MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp Việt Nam học được gì từ Trung Quốc ?

Là một trong những quốc gia đông dân bậc nhất thế giới, đảm bảo an ninh lương thực với Trung Quốc là bài toán khó. Quốc gia này, trong các chính sách của mình, luôn đặt trọng tâm vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, thúc đẩy, hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ là chìa khoá.

Chia sẻ tại hội thảo gần đây, ông Li Ninghui Viện Kinh tế và Phát triển nông nghiệp, Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp thực tế quốc trung bình hàng năm của quốc gia này giai đoạn 1978 – 2016 là 4,49%.

Dân số Trung Quốc đã đạt 1,39 tỷ người trong năm 2017 và dự kiến đạt gần 1,43 tỷ người vào năm 2020.

Điều này khiến cho nhu cầu lương thực tăng mạnh. Trung Quốc được dự đoán sẽ sẽ là nước có lượng tiêu thụ thịt và ngũ cốc nhiều nhất thế giới trong những thập kỷ tới.

Do vậy, quốc gia tỷ dân này đang tham gia tích cực hơn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa cung, cầu tại thị trường nội địa cũng như thị trường thế giới.

Theo ông Li Ninghui, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số chiến lược cụ thể. Đơn cử tăng sản lượng ngũ cốc quốc gia, trong đó, tập trung vào lúa mì, gạo và ngô. Việc sản xuất này dựa trên phát triển nông nghiệp bền vững, được quyết định bởi các nhân tố thị trường, môi trường thương mại trong nước, quốc tế tự do, phát triển liên kết vùng...

Dù vậy, giá cả của các hàng hóa nông nghiệp trên thế giới vẫn ảnh hưởng đến an ninh lương thực và hiệu quả kinh tế tổng thể của nước này. Bên cạnh đó, nền lương thực Trung Quốc còn bị phụ thuộc vào mức độ tự do hóa tại thị trường trong nước. Do đó, các vấn đề chính sách và lựa chọn mà quốc gia này đối mặt rất phức tạo, theo ông Li Ninghui.

Một trong những giải pháp được đề ra là Chính phủ đã có sự hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp, tập trung vào nghiên cứu khoa học và công nghệ.

"Chính phủ đang ưu tiên cao cho sự phát triển nông nghiệp trong thời gian dài", ông Li nói.

Ví dụ, nếu năm 2006, ngân sách chi tiêu tổng thể cho nông nghiệp là 216,14 tỷ NDT (Chính phủ trung ương là 19,44 tỷ NDT, Chính phủ địa phương là 196,7 tỷ NDT) thì đến năm 2017, ngân sách đã là 1.908,9 tỷ NDT (trung ương 70,87 tỷ NDT, địa phương là 1.838,03 tỷ NDT).

Ở Trung Quốc, các cơ quan chính cho nghiên cứu khoa học, công nghiệp là các doanh nghiệp và tổ chức thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Số lượng nghiên cứu viên hiện duy trì ở mức ổn định hơn 720.000 người.

Mặc dù vậy, ông Li cho biết ngày càng có nhiều hoạt động nghiên cứu trong các công ty tư nhân, trường đại học...

Bên cạnh chuẩn bị yếu tố con người, để đảm bảo an ninh lương thực, quốc gia tỷ dân đã có sự chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, tập trung vào nông nghiệp bền vững. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật giúp nước này nâng cao năng suất lao động, đạt hiệu quả cao.

Nông dân cũng là một trong những đối tượng được lưu tâm. Chính phủ Trung Quốc đã có chính sách đô thị hóa ở cấp quận, tạo ra việc làm cho các lao động nông thôn dư thừa trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Điều này nhằm đảo bảo nông dân không bị bỏ lại phía sau, được tăng thu nhập trong quá trình vận động, phát triển của cả ngành.

Kinh tế nông thôn vì vậy được chú trọng hội nhập với kinh tế đô thị. Ông Li cho Trung Quốc đã từng bước xóa bỏ sự khác biệt của hệ thống đăng ký cư trú giữa người thành thị và nông thôn, tập trung vào cơ hội phát triển bình đẳng.

Nhờ vậy, nước này đã thu được những thành tựu trong khoa học và công nghệ nông nghiệp như sản xuất ra giống siêu lúa, vaccin động vật,... Bên cạnh đó, những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều sự chuyển giao và mở tộng kết quả nghiên cứu. Nhờ vậy, những nhà khoa học được hưởng lợi nhiều hơn từ chất xám của họ.

"Khoa học và công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc đang tiến lên hàng ngũ tiên tiến trên thế giới", ông Li Ninghui nhấn mạnh.

Thu Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên