Nông sản đi Trung Quốc: Từ vườn đến biên giới - Đường dài khổ ải
Mặc dù đã có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, nhưng hành trình nông sản Việt từ vườn đến thị trường Trung Quốc vẫn gặp vô số những rào cản, không khác gì một cuộc chiến.
- 09-09-2019Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước
- 04-09-2019Thị trường ngày 4/9: Dầu thấp nhất 1 tháng, vàng cao nhất 6 năm, nông sản đồng loạt giảm giá
- 01-09-2019EU thay đổi quy định về kiểm dịch thực vật đối với nông sản nhập khẩu
Chi phí trung gian hoa quả Việt Nam đi Trung Quốc vẫn đang còn quá nhiều. Ảnh: HA. |
Vì sao giá hoa quả Việt Nam ở thị trường Trung Quốc khá cao nhưng bất cập ở chỗ cả người nông dân lẫn người tiêu dùng đều không được lợi? Tất cả những doanh nghiệp chúng tôi tiếp xúc ở Bằng Tường đều kiến nghị: Các bạn phải giảm thiểu tối đa chi phí trung gian, bởi chính những chi phí trung gian này vừa o ép người nông dân Việt Nam lại vừa đè nặng lên các doanh nghiệp nhập khẩu ở Trung Quốc.
Chi phí trung gian hàng chục triệu đồng
Tìm hiểu về những khoản chi cho một chuyến hàng từ vườn đến khu vực biên giới, nhóm PV NNVN đã tiếp xúc với nhiều tài xế chuyên chạy hoa quả từ các tỉnh Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long sang Trung Quốc. Tất cả họ đều tỏ ra ngán ngẩm bởi vô số các khoản chi.
“Để đi từ ruộng dưa ở Quảng Ngãi sang đến Pò Chài, Trung Quốc, tính cả lượt đi lẫn về tốn khoảng 30 triệu”, tài xế xe tải Nguyễn Tiến Tùng, kể.
Hơn 20 năm chạy xe chở hoa quả cho các chủ hàng Việt Nam hoặc Trung Quốc, từng khúc cua, từng chốt CSGT, hải quan, biên phòng, Tùng đều thuộc như lòng bàn tay, tính riêng quãng đường từ Quảng Ngãi đến Lạng Sơn, sau đó qua cửa khẩu sang bên kia biên giới.
Với một chiếc xe tải được phép chở 20 tấn hàng, Tùng nhẩm tính như sau: Phí đường bộ từ Quảng Ngãi đến Lạng Sơn hết khoảng 2,4 triệu đồng phí cầu đường. Trước kia, khi trạm thu phí ở Tào Xuyên (Thanh Hóa) và Cầu Rác (Hà Tĩnh) còn hoạt động, thì phí cầu đường còn tốn kém hơn. Phí xăng dầu 5 triệu đồng. Tiền bến bãi cho người qua, xe qua cửa khẩu để sang đất Trung Quốc hết hơn 4 triệu đồng.
Trong khi đó, ở Trung Quốc chỉ thu phí bến bãi với xe Việt Nam khoảng 2 triệu đồng, tiền lưu xe hết 200.000 đồng mỗi đêm.
Đó là còn chưa kể các khoản “chung chi” dọc đường. “Xe chở đúng tải, còn đăng kiểm, đăng ký, giấy tờ đầy đủ vẫn mất thêm 3 triệu đồng để tới được Lạng Sơn. Xe chở quá tải thì chung chi nặng hơn nhiều”, Tùng nói.
Trong những ngày ở biên giới, tiếp xúc với giới lái xe, chúng tôi nhận thấy khoản thu khiến họ bức xúc nhất là "phí bến bãi". Riêng ở bãi Xuân Cương, cửa khẩu Hữu Nghị, lái xe dù muốn dù không vẫn phải đóng 600.000 đồng/lượt để được làm thủ tục hải quan.
"Chả nói riêng dưa, vào vụ hoa quả, xe xếp hàng dài hàng km từ các cửa khẩu, làm gì có thời gian mà vào bến. Thực tế là vô số xe không thể vào nổi. Tài xế phải để xe nằm trên đường, mang giấy tờ vào gặp người của bãi Xuân Cương, nộp đủ 600.000 đồng để được hải quan đóng dấu. Đấy là tiền nộp cho bãi, còn phí thủ tục cho hải quan vẫn chưa tính nhé", Tùng nói.
Một vài cán bộ Lạng Sơn khi được chúng tôi nêu vấn đề, đều trả lời với nụ cười: “Thì nộp vào ngân sách tỉnh”.
Chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, về việc nếu buộc phải có bến bãi, vì sao không đấu thầu mà lại chỉ định thầu cho doanh nghiệp Xuân Cương. Một cán bộ của Ban Quản lý này trả lời: “Lạng Sơn là tỉnh vùng cao, nhiều khó khăn. Mời doanh nghiệp vào họ còn chẳng đến, có doanh nghiệp chịu đứng ra làm là tốt rồi, đấu thầu gì nữa”.
Tuy nhiên, thực tế chúng tôi ghi nhận được lại khác hẳn. Bằng chứng là chỉ ở gần cửa khẩu Tân Thanh, các thương lái Việt Nam cho biết có tới 5 bến bãi. Doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy nguồn thu cực lớn từ việc làm bến.
“Phải có quan hệ, mời được hải quan vào lập trụ sở trong bến, quan trọng là giấy tờ hải quan để xuất được hàng. Có bến rộng gấp mấy lần của Xuân Cương đấy, nhưng hải quan không vào, nên bến bãi rộng đẹp cũng ế sưng xỉa”, một chủ doanh nghiệp nhiều năm làm về xuất nhập khẩu hoa quả ở Lạng Sơn, cho biết.
Thế lực ngầm o ép
Quay lại câu chuyện của Tùng, tài xế nhiều năm kinh nghiệm tâm sự rằng lắm lúc chỉ muốn buông bỏ vô lăng, sang Pò Chài làm “cai” cửu vạn.
“Xe sang đến Pò Chài, phía Trung Quốc tạo điều kiện để hai xe đấu đuôi vào nhau, cửu vạn lên bốc hàng từ xe này sang xe khác. Nếu chưa có xe thì bốc xuống có chỗ chứa hàng tạm, có kho lạnh, đợi xe Trung Quốc đến lại bốc lên. Có điều muốn yên ổn thì phải nộp bồi dưỡng cho cai”, Tùng kể.
Giá “bồi dưỡng” ngày thường với mỗi xe từ 15 đến 30 tấn là 2 - 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến trước và sau tết, các “cai” bảo nhau hét giá 7 - 8 triệu mỗi xe.
Giáp tết, và đặc biệt là các chuyến mở hàng đầu năm sau Tết Nguyên đán, các chủ hàng buộc phải chi 10 triệu cho các “cai”, nếu không muốn gặp đủ chuyện rắc rối.
Cửu vạn Việt Nam ở Chợ hoa quả Bằng Tường. Ảnh: HA. |
Nhóm PV NNVN tiếp cận với một nhóm cửu vạn người Việt đang hoạt động ở Chợ hoa quả Bằng Tường. Những người này tiết lộ, họ được các đầu cai thuê bốc vác với giá 1 tệ một thùng hàng. “Đúng là vào mùa vụ cao điểm, giá cửu vạn tăng lên, thậm chí giá các chủ hàng miền Nam cao hơn chủ hàng miền Bắc, tuy nhiên, việc o ép chủ hàng là do các đầu cai, còn cửu vạn chúng tôi không được lợi gì”, H, cửu vạn quê ở Lạng Sơn chia sẻ.
Chị Lan, một thương lái người Hoa gốc Việt, 25 năm kinh doanh hoa quả tại Pò Chài, kể rằng đội cửu vạn ở đây khoảng 1.000 người, 100% dân Việt. Số cửu vạn này làm việc cho khoảng 40 - 50 "cai". Các "cai" sẽ đứng ra họp bàn, đặt mức "bồi dưỡng" ép các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ.
"Ép doanh nghiệp Trung Quốc thì không dám, bởi ở trên đất của họ mà. Cảnh sát Trung Quốc họ cũng không can thiệp. Một là vì không ai dám đứng ra kiện, hai là chuyện giữa người Việt với nhau", chị Lan nói.
Cánh tài xế đánh hàng sang Pò Chài, đa phần dân miền Nam, nên cũng e sợ chẳng dám lên tiếng. Họ nói chưa biết kiện cáo được gì không, chỉ sợ kiện xong sau này không dám đặt chân đến đất Lạng Sơn.
Thang Thành Vĩ, Chủ tịch Hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, cho chúng tôi biết cơ quan chức năng phía Trung Quốc từng nhiều lần cảnh báo, song các "cai" người Việt tại Pò Chài vẫn không thay đổi. Những thương nhân Trung Quốc đưa chúng tôi đến bãi bốc xếp của chợ hoa quả Bằng Tường. Hầu hết bốc vác ở đây đều là người Việt. Có cả đầu cai, bảo kê thu phí bốc vác. Thực trạng suốt bao nhiêu năm nay những chủ hàng từ phía Việt Nam sang thường bị bắt chẹt, o ép, buộc phải nôn tiền nếu muốn hàng được chuyển đi nhanh chóng. Hàng loạt băng rôn cảnh báo về hoạt động bảo kê được dán ở khắp mọi nơi.
"Toàn người Việt với nhau, chúng tôi muốn xử lý cũng rất khó. Ở Trung Quốc thì không có chuyện đó đâu, tù nặng lắm, phạt nặng lắm, không ai có gan", ông Thang nói.
Tình trạng này diễn ra nhiều năm, khiến giới thương lái và cánh tài xế chuyển hướng sang chạy qua các cửa khẩu tại Lào Cai hoặc Móng Cái, Quảng Ninh hơn. Bởi đơn giản ở đó không có chuyện "cai" đứng ra ăn chặn trắng trợn như ở Pò Chài.
"Thanh long tính theo sọt, dưa hấu tính theo xe", gần như là luật bất thành văn trong giới cửu vạn ở Pò Chài. Bình quân mỗi sọt hàng thanh long khoảng 30kg, họ sẽ được trả 1 nhân dân tệ cho việc dỡ hàng từ xe Việt Nam xuống, rồi đưa lên xe Trung Quốc. "Biết là họ ăn cả hai đầu đấy, nhưng toàn người Việt ép nhau thì chúng tôi biết làm thế nào. Giá lên cao thì cả làng thương lái phải chịu, cũng uất, cũng khổ mà không làm gì được", chị Lan nói.
Thời gian qua, việc hàng nghìn thương lái Trung Quốc vào tận các vựa hoa qua mua bán trực tiếp với người nông dân được xem là một giải pháp tạm thời hạn chế được rất nhiều chi phí trung gian của những lô hàng hoa quả xuất đi Trung Quốc.
Tuy nhiên, để hỗ trợ người nông dân, các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản ở Trung Quốc đề xuất thành lập thêm các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ để thông tin kịp thời giá cả, thị trường, chỉ có như vậy với giảm thiểu các khoản chi phí trung gian.
"Chúng tôi hi vọng nông dân Việt Nam được hỗ trợ đủ thông tin để trực tiếp đưa sản phẩm của mình vào thị trường Trung Quốc", Lăng Tinh Cương, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á nói.
Nông nghiệp Việt Nam