MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân trồng tỏi Mỹ mong áp thuế mãi mãi với Trung Quốc

23-05-2019 - 20:12 PM | Thị trường

Không giống như hàng triệu nông dân khác, người trồng tỏi ở Mỹ đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Họ thậm chí tung hô những động thái tấn công mới của Tổng thống Donald Trump đối với Bắc Kinh.

Ngành nông nghiệp duy nhất hưởng lợi từ chiến tranh thương mại

Doanh số bán tỏi có nguồn gốc từ bang California bắt đầu tăng sau hàng thập kỷ chịu lép vế trước hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Doanh số được dự báo ngày càng tăng do tỏi của Trung Quốc bị áp thuế cao hơn khi nhập khẩu vào Mỹ và cuộc thương chiến giữa hai quốc gia chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Trong khi nhiều ngành nông nghiệp khác của Mỹ bị thiệt hại vì chiến tranh thương mại do phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, nông dân trồng tỏi tại Mỹ lại được hưởng lợi khi phụ thuộc rất lớn vào thị trường nội địa.

“Nếu được thì chúng tôi muốn chính sách thuế (của Tổng thống Donald Trump với hàng hóa Trung Quốc) được duy trì mãi mãi”, ông Ken Christopher, Phó Chủ tịch Christopher Ranch, công ty sản xuất – thương mại tỏi lớn nhất tại Mỹ.

Nông dân trồng tỏi Mỹ mong áp thuế mãi mãi với Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.

Tỏi nằm trong danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% từ ngày 9/5. Động thái bất ngờ này của ông Trump đập tan mọi hy vọng rằng hai quốc gia sẽ sớm ký kết một thỏa thuận thương mại song phương.

Ông Trump quyết định tăng thuế cũng vừa hay chỉ còn vài tuần nữa nông dân Mỹ sẽ thu hoạch tỏi.

“Không có thời điểm nào tốt hơn lúc này. Chúng tôi dự đoán nhu cầu tiêu thụ tỏi California tăng mạnh trong vài tuần tới”, ông Christopher nói. Ông cho biết doanh số bán tỏi trong nước tăng 15% trong quý IV/2018 sau khi Mỹ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc hồi tháng 9.

Ông Christopher, 33 tuổi, hiện sở hữu trang trại trồng tỏi rộng gần 2.400 ha tại Gilroy, California. Tháng 7/2018, ông từng tới Washington để kêu gọi chính quyền Mỹ đưa tỏi vào danh sách hàng hóa chịu thuế khi nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tất nhiên, không phải ai cũng ủng hộ việc áp thuế lên mặt hàng tỏi của Trung Quốc. Lãnh đạo của một trong những công ty sản xuất gia vị hàng đầu thế giới, McCormick & Company, đang đau đầu vì vấn đề này.

McCormick cho biết các sản phẩm gia vị của công ty phụ thuộc phần lớn vào tỏi Trung Quốc. “Tỏi Trung Quốc rất khác với tỏi được trồng ở Mỹ. Chúng không thể thay thế cho nhau được”, ông Lawrence Kurzius, CEO của McCormick, cho biết.

Ngoài việc có sự khác biệt về vị, tỏi California thường được bán với giá cao hơn nhiều tỏi Trung Quốc. Giá tỏi California bán buôn hiện vào khoảng 60 USD đối với mỗi hộp nặng 30 pound (hơn 13,6kg), trong khi giá tỏi Trung Quốc là 20 USD trước khi bị tăng thuế lên 25% và 40 USD sau khi bị tăng thuế.

Nông dân trồng tỏi Mỹ mong áp thuế mãi mãi với Trung Quốc - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters.

Lĩnh vực nông nghiệp Mỹ vẫn 'méo mặt'

Việc nông dân trồng tỏi hưởng lợi từ cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc là điều hy hữu trong ngành nông nghiệp của Mỹ.

Năm 2018, Trung Quốc tuyên bố đáp trả bằng việc áp thuế lên nhiều mặt hàng của Mỹ, bao gồm đậu tương, ngô và thịt lợn. Doanh thu của ngành nông nghiệp tại các bang thuộc khu vực trung tây và trung nam Mỹ liên tục giảm cho tới quý I, theo số liệu khảo sát của các ngân hàng khu vực.

Nông dân trồng đậu tương ở khu vực trung tây nước Mỹ ngán ngẩm nhìn đậu tương ế chất đống trong kho do tất cả khách hàng Trung Quốc dừng mua. Trong khi đó, nông dân trồng một số loại cây đặc sản, như cherry, cũng phải hối hả đi tìm thị trường thay thế sau khi bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu.

Ông Jamie Johansson, chủ một trang trại trồng ôliu cũng là chủ tịch hiệp hội nông nghiệp California, cho biết chính quyền ông Trump đã đẩy nông dân vào cuộc chiến với 4 trong 5 thị trường tiêu thụ hàng đầu của nông sản do bang này sản xuất.

“Trong 36.000 thành viên của hiệp hội, tôi chưa thấy ai được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại và chính sách thuế quan này cả”, ông Johansson nói.

Để hỗ trợ nông dân trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc leo thang, Mỹ từng triển khai gói viện trợ tài chính 12 tỷ USD cho ngành nông nghiệp trong năm ngoái. Ông Trump gần đây cam kết sẽ tăng mức hỗ trợ cho nông dân thêm 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, số tiền này có vẻ vẫn chưa là gì so với những thiệt hại mà nông nghiệp Mỹ phải chịu gần hai năm chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Theo Reuters

Theo Phan Vũ

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên