MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân chặt bỏ hàng nghìn ha thanh long

05-04-2022 - 10:07 AM | Thị trường

Thời gian qua, giá thanh long có thời điểm xuống đáy thấp nhất nhiều năm. Tình trạng này khiến nhiều nông dân phải chặt bỏ hàng nghìn ha thanh long vì thiếu vốn, thua lỗ.

Sau những khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều tháng qua, giá thanh long trong nước có thời điểm xuống đáy thấp nhất của nhiều năm. Chỉ vài nghìn/cân thanh long, như một hệ quả tất yếu, bà con nông dân phải cắt lỗ, họ buộc phải chặt bỏ hàng nghìn ha thanh long vì thiếu vốn và không muốn tiếp tục thua lỗ. Câu chuyện tại tỉnh Bình Thuận, nơi có hiện tới 33.000 ha trồng thanh long, là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước.

Những chiếc máy cày trước đây chỉ để làm đất trồng cây, nhưng nay lại có thêm một nhiệm vụ mà ít ai mong muốn, là dùng để nhổ những cọc trồng thanh long.

Nông dân chặt bỏ hàng nghìn ha thanh long - Ảnh 1.

Thanh long chín đỏ vườn tại Bình Thuận, nhưng vắng bóng thương lái thu mua. (Ảnh: NLĐ)

8 năm qua, nhà ông Đông tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, gắn bó với khoảng 3.000 trụ thanh long, nhưng từ một năm nay, do giá cả bấp bênh ông đã nợ ngân hàng tới 500 triệu đồng. Không còn cách nào khác, bắt đầu từ năm 2021, ông đã phải chặt bỏ hết số diện tích thanh long này.

"Một vụ cứ lỗ miết, nông dân ai cũng trắng tay, thâm vô nợ nần, người có vốn thì còn xoay xở được, không có vốn thì phải bán đất trả nợ", ông Lại Đình Đông, xã Bình An, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cho biết.

Điều đáng nói, thời gian này, việc chặt bỏ thanh long không phải hiếm tại Bình Thuận. Nguyên nhân chính là người dân thua lỗ do giá bán thanh long quá thấp, không bù được chi phí sản xuất.

Bình Thuận có sản lượng trên 700.000 tấn thanh long mỗi năm, 85% con số này xuất khẩu sang Trung Quốc và một số quốc gia khác. Gần đây, do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID-19 nên việc xuất khẩu sang đây bị bị đứt gãy và đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải phát đi khuyến nghị bà con nông dân cân nhắc kỹ việc chặt thanh long lúc này.

"Cây thanh long đang cho trái, điều kiện tốt nên chúng ta cũng không nóng vội, thận trọng khi phá bỏ cây thanh long. Chúng ta nên tiếp tục chăm sóc, duy trì, có nhiều giải pháp để giữ vườn, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường trong thời gian tới", ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, cho hay.

Thông tin ban đầu trong 3 tháng đầu năm 2022, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ 936 ha thanh long, nâng diện tích thanh long chặt bỏ từ năm 2021 đến nay là 2.000 ha, khoảng 6% tổng diện tích thanh long của toàn tỉnh. Diện tích chặt bỏ chủ yếu là diện tích thanh long già cỗi, năng suất thấp hoặc ở những vùng địa hình không quá lợi thế với cây thanh long.

Thiếu bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ

Theo quy hoạch phát triển ngành thanh long đến năm 2030, diện tích trồng của cả nước khoảng 49.000 ha. Tuy nhiên chỉ đến 2020, diện tích thanh long đã đạt 65.000 ha, vượt tới khoảng 30% so với quy hoạch.

Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển cây thanh long vừa qua không chỉ đã phá vỡ quy hoạch chung của cả ngành, mà còn thiếu bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

"Thứ nhất là việc thiếu bền vững giữa vấn đề áp dụng quy trình canh tác để đảm bảo được yêu cầu của các nước xuất khẩu, đặc biệt là thị trường có yêu cầu cao như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Thứ hai là chúng ta cơ bản vẫn chỉ xuất khẩu thanh long ở một thị trường là Trung Quốc và cơ bản là xuất khẩu tiểu ngạch. Điều này dẫn đến tác động xấu ngược lại đối với sản xuất thanh long. Song song đó, việc chế biến sản phẩm thanh long chưa được chú trọng đầu tư và phát triển", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ thanh long

Phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại chuỗi liên kết tiêu thụ thanh long, xây dựng ngành kinh tế thanh long được coi là hướng đi không thể khác của ngành hàng này trong thời gian sắp tới.

Tạm thời không khai thác trái, để duy trì 1.000 cọc thanh long, 2 tháng nhà ông Tánh (thôn 5, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) mới bón phân một lần. Không dùng phân vô cơ vì giá đắt, nay ông dùng phân hữu cơ nên chi phía cũng giảm được nhiều phần. Bằng cách này ông Tánh đang cố gắng duy trì vườn thanh long của mình chờ giá lên.

Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cũng cam kết hỗ trợ giải pháp chăm sóc phù hợp, tiết kiệm chi phí đầu vào cho bà con nông dân, thêm vào đó sẽ phối hợp với sở Công Thương để theo dõi dự báo thị trường kịp thời, từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Nông dân chặt bỏ hàng nghìn ha thanh long - Ảnh 2.

Theo Cục trồng trọt, việc phát triển cây thanh long vừa qua không chỉ đã phá vỡ quy hoạch chung của cả ngành, mà còn thiếu bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các thị trường tiêu thụ. Mặc khác, vận động các doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới", ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, cho biết.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới Cục sẽ phối hợp với các địa phương rà soát lại diện tích thanh long, tập trung đầu tư hỗ trợ chính sách vào những vùng chuyên canh có lợi thế phát triển cây trồng này.

"Hỗ trợ những chính sách về liên kết; hỗ trợ chính sách về đầu tư chế biến sản phẩm thanh long; hỗ trợ tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất; hỗ trợ áp dụng các quy trình canh tác mới", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.

Trong khi đó ,các chuyên gia cho rằng, ở những địa phương không có lợi thế nên giảm diện tích thanh long, cả nước chỉ nên duy trì khoảng 42.000 ha với năng suất khoảng 1 triệu tấn/năm, giảm diện tích nhưng tăng cường chất lượng.

"Tôi cho rằng nâng cao chất lượng thanh long, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng tỷ lệ thanh long hữu cơ, tăng công nghệ chế biến lên thì chúng ta sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao", ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, nhận định.

Tổ chức lại sản xuất, thay đổi lại xu thế tiêu dùng của từng thị trường, giảm tỷ lệ xuất quả tươi thay bằng tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ quả thanh long tươi, như dạng sấy, bột, nước ép là hướng đi lâu dài để chuyển ngành sản xuất thanh long thành ngành hàng kinh tế thực sự.

Giải pháp luôn có và cũng khá đồng bộ từ phía cơ quan nhà nước hay chính quyền địa phương, nhưng việc quyết định chặt bỏ hay tiếp tục duy trì diện tích thanh long lại ở chính người nông dân. Theo các chuyên gia, quyết định này chỉ nên dựa trên tìm hiểu kỹ về cung cầu thị trường. Thực tế đang tồn tại nghịch lý, nông dân ở Việt Nam chặt thanh long do giá quá thấp, trong khi ở Trung Quốc giá thanh long Việt Nam lại tăng giá, có nơi bán tới 43.000 đồng/kg.

Theo PV

VTV.VN

Trở lên trên