MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân quyết 'đánh bạc' cùng giá hồ tiêu

13-06-2017 - 15:46 PM | Thị trường

Chỉ trong vòng 10 ngày, giá tiêu từ 82 ngàn đồng/kg, nay mất giá thêm 10 ngàn đồng nữa khiến đại lý chao đảo, mà ngay cả nông dân trữ tiêu dù đang phát hoảng, nhưng vẫn tiếp tục trữ tiêu "hóng" giá lên.

Ông Lê Nguyễn ở ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, có 2ha hồ tiêu thu hoạch trong tháng 3 năm nay được 5,5 tấn tiêu khô. Vào thời điểm đó, giá hồ tiêu ở mức 117 ngàn đồng/kg, do nhận thấy thấp hơn nhiều so với các năm trước nên ông Nguyễn không vội bán ngay mà quyết định cất giữ hoàn toàn trong nhà và ký gửi đại lý ở trong xã chờ tăng giá để "chốt" giá bán. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng trữ, thay vì giá tăng như mong đợi, hiện giá hồ tiêu đã giảm gần một nửa so với thời điểm thu hoạch khiến ông hết sức lo lắng.


Những bao tiêu khô trữ lại trong nhà ông Lê Nguyễn ở ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom

Những bao tiêu khô trữ lại trong nhà ông Lê Nguyễn ở ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom

Theo ông Nguyễn, giá hồ tiêu những ngày hạ tuần tháng 6, chỉ còn ở mức bình quân 73 ngàn đồng/kg. So thời điểm thu hoạch, giá tiêu đã giảm hơn 40.000 đồng/kg. “Với 5,5 tấn tiêu khô, nếu bán ra vào thời điểm này, tính ra tôi chỉ hòa vốn”, ông Nguyễn cho biết.

Trong khi đó, cũng với hơn 5 tấn hồ tiêu đang nằm trong kho, ông Lê Vân ở cùng ấp Trường An còn lo lắng hơn. Bởi vào tháng 3 vừa qua, sau khi thu hoạch tiêu tại vườn nhà 1,5ha được khoảng 3 tấn tiêu khô, thấy giá tiêu trên đà xuống thấp, ông quyết định mua thêm 2 tấn bên ngoài với giá 110 ngàn đồng/kg để trữ chờ giá. Tuy nhiên, thay vì tăng thì giá tiêu liên tục xuống dốc khiến ông Vân có nguy cơ thua lỗ nặng. “Không tính tiêu nhà thu hoạch, riêng 2 tấn tiêu tôi mua thêm, với giá bán hiện nay đã lỗ gần 90 triệu đồng”, ông Vân buồn rầu nói.

Cũng theo ông Vân, không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ trồng tiêu trong vùng cũng hoang mang khi giá tiêu liên tục xuống thấp. "Tôi biết có nhiều gia đình khá giả, có điều kiện cũng mua tiêu từ các hộ nông dân khác để tích trữ chờ giá lên. Đặc biệt có hộ như ông Em, lượng tiêu tồn trữ ở nhà và ký gửi kho đại lý lên tới chục tấn. Vì vậy, hàng ngày tụi tôi mở mạng internet coi tin tức, nhưng thấy hệ thống dự báo giá tiêu của mình không bằng người ta", ông Vân chia sẻ.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, phần lớn nông dân trữ tiêu dù đang khá lo lắng do giá xuống thấp, nhưng đến nay vẫn có niềm tin giá tiêu sẽ lên, nên tiếp tục trữ tiêu thay vì phải bán vội, bán tháo để gỡ gạc đồng (vốn) nào hay đồng đó.

Ông Võ Văn Thành, trồng 2ha tiêu tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho biết, gia đình thu hoạch vụ tiêu vừa qua được 7 tấn, bán 5 tấn vào thời điểm đầu tháng 3 giá 120 ngàn đồng/kg, còn lại 2 tấn cất trữ trong nhà cho đến nay. "Giá đã xuống thấp rồi nên tui vẫn sẽ tiếp tục trữ hàng chứ không thể bán lúc này được. Bởi nếu thời điểm này bán ra sẽ chịu lỗ rất nặng. Giờ mình xác định là đã trữ thì trữ tới cùng, dù sắp tới như thế nào đi nữa”, ông Thành khẳng định.


Hồ tiêu trong thời gian chuẩn bị thu hoạch

Hồ tiêu trong thời gian chuẩn bị thu hoạch

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu trong nước bắt đầu có xu hướng sụt giảm vào năm 2016 khi diện tích trồng hồ tiêu có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”. Các nước nhập khẩu tiêu của Việt Nam nắm bắt được điều này nên đang hạn chế nhập khẩu để gây sức ép về giá. Ngoài ra, việc hồ tiêu Việt Nam nhiều lần bị “trả hàng” do bị phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu cũng là lý do khiến các đối tác lợi dụng ép giá.

Theo VPA, Việt Nam đang chiếm gần 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu nên có nhiều lợi thế để điều tiết thị trường. Chính vì vậy, tổ chức này khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, không nên “bán tháo” để tránh làm giá tiêu tiếp tục hạ. Đồng thời, cần tranh thủ bán ra khi giá tiêu có dấu hiệu hồi phục trở lại chứ không nên chờ đến khi giá tiêu quay lại ngưỡng trên 200 ngàn đồng/kg như kỳ vọng.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, ngoài việc khuyến cáo người dân địa phương ngưng mở rộng diện tích, tỉnh còn đang triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo tăng cường chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.

"Trên địa bàn xã có một ít đại lý kinh doanh tiêu bị thua lỗ nặng do phán đoán giá tiêu sẽ tăng nên dốc tiền mua trữ, nhiều người mua vào số lượng lớn khi giá đang ở mức 110 - 130 ngàn đồng/kg. Riêng nông dân theo tôi biết thì họ vẫn đang găm hàng chờ giá nên bây giờ vẫn chưa thể nói là họ lỗ hay lời."

(Ông Nguyễn Hữu Phước, PCT UBND xã Hưng Lộc)

Theo Nhật Vy

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên