Nỗi thống khổ của những bệnh nhân hiểm nghèo không thể đến bệnh viện giữa mùa dịch tại Mỹ: Chúng tôi sẽ mất mạng, nhưng vì bệnh khác chứ không phải Covid-19
Không chỉ những trường hợp nhiễm Covid-19 mới sợ hãi mà ngay cả những bệnh nhân bình thường khác tại Mỹ cũng đang lo mình sẽ mất mạng vì đại dịch này.
- 06-04-2020Nguy hiểm tiềm ẩn từ những tháng ngày làm việc tại nhà: Không tự đặt ra giới hạn, bạn sẽ phải đánh đổi bằng chính sức khỏe của mình
- 05-04-2020Lệnh phong tỏa gỡ cũng là lúc phụ nữ Trung Quốc đệ đơn ly hôn hàng loạt: Gia đình rạn nứt từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt vô tình lộ ra trong đại dịch Covid-19
- 05-04-2020Số phận những lao động Ấn Độ không thể trở về nhà trước lệnh phong tỏa: Bất đắc dĩ trở thành người vô gia cư, tuyệt vọng kiếm đồ ăn để không chết đói
Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư vú và tuyến giáp vào mùa xuân năm ngoái, LaDonna Lokey biết rằng phía trước mình sẽ là một năm chỉ xoay quanh phẫu thuật và làm hóa trị.
Cuối tháng 1, cô đã hoàn thành việc hóa trị và cần tiến hành thêm một ca phẫu thuật nữa để loại bỏ các hạch bạch huyết đang bao quanh dây thanh quản của mình. Thế nhưng, dịch Covid-19 bỗng dưng bùng phát dữ dội và khiến cho bệnh viện mà cô đang chữa trị ở Wisconsin lẫn nhiều cơ sở y tế khác trên toàn nước Mỹ lâm vào tình trạng quá tải.
Khi bệnh nhân nhiễm Covid-19 đổ xô đến các phòng khám và bệnh viện, các nhân viên y tế buộc phải hủy một số thủ thuật chọn lọc, đóng cửa các phòng khám không có chức năng cấp cứu và hoãn các cuộc hẹn không cần thiết theo khuyến nghị của các quan chức liên bang. Điều này đã đặt những người đang gặp các vấn đề khác về sức khỏe - từ ung thư cho đến thai sản - vào tình thế hiểm nghèo.
Đối với một số bệnh nhân, các dịch vụ mà họ phụ thuộc không còn hoạt động hoặc bị hủy. Đối với những người khác, các dịch vụ mà họ cần vẫn hoạt động, nhưng họ lại quá sợ phải ra ngoài vì nguy cơ lây nhiễm virus.
Chữa ung thư cũng phải đợi xong Covid-19
Trước ca phẫu thuật hạch bạch huyết, Lokey phải đi siêu âm tại một bệnh viện ở Vịnh Green. Tuy nhiên, trước khi cô có thể đi, nhân viên y tế gọi điện tới và nói rằng lịch hẹn đã bị dời lại, sớm nhất là vào cuối tháng 4.
Họ nói rằng cô sẽ phải chờ một thời gian để được siêu âm. “Theo cảm nhận của tôi, tất cả các nhân viên y tế dường như không biết điều gì đang chờ đợi họ phía trước”, cô nói.
Không thể siêu âm, Lokey cũng chẳng thể phẫu thuật. Tuy nhiên, kể cả khi được đi siêu âm, cô cũng rất lo lắng về chuyện làm phẫu thuật trong lúc đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp như thế này.
“Thứ nhất là liệu họ có chịu phẫu thuật không và thứ hai là liệu tôi có muốn không”, Lokey cho biết. “Việc đi đến đó có nhiều rủi ro. Kể cả khi họ đồng ý, tôi cũng không chắc là mình muốn. Điều gì cũng khiến tôi sợ hãi. Tôi không biết mình có muốn hay không. Có lẽ tôi sẽ chờ”.
