MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân chật vật vì giá vật tư tăng

10-12-2021 - 11:08 AM | Thị trường

Giá vật tư nông nghiệp đang tăng đột biến giữa lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp khiến khó khăn chồng chất lên vai nhà nông.

Vụ lúa đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh Đồng Tháp dự kiến xuống giống 190.000 ha lúa. Để phục vụ cho diện tích này, nông dân cần sử dụng 133.000 tấn phân bón và gần 2.100 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, hiện giá vật tư, đặc biệt là phân bón, tăng mạnh khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Trăm dâu đổ đầu... nông dân

Ông Trần Hoàng Phố (ngụ xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Hiện phân DAP có giá 980.000 đồng/bao (50 kg), đạm Cà Mau 830.000 đồng/bao, kali 780.000 đồng/bao... So với cách đây 2 tháng, mỗi bao phân tăng từ 300.000-400.000 đồng. Giá phân bón đang tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến việc canh tác".

Nông dân Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đang rầu rĩ vì giá phân bón tăng chóng mặt. Ông Lý than: "Không biết vụ lúa đông xuân năm nay được giá hay không nhưng chi phí cho phân bón hiện nay vào khoảng 9-10 triệu đồng/ha, tăng 1 triệu đồng so với cùng kỳ năm rồi. Các đại lý nói rằng do công ty phân bón nêm yết giá tăng nên khi họ lấy về bán lại cho nông dân thì cũng phải tăng".

Tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ vừa diễn ra, đại biểu Lê Văn Thưởng (ngụ quận Thốt Nốt) thốt lên: "Tôi chưa đặt vấn đề hàng gian, hàng giả nhưng hiện các cửa hàng đang bán phân bón với giá cao không tưởng. Giá như vậy thì liệu nông dân sản xuất có bảo đảm lợi nhuận 30% theo quy định hay không?".

Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, giá phân bón tăng nên sở đã chủ động phối hợp các ngành để kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp . Đồng thời, sở đã tham mưu cho UBND thành phố và có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc nhập khẩu bảo đảm được hàng hóa, đặc biệt là phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Sơn cho biết: "Việc này, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cũng đã có ý kiến khi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, giá phân bón có dấu hiệu tăng nên ngành công thương tiếp tục kiến nghị với cơ quan chức năng trung ương, đồng thời phối hợp với các ngành để kiểm tra giá mặt hàng phân bón".

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, cho rằng do dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng cao. Bên cạnh đó, một số nước cung cấp nguyên liệu sản xuất tiếp tục có chính sách hạn chế xuất khẩu nên góp phần tăng giá cả chung đối với hầu hết các nguyên liệu.

Nông dân chật vật vì giá vật tư tăng - Ảnh 1.

Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh làm giảm lợi nhuận của nông dân trồng lúaẢnh: TÂM MINH

Hạn chế dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết chi phí phân bón, thuốc BVTV chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa. Chi phí này còn thay đổi tùy vào vụ mùa sản xuất và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của từng địa phương. Khi giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy cần các giải pháp hỗ trợ để người trồng lúa không bị thua lỗ, có thể bỏ vụ.

Theo Cục BVTV, các tỉnh ĐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Riêng lượng phân bón vô cơ sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc, trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3% so với trung bình toàn quốc.

Tương tự, với thuốc BVTV hóa học, lượng sử dụng tại khu vực này đang cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%; thậm chí có địa phương sử dụng thuốc BVTV hóa học gấp gần 3 lần so với trung bình toàn quốc. Ông Tùng khuyến nghị nông dân, đặc biệt là nông dân vùng ĐBSCL, cần giảm bớt lượng phân bón vì hiện nay nhiều vùng vẫn bón phân quá lượng cần thiết, gây lãng phí.

Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng Phòng Vi sinh Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cho biết kết quả của đề tài nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia EM/KHCN (1997-2000) đang phát huy hiệu quả trong các giải pháp xử lý phế thải của sản xuất nông nghiệp. Đó là xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK.

Kết quả thu được là giảm phân hóa học tổng hợp từ 30%-50% tùy lượng rơm rạ để lại trên đồng. Giảm thuốc BVTV từ 30%-50% tùy thói quen phun phòng sâu bệnh của địa phương.

Bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu tăng

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, cho biết tình trạng giá phân bón tăng phi mã, chưa có điểm dừng kéo dài từ đầu năm đến nay chủ yếu do ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu phân bón trên thế giới.

Dịch Covid-19 cũng đã tác động lên chi phí vận chuyển, lưu thông mặt hàng này giữa các quốc gia, góp phần đẩy giá tăng thêm. Hiện phân u-rê của các nhà máy trong nước sản xuất chưa đủ cung ứng, phân DAP thì sản xuất trong nước đáp ứng được 50%, các loại phân bón khác đều phải nhập khẩu. Phân đạm, NPK sản xuất được cũng từ nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài, trong khi đó hầu hết nguyên phụ liệu trong ngành phân bón thế giới đã tăng giá gấp đôi hoặc cao hơn kể từ đầu năm 2021 đến nay.

T.Nhân

Theo Nhóm PV

Người lao động

Trở lên trên