Nông dân Bình Phước thấp thỏm lo âu vào vụ tiêu
Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi đã khiến cho quá trình ra hoa, đậu trái hồ tiêu diễn ra không thuận lợi. Ảnh minh họa: Hưng Thịnh/TTXVN
Hiện nay, nhiều vườn trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang trong giai đoạn nuôi trái, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi đã khiến cho quá trình ra hoa, đậu trái diễn ra không thuận lợi, nguy cơ thất thu cả về năng suất lẫn sản lượng hiện hữu.
- 19-11-2020Chỉ còn 1 container hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal đang trên đường về Việt Nam
- 15-11-2020Hoàn thành ‘giải cứu’ 62 container hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal
- 11-11-2020"Vua hồ tiêu" Phúc Sinh muốn tăng mạnh thị phần nội địa
Ghi nhận vào thời điểm tháng 12, tỷ lệ đậu trái tại nhiều vườn tiêu trên địa bàn tỉnh rất thấp so với mùa trước. Nhiều hộ nông dân đang trong tình cảnh lo lắng sẽ thất thu trong khi giá thu mua có xu hướng khởi sắc hơn năm ngoái. Thời điểm hiện tại, giá hồ tiêu dao động từ 50.000 - 57.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái hơn 10.000 đồng/kg.
Gia đình ông Phan Kim Toàn ở ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long có diện tích gần 1 ha trồng hơn 1.000 trụ tiêu. Sau khi thu hoạch vụ mùa năm trước, vườn tiêu của gia đình vẫn phát triển tốt. Dù giá cả trong vài năm trở lại đây vẫn ở mức thấp trên dưới 50.000 đồng/kg, nhưng gia đình vẫn chăm sóc vườn bình thường. Đầu năm 2020, vườn tiêu nhà ông được đầu tư khá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với mong muốn đẩy năng suất cao để bù lại giá thấp. Tuy nhiên, hiện vườn tiêu đậu trái ít khiến gia đình ông Toàn không hy vọng sản lượng hơn năm trước.
Ông Toàn cho biết: "Vườn tiêu của nhà tôi năm nay cây phát triển tốt, không sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, vào giai đoạn ra hoa kết trái hiện tượng cây tiêu rụng hoa, trái nhiều lắm. Dù gia đình tôi cũng đã phun các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn không giữ trái trên cây. Bản thân tôi với nhiều năm kinh nghiệm trồng cây hồ tiêu, nguyên nhân trái ít đậu có khả năng do thời tiết khô nóng, mưa muộn nên độ ẩm không khí thấp dẫn tới cây tiêu khó ra hoa, đậu trái".
Còn gia đình chị Sầm Thị Thảo Anh ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập có hơn 2.000 trụ tiêu trên 5 năm tuổi cũng trong tình trạng ít trái và dịch bệnh gây ra. Dù vườn tiêu đang phát triển tốt, nhưng bệnh chết nhanh chết chậm khiến gia đình "đau đầu". Theo thống kê của gia đình chị Anh, hiện đã có gần 200 trụ tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm. Theo chị Thảo Anh, năm nay trên địa bàn xã cũng có một số vườn tiêu trái đậu ít. Việc giá cả xuống thấp cũng là nguyên nhân khiến một số nhà nông giảm chi phí đầu tư gần một nửa so với lúc giá cao nên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Cũng trong tình trạng cây tiêu ít đậu trái, huyện biên giới Bù Đốp là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nhì của tỉnh Bình Phước. Nhiều hộ khu vực trong huyện khi thăm vườn đều "kém vui" khi trên cây trái đậu tỷ lệ thấp. Thời gian qua, bầu không khí u ám vây lấy ngành hồ tiêu, nhiều hộ nông dân cũng vì thế mà lâm vào tình cảnh khó khăn, đầu tư giảm sút.
Điển hình như gia đình chị Phan Thị Như ở xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc từ Trung tâm Khuyến nông huyện. Tuy vườn tiêu của chị Như vẫn xanh ngắt, căng đầy sức sống, khác biệt với những vườn tiêu chết la liệt ở quanh vùng nhờ sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Thế nhưng, đến thời điểm tháng 12, quan sát vườn tiêu ít trái, dự báo gia đình chị đối mặt với khó khăn. Với 700 trụ tiêu, vụ trước gia đình chị Như thu khoảng 2 tấn. Mùa vụ năm nay, theo như chị Như dự đoán sẽ thấp hơn sản lượng năm trước nhiều.
"Vườn tiêu nhà tôi năm nay trái đậu ít có thể do ảnh hưởng thời tiết. Tôi cũng chăm bón đúng theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp nhưng đến nay khả năng thu về ít hơn năm ngoái. Nếu tiêu cứ ít trái với lại giá thu mua không lên hơn thì chi tiêu trong gia đình sẽ khó khăn hơn", chị Như lo lắng.
Trước thực trạng nhiều vườn tiêu trong tình trạng kết trái ít, Tiến sĩ nông học Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp cho rằng, vụ mùa năm nay sản lượng tiêu của tỉnh sẽ giảm. Nguyên nhân tiêu ít trái chủ yếu do thời điểm ra bông nhiệt độ quá cao, không thể thụ phấn, dẫn đến tình trạng bồ cào. Hồ tiêu sau khi ra hoa, trời chuyển nắng kéo dài làm cho rụng bông. Bên cạnh đó, do giá tiêu thấp, người nông dân không chú trọng đầu tư chăm sóc, bỏ bê vườn nên cây suy yếu. Hiện tình trạng các vườn tiêu "xuống cấp" rất trầm trọng chiếm tỷ lệ chết cũng rất nhiều, khoảng 30 - 50%. Vì vậy, khi cây đã yếu, nhà nông muốn phục hồi tiêu phát triển được như lúc ban đầu thì không thể. Song nếu người dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt thì chắc chắn mùa sau năng suất sẽ tốt hơn nhiều.
Ngoài ra, theo khuyến cáo các chuyên gia kỹ thuật về nông nghiệp, việc bón phân cũng rất quan trọng và cần phải khoa học. Nhà nông nên chọn loại phân bón có hàm lượng đạm vừa phải để tăng cường cho quá trình ra hoa tốt hơn, kết hợp với kỹ thuật canh tác tốt giúp vườn tiêu phát triển đồng bộ. Nhà nông cũng cần có kỹ thuật xử lý ra hoa dựa trên những đặc tính sinh lý, hóa sinh và quy trình chăm sóc khoa học cho cây tiêu, thúc cây tạo mầm hiệu quả, đánh thức mầm ngủ, kích ra hoa đồng loạt ngay trong điều kiện không có lợi. Đặc biệt, các hộ dân nên chú ý việc chăm sóc vườn tiêu ngay sau giai đoạn thu hoạch, đồng thời tiêu diệt mầm bệnh và bón phân kích cây tái sinh và sinh trưởng mạnh.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 14.500 ha hồ tiêu. Trước ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, giá cả "trầm lắng", người trồng tiêu ở Bình Phước có nguy cơ tiếp tục thất thu. Vụ mùa tiêu tiêu năm nay dự báo khó khăn và thách thức sẽ chồng chất thêm khi nông dân phải cầm cự chăm sóc, tái đầu tư.
Báo Tin tức/TTXVN