NÓNG: Đề nghị tiếp tục chi 1.155 tỉ đồng hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Tính đến ngày 31-12-2021, gần 12,97 triệu người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, không có sai sót hồ sơ được chi trả 30.800 tỉ đồng. Số tiền được trích từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (dự toán ban đầu cho phép dùng 30.000 tỉ đồng).
- 11-07-2022Chính phủ đề nghị chuyển đổi hơn 1.000 ha rừng để làm cao tốc Bắc - Nam phía Đông
- 11-07-2022IMF nhận định thế nào về tăng trưởng GDP và lạm phát của Việt Nam?
- 11-07-2022Cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu được xếp là cảng biển loại đặc biệt
Báo cáo tình hình hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 (gói 38.000 tỉ đồng), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, đến 31.3.2022, có trên 346.000 doanh nghiệp, tương ứng với 11,47 triệu lao động được điều chỉnh giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền khoảng 4.426 tỉ đồng.
Về chính sách hỗ trợ người lao động, tính đến ngày 31-12-2021, gần 12,97 triệu người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, không có sai sót hồ sơ được chi trả 30.800 tỉ đồng. Số tiền được trích từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (dự toán ban đầu cho phép dùng 30.000 tỉ đồng). Theo đánh giá, chính sách này rất kịp thời, bám sát thực tiễn, đúng đối tượng, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chính sách đã hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Việc triển khai thực hiện chính sách minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ.
Dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có nên việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn. Đến nay, việc xác định số giảm đóng cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và việc giải quyết hỗ trợ cho người lao động về cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, trong quá trình xây dựng chính sách do chưa xác định rõ đối tượng tại các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập trong cơ quan nhà nước gặp khó khăn. Hơn nữa, chính sách này được xây dựng và ban hành trong bối cảnh đặc biệt, cấp bách để kịp thời hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, dẫn đến việc dự báo người lao động hưởng chính sách chưa sát thực tế, nên khi triển khai, số tiền chi trả vượt mức quy định.
Sau ngày 31-12-2021 (thời điểm hoàn thành hỗ trợ), vẫn còn hơn 414.000 lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng hạn, nhưng chưa được chi trả số tiền khoảng 1.155 tỉ đồng. Nguyên nhân là hồ sơ đề nghị vào hạn chót (ngày 20-12-2021), quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp của nhiều người phức tạp, nhân thân của người lao động chưa chính xác nên cần xác minh thêm, sai thông tin số tài khoản ngân hàng…Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra một số đơn vị sử dụng lao động đặc thù gửi danh sách đề nghị hưởng mà chưa kịp rà soát, kiểm tra, hoàn thiện thông tin đề nghị hưởng hỗ trợ của người lao động.
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ với lao động đã nộp hồ sơ đề nghị theo đúng thời hạn quy định (chậm nhất ngày 20-122021). Thời gian chi trả là 2 tháng kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện hỗ trợ. Việc tiếp tục chi hỗ trợ sẽ đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, nguyên tắc chia sẻ chính sách bảo hiểm thất nghiệp và công bằng; tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cho thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 31-12-2021 là trên 60.600 tỉ đồng, dự toán thu năm 2022 hơn 21.870 tỉ đồng trong khi chi là 26.740 tỉ đồng. Do đó, nếu tiếp tục chi trả cho lao động đã nộp hồ sơ đề nghị theo đúng thời hạn quy định của nghị quyết 03 với số tiền 1.155 tỉ đồng thì quỹ vẫn đảm bảo an toàn.
Người Lao Động