MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân gặp khó vì giá lúa giảm, giá phân bón nhảy vọt

08-08-2021 - 09:10 AM | Thị trường

Giá lúa giảm cộng với tình hình dịch bệnh đã khiến tâm lý người nông dân băn khoăn, không biết có nên tiếp tục xuống giống hay không, sản xuất rồi bán ở đâu…, trong khi vật tư đầu vào đã tăng giá đột biến.

Tại điểm cầu Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, vụ Hè Thu 2021, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống trên 76.600ha, trong đó, đã thu hoạch trên 45.200ha, năng suất ước đạt 6,3 tấn/ha; còn lại hơn 31.300ha sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 9. Diện tích lúa được doanh nghiệp bao tiêu đạt khoảng trên 10.900ha.

Về giá lúa, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, giá lúa đã giảm từ 200-300 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa tươi giống OM5451 dao động từ 5.000-5.300 đồng/kg; lúa OM18 có giá từ 5.500-5.800 đồng/kg…

Hậu Giang cũng đã xuống giống được gần 25.000ha lúa vụ Thu Đông, đạt 67% kế hoạch (36.600ha)… Tỉnh cũng đã thực nhiều biện pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ nông sản, tỉnh đã có buổi họp để làm việc với các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động…

“Tuy nhiên, hiện nay vật tư đầu vào có chiều hướng gia tăng, như phân bón tăng trên 50%, giá thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng 20-30%, gây khó cho bà con nông dân” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay.

Nông dân gặp khó vì giá lúa giảm, giá phân bón nhảy vọt - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: Cảnh Kỳ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các địa phương trong vùng ĐBSCL đang tiếp tục thu hoạch vụ lúa Hè Thu 2021 và chuẩn bị thu hoạch 250.000ha vụ lúa Thu Đông sớm trong tháng 9 và tháng 10/2021. Sản lượng lúa từ nay đến cuối năm có chiều hướng tốt.

Tuy nhiên, do vấn đề ách tắc lưu thông đã khiến giá lúa gạo thời gian gần đây có biến động mạnh. Giá lúa giảm cộng với tình hình dịch bệnh đã khiến tâm lý người nông dân băn khoăn, không biết có nên tiếp tục xuống giống hay không, sản xuất rồi bán lúa ở đâu trong mùa dịch này?…, nhất là khi vật tư đầu vào đã có sự tăng giá đột biến như gần đây.

Theo ông Nam, việc vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lúc đầu có ách tắc, nhưng sau đó đã được các bộ, ngành liên quan và cả Chính phủ tháo gỡ nên đến giờ này đã thuận tiện.

“Nhưng hiện nay, trên bàn của tôi, báo cáo giá phân bón tăng rất cao, một số loại sản xuất trong nước đã tăng 78% so với tháng 1/2021. Giá tăng quá cao như vậy, làm sao nông dân chịu đựng nổi…” – ông Nam nói.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng nhảy vọt thời gian gần đây, gây nhiều khó khăn cho người nông dân. “Phải chăng bắt đầu vào vụ mùa sản xuất, bắt đầu với lý do giao thông cách trở, thì tất cả đều tăng giá? Đây là vấn đề cả doanh nghiệp cùng các cơ quan quản lý phải suy nghĩ, tìm biện pháp tháo gỡ” – Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Nông dân gặp khó vì giá lúa giảm, giá phân bón nhảy vọt - Ảnh 2.

Nông dân ĐBSCL đang gặp 'khó chồng khó'. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trước đó, ngày 6/8, trong công văn gửi các tỉnh/thành vùng ĐBSCL về việc hỗ trợ tiêu thụ lúa Hè Thu 2021 trên địa bàn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện nay các tỉnh, thành ĐBSCL đã bắt đầu vào chính vụ thu hoạch rộ lúa Hè Thu 2021.

Tuy nhiên, 19 tỉnh, thành phía Nam cũng áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành theo Chỉ thị 16. Tình hình thu mua, sản xuất và chế biến lúa gạo của ngành lương thực nói chung theo đó cũng phải chịu ảnh hưởng rất lớn.

Nhằm phối hợp tạo điều kiên thuận lợi nhất có thể cho hoạt động tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong dân giữa tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, VFA đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác hỗ trợ cho khối DN ngành lương thực trong việc kết nối vùng sản xuất và đảm bảo khâu vận chuyển lúa tươi từ đồng về nhà máy sấy được kịp thời trên những địa bàn sản xuất lúa của địa phương.

VFA cũng đề nghị các tỉnh/thành ĐBSCL hỗ trợ tổng hợp và thông tin cho VFA về khoảng thời gian thu hoạch của các vùng trồng lúa thuộc từng địa phương. VFA sẽ thông báo kịp thời đến các thương nhân xuất khẩu gạo ở từng địa phương, qua đó thương nhân nào có nhu cầu sẽ cùng tham gia tiêu thụ trực tiếp lúa hàng hóa vụ Hè Thu 2021 cho bà con nông dân…

Theo báo cáo của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam của Bộ NN&PTNT, nhu cầu từ nay đến cuối năm 2021, các tỉnh Nam Bộ thu hoạch 900.000ha lúa Hè Thu và 700.000ha lúa Thu Đông, sản lượng chung ước đạt 7,5 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 3,5 triệu tấn.

Để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất đảm bảo kế hoạch và sản lượng lúa, giữ vững an ninh lương thực và một phần xuất khẩu, Tổ công tác Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ triển khai thực hiện chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực…

Cũng theo báo cáo, một bộ phận nông dân, hợp tác xã, DN có tâm lý băn khoăn chán nản, chần chừ trong tái đầu tư sản xuất… Rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước, cần sự động viên, vào cuộc của các cấp các ngành để khôi phục sản xuất, không để thiếu hụt lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm.

Để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy, cần thiết có một chương trình hỗ trợ tổng thể từ giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản cho đến sản xuất cung ứng nông sản thời gian tới…


Theo Cảnh Kỳ

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên