MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nóng” cuộc đua sản xuất chất bán dẫn

“Nóng” cuộc đua sản xuất chất bán dẫn

Sản xuất chất bán dẫn là cuộc đua hao tiền, tốn của, đòi hỏi các khoản đầu tư khổng lồ trong thời gian dài.

EU cho phép trợ cấp ngành bán dẫn

Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn trên thế giới đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi ngày 18/11, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ cho phép các quốc gia thành viên được trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn nội địa nhằm cạnh tranh với các quốc gia châu Á, hướng đến mục tiêu chiếm 20% thị phần ngành bán dẫn toàn cầu vào năm 2030.

Như vậy, tính đến thời điểm này, toàn bộ 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh rất đáng chú ý trong ngành công nghệ thế giới.

"Ủy ban sẽ xem xét phê chuẩn các chương trình trợ cấp để thu hẹp khoảng cách đầu tư trong hệ sinh thái chất bán dẫn. Đây sẽ là chương trình trợ cấp đầu tiên dạng này tại châu Âu. Khoản trợ cấp sẽ nhằm thu hẹp kích thước chip nhưng cũng đồng thời để phát triển các tính năng cho những con chip mà các công ty châu Âu sản xuất", bà Margrethe Vestager - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho hay.

Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực triển khai kế hoạch tự chủ chiến lược trên mọi lĩnh vực và sản xuất chất bán dẫn là một phần trong kế hoạch tự chủ về công nghiệp. Với các quan chức EU, việc thiếu hụt nguồn cung đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn và cản trở sản xuất trong lĩnh vực ô tô của EU.

Các dự án đầu tư của EU hướng tới một chương trình nghị sự "tự chủ chiến lược". Đây là động lực để giảm nguy cơ dễ bị tổn thương của lục địa này trước bất kỳ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro địa chính trị nào. EU đang tìm cách gia nhập liên minh hàng đầu toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn và đặt ra mục tiêu không dễ thực hiện là tăng gấp đôi thị phần chip toàn cầu vào năm 2030.

“Nóng” cuộc đua sản xuất chất bán dẫn - Ảnh 1.

Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn trên thế giới đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. (Ảnh minh họa - Nguồn: Getty).


Tầm quan trọng của ngành bán dẫn

Nhiều chuyên trang tài chính nhận định sản xuất chất bán dẫn được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Với độ ứng dụng rộng rãi trong tất cả các ngành công nghệ cao từ thiết bị điện tử, ô tô, máy tính, cho đến thiết bị truyền thông... doanh thu ngành bán dẫn đã đạt 439 tỷ USD vào năm 2020, tăng 6,5% so với năm 2019 bất chấp đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế toàn cầu sụt giảm tới 3,5%.

Việc kiểm soát ngành bán dẫn và các công nghệ lõi vì vậy được xem sẽ quyết định vị thế của các nền kinh tế trong thế kỷ 21. Vậy ngành bán dẫn đang nằm trong tay ai?

Nếu xét theo các công ty thì TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đang chiếm 54% thị phần, trong khi Samsung của Hàn Quốc chiếm 17% và SMIC của Trung Quốc đại lục chiếm 5%. Riêng 3 công ty này đã chi phối gần 4/5 thị trường chip thế giới.

Trong đó chỉ có TSMC và Samsung đang nắm giữ công nghệ tiên tiến có thể sản xuất ra những con chip 5 nm. Theo dự kiến TSMC sẽ là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thương mại những con chip 3 nm vào năm 2022, sớm hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.

Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn trên phạm vi toàn cầu

Trước kế hoạch trợ cấp của EU, Mỹ và Nhật Bản đã có những nỗ lực nhằm tìm lại vị thế là người dẫn đầu thị trường sau thời gian dài chứng kiến ngành sản xuất chất bán dẫn dịch chuyển sang những thế lực kinh tế mới tại châu Á.

Thượng Viện Mỹ đã thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt, đầu tư 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Việc mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những cam kết trước đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đã kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật Chips.

Bà Gina Raimondo - Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ cho hay: "Việc thiếu hụt sản xuất chất bán dẫn trong nước không chỉ gây ra mối đe dọa về kinh tế, mà còn là mối đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ".

Trong chuyến công du tới Hàn Quốc ngày 18/11, Đại diện Thương mại Mỹ và Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng sẽ thảo luận cách thúc đẩy hợp tác song phương trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn và các vật liệu công nghiệp trên thế giới.

Trong khi đó tại Nhật Bản, sự thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn do dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những rủi ro đối với ngành sản xuất công nghiệp của nước này. Để hạn chế các rủi ro này, Nhật Bản đã công bố chiến lược cơ bản nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu doanh số của các công ty sản xuất chất bán dẫn tại Nhật Bản sẽ tăng gấp 3 lần lên 118 tỷ USD vào năm 2030.

"Chất bán dẫn là bộ não của ngành công nghiệp, có vai trò quan trọng trong thời đại kỹ thuật số; khôi phục ngành sản xuất chất bán dẫn là sứ mệnh quốc gia", ông Koichi Hagiuda - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho hay.

Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần tận dụng các lợi thế về nền tảng công nghệ tiên tiến để khôi phục ngành bán dẫn lấy lại lợi thế của mình trong lĩnh vực này

“Nóng” cuộc đua sản xuất chất bán dẫn - Ảnh 2.

Sản xuất chất bán dẫn là cuộc đua hao tiền, tốn của, đòi hỏi các khoản đầu tư khổng lồ trong thời gian dài. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)

Hiện nay công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là nhà sản xuất số 1 thế giới về chip bán dẫn, trong khi Mỹ là quốc gia nắm được nhiều bản quyền công nghệ nhất.

Dù có một số thế mạnh trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và thị trường có nhu cầu rộng lớn, song châu Âu lại thua xa châu Á về việc sản xuất loại chip cao cấp nhất, được sử dụng trong máy tính cao cấp, điện thoại và các thiết bị khác.

Ngoài ra, châu Âu cũng có các công ty có tiếng tăm trong ngành nhưng thị phần chưa đến 10%. Bởi vậy, các công ty "cây nhà, lá vườn" của châu Âu hầu như không cố gắng cạnh tranh với các đối thủ lớn của châu Á và Mỹ.

Thay vào đó, các hãng dẫn đầu thị trường EU của (Infineon) Đức, (NXP) Hà Lan và (STMicroelectronics) Pháp - Italy tập trung phát triển chíp điện tử với công nghệ 2 nanomet, cung cấp thiết bị cho các ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và tự động hóa công nghiệp, cùng những ngành khác.

Sản xuất chất bán dẫn là cuộc đua hao tiền, tốn của, đòi hỏi các khoản đầu tư khổng lồ trong thời gian dài. Đây sẽ là tâm điểm trong cuộc canh tranh giữa các cường quốc công nghệ trong những năm tới.

Theo PV

VTV.VN

Trở lên trên