Ông Carlos Mera, chuyên gia Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), nhận định nguồn cung dầu ăn của Indonesia cho thế giới là "không thể thay thế". Vì thế, theo ông, lệnh cấm được Jakarta công bố hôm 22-4 là một đòn mạnh giáng vào tình trạng thiếu hụt hiện nay. Chẳng hạn như tại Anh, một số siêu thị đang hạn chế số lượng dầu ăn khách hàng được mua.
Chưa hết, ông Tosin Jack, nhà phân tích tại Công ty Mintec (trụ sở ở Anh, chuyên cung cấp dữ liệu giá cả toàn cầu), cho rằng động thái mới nhất của Indonesia chắc chắn sẽ làm "trầm trọng thêm" lạm phát thực phẩm vốn đang ở mức cao kỷ lục.
Xung đột Nga - Ukraine đã đẩy hoạt động buôn bán dầu hướng dương vào cảnh hỗn loạn, đồng thời siết chặt nguồn cung của các loại dầu thực vật khác được sử dụng trong thực phẩm, nhiên liệu sinh học và sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Thời tiết bất ổn tại những nơi sản xuất nhiều dầu ăn của thế giới càng làm gia tăng nỗi lo thiếu hụt. Tại Nam Mỹ, tình trạng khô hạn khiến quy mô thu hoạch đậu nành sụt giảm. Trong khi đó, hạn hán ở Canada làm giảm sản lượng hạt cải dầu, khiến nguồn cung có sẵn không còn nhiều.
Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và giá tăng, những nước đang phát triển như Ấn Độ có thể sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất. Các quốc gia này lâu nay phụ thuộc vào dầu cọ nhập khẩu bởi đây là lựa chọn rẻ hơn thay thế dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương và dầu hạt cải.
Vấn đề là ngay cả dầu cọ ở châu Á cũng tăng đến 50% trong 12 tháng qua. Ông John Blaize, chuyên gia tư vấn cho Hội đồng xuất khẩu đậu nành Mỹ, cho rằng bất chấp giá cả tăng cao kỷ lục, nhu cầu dầu thực vật vẫn ở mức cao vì nó đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống ở mọi quốc gia.
Cũng theo ông Blaize, động thái hạn chế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia dù là "chuyện lớn" nhưng sẽ không kéo dài. Ông lưu ý rằng quốc gia Đông Nam Á này vào năm 2021 đã xuất khẩu 26,87 triệu tấn dầu cọ trong lúc con số tiêu thụ trong nước là 15,28 triệu tấn.
Trước mắt, theo Reuters, lệnh cấm của Indonesia có thể khiến lạm phát lương thực toàn cầu gia tăng hơn nữa. Ngoài ra, một số nhà phân tích còn lo ngại rằng các quốc gia khác có thể tiến hành bước đi tương tự Indonesia trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine kéo dài, khiến tình hình thêm nghiêm trọng.
Người Lao động