Bệnh nhân đang chờ đợi tại một phòng khám. (Ảnh: Jim Absher)
Tạm thời, Lokey sẽ cố gắng sống chung với các hạch bạch huyết ở bên trong họng mình, dù không cảm thấy dễ chịu chút nào. Càng để lâu, nguy cơ chúng phát triển và di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể càng cao.
“Tôi chỉ muốn cào rách cổ họng - đó là những gì tôi cảm nhận lúc này”, Lokey miêu tả. “Mỗi ngày trôi qua, tế bào ung thư sẽ càng xâm lấn sâu hơn vào hạch bạch huyết của tôi”.
Giống như các bệnh nhân ung thư khác, toàn bộ quá trình điều trị của Lokey sẽ phải hoãn lại vô thời hạn.
Anna Steegmann - một vị giáo sư 65 tuổi ở thành phố New York - không nghĩ rằng tiếng ù tai lại là dấu hiệu cho thấy bà đang bị ung thư. Thế nhưng sau một loạt các xét nghiệm máu, bốn ngày trong phòng cấp cứu và một lần làm sinh thiết tủy xương, bà được chẩn đoán mắc hội chứng loạn xương tủy - một loại ung thư máu.
Steegmann nhận được kết quả này vào ngày 13/3, khi mà New York đã có hơn 400 ca nhiễm Covid-19. Ngay sau đó, bà đã liên lạc với Memorial Sloan Kettering - một trong những bệnh viện đầu ngành về ung thư trong khu vực. Tuy nhiên, họ nói rằng sẽ không nhận thêm bất kỳ bệnh nhân nào nữa.
“Họ bảo rằng chúng tôi đang ở trong danh sách chờ. Họ không thể nhận thêm bệnh nhân mới nữa”.
Sau nhiều tuần gọi cho các bác sĩ và gửi bệnh án đến những nơi này, Steegmann cuối cùng cũng đặt được một cuộc hẹn khám bệnh từ xa qua video với một chuyên gia. Bà muốn hỏi những câu cơ bản như mình còn bao nhiêu thời gian và nên điều trị như thế nào. Bởi lẽ, loại ung thư này không có thuốc chữa.
“Tôi chỉ biết chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi và bị buộc phải chờ đợi. Tôi đang lãng phí thời gian mà nhẽ ra có thể dùng để chữa trị”, Steegmann nói. “Bất cứ ai được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo trong thời gian gần đây đều sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị.”
TS. Arthur Caplan - chuyên gia phân tích y tế của CNN, kiêm Giám đốc Bộ phận Đạo đức Y tế tại Trường Đại học Y New York - cho biết, đại dịch lần này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến các bệnh nhân không nhiễm Covid-19.
“Họ đang gặp nguy hiểm, một số thậm chí có thể sẽ chết, bởi vì việc điều trị thông thường, đặc biệt là việc điều trị ung thư sớm, không hoạt động lúc này”, Caplan cảnh báo. “Chúng ta đều hy vọng chuyện này chỉ diễn ra trong vài tháng, nhưng nếu tình hình kéo dài đến 1 năm, những người này sẽ chết nhưng không phải do nhiễm Covid-19 mà vì Covid-19 không cho phép họ chữa bệnh”.
Dịch vụ khám bệnh từ xa lên ngôi, nhưng không phải ai cũng có thể dùng
Đối với những người mắc bệnh mãn tính, đại dịch lần này đã gây xáo trộn đến lịch thăm khám, xét nghiệm và điều trị.
Molly Schreiber (40 tuổi) được chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 1 khi còn rất trẻ. Nhiều năm sau, bà lại mắc viêm khớp dạng thấp - một căn bệnh về rối loạn miễn dịch tự động.
Với căn bệnh này, Schreiber phải truyền một loại thuốc có tên là Rituxan cứ 4 tháng một lần trong bệnh viện. Dù lần truyền tiếp theo là vào cuối tháng 5, bà vẫn vô cùng lo lắng.
