MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông sản Việt "mất đường" sang Trung Quốc vì virus corona

30-01-2020 - 14:49 PM | Thị trường

Ít nhất hàng trăm xe container trái cây vận chuyển sang Trung Quốc buộc phải quay đầu trở về vì các cửa khẩu tạm thời đóng để ngăn ngừa dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.

Kéo dài lịch đóng cửa khẩu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thông thường, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm thường rất sôi động, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây. Do đó, theo lịch được thông báo từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý, phía Trung Quốc sẽ chính thức mở cửa khẩu để giao dịch hàng hóa vào ngày 31-1.

Tuy nhiên, do những diễn biến mới của dịch cúm corona, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) đã có thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường từ ngày 31-1 đến hết ngày 8-2 và sẽ chính thức mở cửa vào ngày 9-2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa vào ngày 3-2). Như vậy, từ trước Tết âm lịch đến nay, các cửa khẩu vẫn trong tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã lâm vào tình trạng khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Chánh Thu (chuyên xuất khẩu trái cây), cho biết hàng trăm container trái cây, nhất là thanh long, vận chuyển sang Trung Quốc vào thời điểm này phải quay đầu trở về. Một số chấp nhận bán tháo tại Hà Nội, số khác chọn cách bóc cơm để chế biến. "Chúng tôi đang bị tổn thất nặng nề, hàng tồn kho rất nhiều, không biết phải xử lý như thế nào. Do đó, rất cần có giải pháp hỗ trợ để chúng tôi vượt qua khó khăn, nông dân và các doanh nghiệp cũng phải cùng nhau chia sẻ rủi ro này" - bà Hồng nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, cũng xác nhận việc tạm dừng xuất nhập khẩu qua đường biên giữa Trung Quốc với Việt Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, mọi hoạt động thương mại đều bị tê liệt, đình trệ. Bị ảnh hưởng ặng nề nhất là các mặt hàng nông sản như rau củ, trái cây, đặc biệt là các nhóm nông sản có thời gian bảo quản ngắn ngày.

Đáng nói, giá nông sản bị "rớt" thảm hại. Ông Nguyễn Đình Tùng dẫn chứng trái thanh long ruột đỏ trước Tết âm lịch có giá hơn 40.000 đồng/kg, nay giảm còn 10.000 đồng/kg nhưng cũng không có ai hỏi mua. "Nguyên nhân là bởi thanh long ruột đỏ có thời gian bảo quản ngắn nên phải bán tháo, giá tụt rất nhanh. Không riêng thanh long, nhiều loại trái cây khác như xoài vỏ mỏng, chôm chôm, sầu riêng, mít… chỉ bảo quản được dưới 15 ngày cũng bị mất giá thảm hại. Chỉ trái cây có thời gian bảo quản từ 30 ngày trở lên mới đỡ bị ảnh hưởng do được đưa vào kho lạnh chờ cửa khẩu thông thương trở lại" - ông Tùng phản ánh.

Nông sản Việt mất đường sang Trung Quốc vì virus corona - Ảnh 1.

Khoai lang tím ở Vĩnh Long gần như bít đường sang Trung Quốc, trong khi thị trường nội địa lại khó tiêu thụ

Cần chủ động ứng phó

Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cũng bày tỏ lo lắng khi thông tin mở cửa cửa khẩu vào 9-2 có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào do chưa lường hết được diễn biến của dịch cúm corona. Ngoài ra, dịch cúm corono từ Trung Quốc còn gây tác động đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ bởi người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới hạn chế đi lại mua sắm, gây ảnh hưởng đến sức tiêu thụ không ít mặt hàng.

Do đó, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng doanh nghiệp cần phải thận trọng cũng như có giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc mở cửa trở lại. "Chẳng hạn, các mặt hàng nông sản khác như gạo tuy có ảnh hưởng nhưng không quá lớn như rau củ, trái cây và có thể chủ động tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ" - ông Tùng nêu ý kiến.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, để tránh ảnh hưởng đến tốc độ thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu biên giới, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hộ nông dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan cần cập nhật thông tin về lịch đóng - mở cửa khẩu để điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại các khu vực này, nhằm bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép giá.

Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo các hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc (như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng…) để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh các tác động bất lợi.

"Đồng thời, thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu để tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như thời gian qua" - đại diện Cục Xuất nhập khẩu lưu ý thêm.

Trong quá trình thực hiện giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, nếu có phát sinh vướng mắc, doanh nghiệp có thể phản ánh về Cục Xuất nhập khẩu (theo địa chỉ email: linhntm@moit.gov.vn, huyenngt@moit.gov.vn) để kịp thời trao đổi thông tin và phối hợp điều tiết hoạt động xuất khẩu hàng hóa khi cần thiết.

Đối tác Trung Quốc ngưng mua hàng

Sáng 30-1 (nhằm mùng 6 Tết), ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp dịch vụ Thanh Ngọc (xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), cho biết: "Trong mấy ngày Tết vừa qua, bạn hàng bên Trung Quốc gọi sang nói ngừng mua khoai lang tím Nhật vì dịch corona đang diễn biến phức tạp và không biết bao giờ họ sẽ mua lại".

Huyện Bình Tân là nơi trồng khoai lang tím Nhật lớn nhất ở Vĩnh Long và xuất khẩu chủ yếu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo lời ông Luận, vào thời điểm thu hoạch rộ, mỗi ngày HTX xuất sang Trung Quốc khoảng vài chục tấn khoai lang tím Nhật. Tình hình này hiện nay khiến nhiều nông dân lo lắng vì loại khoai lang này không được thị trường nội địa ưa chuộng.

Chung tình hình này, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở bưởi da xanh Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), thông tin do ảnh hưởng của dịch corona nên bưởi da xanh của cơ sở ông đã ngưng xuất sang Trung Quốc. "Ngày thường, nửa tháng cơ sở đưa bưởi da xanh sang Trung Quốc khoảng vài trăm kg. Nhưng cách đây vài ngày, nhiều mối bên đó gọi nói không lấy hàng nữa vì dịch bệnh. Năm nay, dịp Tết bưởi da xanh giá không cao, từ 37.000-40.000 đồng/kg và hiện bưởi còn tồn kho rất nhiều" - ông Hưng nói.

Trước diễn biến phức tạp của dịch corona ở Trung Quốc, 23 nhà kho ở Long An và Tiền Giang đã tổ chức họp khẩn để giải quyết tình hình tiêu thụ thanh long sang thị trường Trung Quốc. Phần lớn khách hàng ở Trung Quốc đều không nhận hàng do các quy định về hạn chế đi lại và đóng cửa một số cửa khẩu nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh.

Trước Tết Nguyên đán 2020, các nhà kho đặt cọc mua thanh long của nông dân với giá 30.000-32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình tiêu thụ bên Trung Quốc rất khó khăn nên giá đã thấp hơn rất nhiều. Những nhà kho này đã thống nhất tạm ngưng mua thanh long của thương lái và nông dân mà các nhà kho đã đặt cọc trước đó, bắt đầu từ mùng 3 đến mùng 10 Tết (từ ngày 27-1 đến ngày 3-2). Tuy không nhận mua nhưng những nhà kho này vẫn sẽ hỗ trợ cho thương lái và nông dân là 5.000 đồng/kg thanh long.

Ca Linh

Theo Nguyễn Hải - Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên