MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân chán nản "ủ" khoai, chờ... thương lái

08-10-2018 - 09:43 AM | Thị trường

Băng qua cung đường ngót năm chục cây số từ thủ phủ miền Tây (Cần Thơ) để về được đến huyện Bình Tân (Vĩnh Long). Sau khi “cày cuốc” qua gần chục đoạn đường hết ổ voi, ổ gà rồi đến ngập úng khi mùa lũ về, tôi cố hình dung và mường tượng cảnh người dân ở xứ này sẽ làm gì và sống ra sao khi nông sản từ những cánh đồng khoai, mía… trải dài cả trăm dặm của họ đột nhiên mất giá và thương lái ngừng việc thu mua.

"Tiền cũ đổi tiền mới"

Giữa ánh mặt trời chói chang, cạnh bên những bãi đất cằn cỗi bị xới tung do đào bới quá độ thì vẫn còn đó một màu xanh tươi bạt ngàn từ những đồng khoai đang vào mùa vụ. Nhưng giữa cảnh quan tưởng chừng có thể giúp bà con nông dân vơi đi cảm giác vất vả sau ngót hơn trăm ngày lao động miệt mài, nhiều người vẫn chẳng buồn ra đồng thu hoạch khoai đang vừa đủ lứa. Thay vào đó, ngày ngày bà con chỉ biết ngóng trông những thông tin tốt lành từ việc lên xuống của giá khoai ở các phiên "chợ trời" do thương lái lập ra.

Với giọng chua chát, ông Phan Trung Tín, ngụ Ấp Thạch Khương, xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, tâm sự: Ở đây tôi là một trong những người trồng khoai lâu nhất với hơn 20 năm trong nghề. Thực chất, trước đây người dân Bình Tân trồng khoai rất nhiều và đến giờ vẫn vậy. Bình quân, mỗi tạ khoai chúng tôi phải bán trên 300.000 đồng mới có lời sau khi trừ tất cả các chi phí. Tuy vậy, giá khoai trong thời gian vừa qua rớt thê thảm chỉ còn khoảng hơn 200.000 đồng/tạ khiến tôi rất chán nản. Nếu tình hình sắp tới không khả quan hơn thì có lẽ không chỉ riêng tôi và người dân trồng khoai ở đây cũng chỉ có thể “đem tiền cũ đổi tiền mới” vì mất công trồng trọt bao nhiêu tháng trời mà vốn vẫn hoàn vốn.

Việc khoai rớt giá thảm hại gần đây đã kéo theo việc nhiều người dân cố gắng “neo” hay “ủ” khoai để tiếp tục chờ giá thành ổn định để bán tiếp mong thu lại chút lợi nhuận. Thực chất, việc "ủ" khoai có thể giúp người nông dân hạn chế lỗ vốn khi khoai rớt giá sâu. Nhưng có một hệ lụy đáng buồn đó là, nếu "ủ" khoai lại quá lâu ngày thì việc hư hỏng cũng khó tránh khỏi, cùng với đó, người dân sẽ rất khó xoay sở nguồn tiền để trang trải chi phí cuộc sống trong thời gian ngắn hạn, ông Tín thông tin thêm.

Điệp khúc "sống" nhờ thương lái

Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết, giá khoai lang các thương lái thu mua hiện đang có đà giảm liên tục. Cụ thể mỗi tạ khoai các loại có giá trung bình từ 170.000 đồng cho đến 400.000 nghìn đồng, giảm từ 10 đến 50 nghìn đồng mỗi tạ so với những tuần trước. Gần đây, nông dân còn nhận thêm thông tin không vui khi thương lái đồng loạt thông báo sẽ tạm ngừng thu mua hàng.

Ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX Thanh Ngọc (xã Thành Trung, huyện Bình Tân) cho biết, từ trước đến nay khoai lang Bình Tân đa số thương lái mua về để xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Khi có thương lái đến mua khoai thì người nông dân bán, còn họ ngưng thì chịu chứ không biết làm gì. Ông Ngô Văn Tua - Chủ nhiệm HTX khoai lang Thành Đông bày tỏ, tuy là người trồng, nhưng bà con không thể tự quyết giá cả cũng như sản lượng. Khi khan hàng thì thương lái kiếm ồ ạt, khi “no nê” thì ngưng thu mua.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Bình Tân cũng thẳng thắn nhìn nhận, đã có thông tin từ thương lái cho rằng do mặt hàng khoai lang chưa được ký kết danh mục các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nên họ ngưng nhập hàng. Tình trạng này khiến nông dân đang gặp khó khăn, chúng tôi đã có báo cáo lên cấp trên để tìm cách tháo gỡ.

Theo Bảo Trung

Lao động

Trở lên trên