Nơi nào đang ì ạch nhất trong việc “tiêu tiền” ngân sách?
Theo nhận xét của Tổng cục Thống kê, nhìn chung, tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm ở cả trung ương, địa phương vẫn còn chậm. Trong đó, Bộ Y tế mới chỉ đạt được 17,8% kế hoạch năm; Quảng Ninh 10,6%; TP.HCM 11,6%...
- 19-04-2017Tập trung thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 2017
- 16-04-2017Ngân hàng tư rầm rộ, ngân sách có xuống tiền?
- 06-03-2017Tháng 2: Chi ngân sách vượt thu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng tư ước tính đạt 19.463,1 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4.358 tỷ đồng; vốn địa phương 15.105,1 tỷ đồng.
Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 22,2% kế hoạch năm và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Còn vốn địa phương quản lý đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Đối với nguồn vốn trung ương quản lý, vốn đầu tư thực hiện lớn nhất là Bộ Giao thông Vận tải đạt 7.850 tỷ đồng, bằng 25,1% kế hoạch năm, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Bộ Y tế dù có tốc độ giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (23,1%) song vẫn khá ì ạch nhất vì mới chỉ thực hiện được bằng 17,8% kế hoạch năm.
Bộ Xây dựng có tốc độ giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cao nhất trong số các bộ ngành nhưng cũng mới chỉ đạt được 26,4% kế hoạch năm, chưa kể lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 40,7%)...
3 bộ: Y tế; Văn hoá, thể thao và du lịch; Thông tin và truyền thông chưa thực hiện được 20% so với kế hoạch năm. Hầu hết các bộ đều có tốc độ thực hiện giảm mạnh với với năm ngoái.
Đối với nguồn vốn địa phương quản lý, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 35.047,2 tỷ đồng, bằng 21,3% và tăng 1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 12.597,5 tỷ đồng, bằng 25,1% và tăng 10,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 2.651,1 tỷ đồng, bằng 31,5% và tăng 8%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 7.836,2 tỷ đồng, bằng 24,2% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; TP.HCM 3.952,7 tỷ đồng, bằng 11,6% và tăng 2,4%; Nghệ An 1.874,6 tỷ đồng, bằng 29% và tăng 12,1%; Vĩnh Phúc 1.651 tỷ đồng, bằng 27,5% và tăng 35,6%; Thanh Hóa 1.377,5 tỷ đồng, bằng 28,8% và tăng 4,2%;...
Như vậy có thể thấy, Quảng Ninh là địa phương địa phương có tốc độ giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước thấp nhất so với các tỉnh thành, mới được 10,6% so với kế hoạch năm. Tiếp đến là TP.HCM mới được 11,6%...
Theo nhận xét của Tổng cục Thống kê, nhìn chung, tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm ở cả trung ương, địa phương vẫn còn chậm.
Theo Tổng cục Thống kê, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Không để tình trạng “có tiền không tiêu được”
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 diễn ra hôm 18/4/2017.
Văn bản nêu rõ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng đầu năm 2017 còn thấp so với yêu cầu, đã ảnh hưởng tới tăng trưởng, việc làm và lãng phí vốn đầu tư và giảm hiệu quả huy động vốn trái phiếu Chính phủ.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến các nguyên nhân chủ quan là giao vốn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, địa phương, ban quản lý dự án còn thụ động, thiếu quyết liệt, khẩn trương.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngay trong tháng 4/2017 phải hoàn thành toàn bộ việc giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của năm 2017 (đợt 1) rất sớm, vào cuối năm 2016, nhưng tiến độ các bộ, ngành và địa phương thực hiện giải ngân trong 4 tháng đầu năm còn rất chậm.
Theo Bộ Tài chính, tính tới ngày 17/4/2017, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước là 14,3%, giải ngân vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia mới chỉ có 4,3%. Trong khi đó vốn trái phiếu Chính phủ vẫn chưa có kế hoạch giao, nên Kho bạc chưa thể giải ngân được.
Ước đến hết tháng 4 này thì Kho bạc Nhà nước sẽ thanh toán được 66.657,8 tỷ đồng, đạt 18,7% (tương đương với cùng kỳ năm ngoái) so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 13,8% kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.
BizLIVE