MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nóng điên người": Điều hòa giá có 900 nghìn mà người dân ở đây cũng mua tuốt - Không chịu nổi nữa rồi!

11-04-2024 - 08:22 AM | Thị trường

"Điều hòa phát ra tiếng ồn, đôi khi còn thổi ra đầy bụi", người thợ cho biết. Nhưng anh không thể làm được gì nếu không có chiếc máy làm mát.

Khi cái nóng gay gắt bao trùm thủ đô Ấn Độ giữa mùa hè, Ramesh cảm thấy mệt mỏi nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc cực nhọc dưới cái nắng như thiêu đốt để chu cấp cho gia đình.

"Cái nóng ngày càng khiến người ta không chịu nổi", người thợ nề 34 tuổi nói với CNN. "Nhưng không có lựa chọn nào khác, chúng tôi vẫn phải làm việc".

Ramesh sống với cha mẹ, ba anh trai, một chị dâu và ba đứa con, ở vùng ngoại ô đông đúc phía tây Delhi, thành phố gây chú ý trong những năm gần đây khi nhiệt độ thường xuyên tăng đến mức nguy hiểm.

Khi nhiệt độ lên tới 40 độ C – trường học đóng cửa, mùa màng ảnh hưởng và gây áp lực lên nguồn cung cấp năng lượng – nắng nóng cũng khiến gia đình anh gặp vấn đề sức khỏe.

Ramesh, cho biết anh đã vay người thân 35 USD (gần 900 nghìn) - gần nửa số tiền lương hàng tháng - để mua một chiếc điều hòa cũ cho nhà mình.

"Nó gây ra tiếng ồn, đôi khi còn thổi ra đầy bụi", anh nói. Nhưng người thợ cho biết không thể làm được gì nếu không có máy lạnh.

Theo các chuyên gia khí hậu, đến năm 2050, Ấn Độ sẽ là một trong những nơi đầu tiên có nhiệt độ vượt qua giới hạn khả năng sống sót của con người. Và trong khung thời gian đó, nhu cầu về máy điều hòa không khí trong nước cũng dự kiến sẽ tăng gấp 9 lần, vượt xa tất cả các thiết bị khác, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Tình thế khó khăn của Ramesh gói gọn trong nghịch lý mà đất nước đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ dân này đang phải đối mặt: Ấn Độ càng nóng và giàu có thì người Ấn Độ càng sử dụng điều hòa nhiệt độ. Và họ càng sử dụng điều hòa thì đất nước lại càng nóng hơn.

Nhiệt độ kinh hoàng

Phần lớn dân số Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào điều hòa để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong khi đó, các khu vực nhiệt đới phía Nam của đất nước thường xuyên nóng quanh năm.

Theo một nghiên cứu năm 2021 về thời tiết khắc nghiệt trên tạp chí Weather and Climate Extremes, trong 5 thập kỷ qua, đất nước này đã trải qua hơn 700 đợt nắng nóng cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người.

Chỉ riêng tháng 6 vừa qua, nhiệt độ ở một số vùng trên cả nước đã tăng vọt lên 47 độ C, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hàng trăm người mắc các bệnh liên quan đến nhiệt.

Và đến năm 2030, Ấn Độ có thể chiếm 34 triệu trong số 80 triệu việc làm toàn cầu bị mất do nhiệt độ cực đoan, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 12/2022.

Điều này khiến hàng triệu người gặp rủi ro ở một quốc gia nơi hơn 50% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở phía bên kia, khi thu nhập tăng lên đều đặn và dân số thành thị bùng nổ, quyền sở hữu máy điều hòa cũng tăng với tốc độ đáng kể.

Theo IEA, mức tiêu thụ điện ở Ấn Độ từ hoạt động làm mát – bao gồm máy điều hòa không khí và tủ lạnh – đã tăng 21% từ năm 2019 đến năm 2022. Đến năm 2050, tổng nhu cầu điện từ máy điều hòa không khí dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng lượng điện tiêu thụ ở toàn châu Phi hiện nay.

Nhưng nhu cầu này cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Giống như tủ lạnh, nhiều máy điều hòa không khí ngày nay sử dụng một loại chất làm mát gọi là hydrofluorocarbons, hay HFC, là loại khí nhà kính có hại. Thêm vào đó, máy điều hòa có xu hướng sử dụng lượng điện lớn, vốn được tạo ra do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Ấn Độ

Ấn Độ vẫn đang vật lộn với tình trạng nghèo đói lan rộng, đồng thời chi hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị, vì nước này phải đối mặt với những thách thức lâu dài trong việc cải thiện mức sống.

Các chuyên gia cho biết, việc hạn chế lượng khí thải liên quan đến việc làm mát có thể được coi là một rào cản tiềm tàng đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ấn Độ đang tìm kiếm các phương án khác nhau để cân bằng giữa việc sử dụng điều hòa mà vẫn giảm thiểu tác động môi trường.

Trồng cây để hấp thụ ánh sáng mặt trời, các vùng nước, sân trong nhà, nhằm thúc đẩy quá trình làm mát và thông gió thông minh là một trong những "chiến lược làm mát thụ động" bền vững được các chuyên gia đề xuất.

Ngoài ra, lắp đặt quạt trần trong các tòa nhà có thể giảm hơn 20% mức tiêu thụ năng lượng làm mát của hộ gia đình.

Nếu thành công, các biện pháp làm mát thụ động có thể hạn chế nhu cầu làm mát xuống 24% vào năm 2050, tiết kiệm 3 nghìn tỷ USD và giảm lượng khí thải nhà kính tương đương 1,3 tỷ tấn carbon dioxide.

Ấn Độ cũng hứa sẽ giảm 20-25% nhu cầu năng lượng cho mục đích làm mát vào năm 2038 theo kế hoạch hành động được công bố vào năm 2019, đồng thời vẫn tập trung phát triển và thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí phù hợp với mục tiêu kinh tế của mình.

Bất chấp những kế hoạch đề ra, sự bùng nổ điều hòa nhiệt độ của Ấn Độ đã hiện diện ở hầu hết mọi ngóc ngách đô thị của đất nước.

Hàng trăm công trường xây dựng nằm rải rác khắp thủ đô, nơi người lao động làm việc cật lực để xây những tòa tháp cao tầng lấp lánh cho tầng lớp trung lưu đang phát triển của New Delhi.

Penta Anil Kumar, một doanh nhân sống ở Lajpat Nagar, một khu phố nhộn nhịp phía nam Delhi, cho biết ông nhận thức được khí thải độc hại thải ra từ máy điều hòa và đã ý thức trong việc mua một mẫu máy tiết kiệm năng lượng.

"Mặc dù tôi biết việc sử dụng máy điều hòa không khí đang góp phần làm nhiệt độ tăng cao nhưng bản thân tôi không thể làm gì khác", ông thừa nhận.

Kumar nằm trong số những người may mắn khi có thể mua được một mẫu điều hòa đắt tiền.

Ghasiram, một người lao động 65 tuổi đến từ khu Rohini ở Delhi, đã trả cho nhà thầu 36 USD để mua một chiếc máy điều hòa cũ cho gia đình. Nhưng số tiền này còn nhiều hơn số tiền anh kiếm được trong một tháng.

Ghasiram thừa nhận không biết khí thải từ máy điều hòa một phần là nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao dẫu cho chính anh đang phải gánh chịu hậu quả.

"Nắng nóng ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những năm qua. Khi phải ra ngoài làm việc dưới trời nắng nóng, tôi cảm thấy lo lắng. Tôi chỉ muốn ở trong nhà".

Theo Mạnh Kiên

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên