Nông dân Quảng Ngãi ồ ạt bán keo non vì được giá
Sau nhiều năm liên tục rớt giá, hiện nay, giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao nên nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi vì có thu nhập khá. Thế nhưng, nhiều người vì thấy lợi trước mắt đã ồ ạt bán cả keo non chưa đến kỳ khai thác.
Hai tháng trước, bà Đỗ Thị Nguyệt, ở thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi bán hơn 2 ha keo với giá 1.150.000 đồng/tấn. Mới đây, giá keo nguyên liệu bất ngờ tăng lên đến 1,53 triệu đồng/tấn, dù keo mới 3 năm tuổi nhưng bà Nguyệt đã khai thác thêm gần 1 héc ta để bán vì sợ giá keo hạ trở lại.
“Với giá keo hiện nay thì thu nhập cũng tương đối ổn định, nếu như rừng keo gần đường, chi phí ít thì thu nhập cũng tốt" - bà Nguyệt cho biết.
Nếu như trước đây, cây keo trồng khoảng 4 đến 5 năm tuổi mới khai thác thì nay người trồng keo ở Quảng Ngãi lại ồ ạt khai thác keo non để bán. Nhiều rừng keo chỉ mới 3 năm tuổi, sản lượng gỗ không nhiều vẫn khai thác bán non.
Ông Đinh Chỉ, ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, chủ của hơn 8 héc ta rừng keo cho biết, nếu bán keo non thì năng suất gỗ giảm sút, chất lượng gỗ thấp, lợi nhuận không cao nhưng với giá cao như hiên nay, người trồng keo có lãi. “Giá keo hiện nay thì thu nhập rất đảm bảo, bình quân 1 ha keo lợi nhuận 100 triệu đồng, trừ các chi phí công, vận chuyển".
Hơn 10 năm trở lại đây, cây keo mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi.
Bà Nguyễn Thị Thúy Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc trồng rừng của người dân hiện nay chủ yếu theo hướng tự phát. Tâm lý người dân sợ rủi ro do thiên tai nên khi được giá, bà con tranh thủ khai thác bán, kể cả keo non.
“Để phát triển lâm nghiệp lâu dài bền vững, định hướng của xã là tiếp tục liên kết trồng rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn. Tuyên truyền người dân hiểu rõ hơn về trồng cây gỗ lớn sẽ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế đồng thời góp phần bảo vệ môi trường" - bà Viên nhấn mạnh.
Giá cây keo tăng là tín hiệu vui cho nông dân, nhưng điều này cũng kéo theo tình trạng nông dân ở tỉnh Quảng Ngãi thu hoạch keo non, khai thác cả những cánh rừng chưa đủ tuổi để bán. Việc bán keo non về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ rừng trồng./.
VOV