“Nỗi sợ lớn nhất của tôi là đi vào môi trường bệnh viện”, Schreiber nói. “Tôi lo mình sẽ nhiễm những thứ còn tồi tệ hơn tại bệnh viện”.
Loại thuốc mà Schreiber sử dụng để điều trị viêm khớp sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bà có nguy cơ cao nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, Schreiber còn phải lấy mẫu máu 6 tuần một lần để kiểm tra các chỉ số và đảm bảo sức khỏe được ổn định. Tuy nhiên, bà đang nghĩ tới chuyện hoãn lại những buổi hẹn này trong một thời gian.
Cả bác sĩ của bà lẫn những bác sĩ khác có thể tư vấn từ xa đã khuyên bà nên ở trong nhà nhiều nhất có thể. Bệnh viện cảnh báo rằng nếu muốn vào khám bệnh đái tháo đường, bà sẽ phải tự mang theo dụng cụ riêng để kiểm tra lượng đường huyết.
“Họ đang hướng dẫn mọi người tự mang theo kim tiêm, đồ dùng và mọi thứ để có thể kiểm tra lượng đường huyết”, người phụ nữ này cho biết.
Các dịch vụ khám bệnh từ xa đã tăng lên trong vài tuần qua như một biện pháp thay thế cho những người sợ phải đi đến bệnh viện và lây nhiễm Covid-19. Chính quyền liên bang đã bãi bỏ một số quy định ngăn cản các công ty bảo hiểm chi trả cho những dịch vụ như thế này.
Heal - một dịch vụ tư vấn và khám bệnh từ xa - đã hoạt động trong ngành hơn 5 năm, nhưng Giám đốc Y tế Renee Dua cho biết số bệnh nhân đã tăng tới 640% trong tháng qua. Theo Dua, dịch vụ tư vấn và khám bệnh từ xa có thể cung cấp giải pháp thay thế an toàn để đảm bảo y tế dự phòng và việc chăm sóc tích cực các bệnh nhân mắc rối loạn miễn dịch không bị lơ là trong giai đoạn này.
“Tốc độ tăng trưởng thật đáng kinh ngạc”, Dua nhận xét. “Chúng tôi gọi đó là thu hẹp khoảng cách chăm sóc. Chúng ta không nên lơ là việc tầm soát phòng ngừa và chăm sóc chính cho bệnh nhân”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề không thể thay thế, buộc bệnh nhân phải đến tận nơi.
Đối với Rebecca Gray - một bà mẹ 28 tuổi đang mang thai lần ba, việc siêu âm phải được thực hiện tại bệnh viện.
“Chuyện này vô cùng căng thẳng. Bạn sẽ luôn lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Bạn sẽ thấy người ta dựng lều ngay đối diện phòng cấp cứu mà bạn đi vào”, Grey nói. “Tôi phải làm điều tốt nhất cho đứa con của mình… đảm bảo rằng mình đang làm đúng và đảm bảo rằng cả hai sẽ an toàn và khỏe mạnh.”
Lokey thì mong rằng các bệnh viện sẽ giao tiếp tốt hơn về vấn đề bệnh nhân nhiễm Covid-19 và bệnh nhân không.
“Tôi không rõ họ đang làm gì nữa. Chúng tôi không muốn vào bệnh viện chút nào”, cô nhận xét.
Theo Caplan, chính phủ và cơ quan quản lý cấp cứu địa phương nên nói rõ về mức độ an toàn của các bệnh viện.
“Tôi nghĩ chính phủ nên nói nhiều hơn về vấn đề này”, Caplan cho biết. “Chúng ta nên thấy nhiều đội phản ứng nhanh hơn trong thành phố. Họ phải nói cho chúng ta biết khi nào nên gọi xe cấp cứu, khi nào nên gọi cứu hỏa. Chúng ta đang không có đủ chỉ dẫn”.
(Theo CNN)
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19