MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2,78 tỉ USD: xuất gạo bằng với nhập thức ăn chăn nuôi

04-12-2013 - 09:53 AM |

Kết quả xuất nhập khẩu nông sản trong 11 tháng đầu năm 2013, theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã cho thấy nghịch lý đầy xót xa này.

Trong khi xuất khẩu gạo 11 tháng qua ước đạt 6,29 triệu tấn, thu về khoảng 2,78 tỉ USD, thì giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong cùng thời gian cũng đạt mức 2,78 tỉ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm trước. Nếu các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu mừng với những thành tích đạt được thì người nông dân trực tiếp sản xuất lại ở trong một tâm trạng hoàn toàn ngược lại.

Thế “cân bằng” đáng buồn này được bộ NN&PTNT lý giải rằng: Nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh do nhu cầu của ngành chăn nuôi trong nước tăng. Điều này đã được ghi nhận từ đột biến năm 2012, khi nhập khẩu nhóm hàng này đạt khoảng 755 triệu USD, tăng 57,8% so năm 2011. Đây được xem là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng cao nhất trong năm 2012.

Tuy nhiên, cũng trong năm 2012, tỷ lệ nghịch với đà tăng trưởng nhập khẩu ngành hàng thức ăn chăn nuôi, giá heo hơi, gia cầm, cá tra… ở thị trường nội địa giảm thê thảm khiến không ít người chăn nuôi điêu đứng, phá sản. Năm nay, giá heo hơi theo ghi nhận cũng đã tăng gấp đôi so vài năm trước, nhưng người chăn nuôi vẫn “méo mặt” vì tiếp tục lỗ trong suốt ba quý đầu năm. 

Thực tế đó càng làm tủi phận hơn cho hạt gạo Việt, trong khi hàng triệu nông dân đã phải bán lúa dưới mức giá thành liên tục nhiều vụ thu hoạch, người chăn nuôi lại phải mua thức ăn nuôi tăng cao gấp bốn lần trong vòng ba năm gần đây.

Thực tế này khiến mục tiêu vực dậy ngành chăn nuôi ở khu vực sản xuất lúa như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là điều không dễ thực hiện. Nhất là khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70 – 80% giá thành, không giúp người chăn nuôi kiếm ra đồng tiền lời, bởi sản phẩm của họ còn phải đối đầu với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. 

Chính vì vậy, kết quả điều tra chăn nuôi ở tỉnh Đồng Tháp thời điểm đầu quý 4 năm nay cho thấy địa phương này đã giảm gần 21.900 con so năm 2012. Tại tỉnh Trà Vinh, kết quả điều tra mới nhất cũng cho thấy, đàn heo giảm chỉ còn khoảng 376.700 con, các huyện: Cầu Kè, Châu Thành, Duyên Hải đã giảm quy mô đàn heo nuôi xuống mức 22 – 33%. 

Riêng tỉnh Cà Mau, nơi xa xôi nhất so với các tỉnh ĐBSCL trong việc tiếp cận các nguồn thịt nhập khẩu thay thế, đàn heo ở thời điểm này đã giảm hơn 10% so cùng kỳ.

Để duy trì nhịp thở cho ngành chăn nuôi, biện pháp đã được nhìn thấy là chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó có cây nguyên liệu phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, giảm nhập khẩu. 

Theo cục Trồng trọt – bộ NN&PTNT, đề án quy hoạch nông nghiệp đến năm 2020 đề ra mục tiêu tổ chức trồng khoảng 350.000ha cây đậu nành; cả vùng ĐBSCL cũng phải duy trì khoảng 100.000ha đất trồng bắp… để mỗi năm đạt sản lượng khoảng 700.000 tấn đậu nành và 550.000 tấn bắp. 

Tuy nhiên, so với kế hoạch phát triển và dự báo của bộ NN&PTNT, hiện mỗi năm ngành chăn nuôi còn thiếu 1,5 triệu tấn bắp, thì mục tiêu trên, nếu đạt được sau bảy năm nữa, cũng chỉ mới giải quyết được con số lẻ của hiện tại. Còn ngay lúc này, chỉ riêng khối lượng bắp nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm khoảng 1,63 triệu tấn, tăng 8,2% về lượng và 12,8% về giá trị so cùng kỳ 2012.

Trong khi đó, tại vùng ĐBSCL, nơi được cục Trồng trọt đánh giá là có nhiều lợi thế để trồng bắp chỉ sau miền Đông Nam bộ, diện tích trồng bắp lại tiếp tục giảm. Tại Tiền Giang, hiện tại, diện tích trồng bắp giảm hơn 6% cùng kỳ năm trước, tương tự tỉnh Trà Vinh với ưu thế đất gò cao cũng giảm gần 4,2%... Như vậy, sẽ khó tìm được câu trả lời cho nông dân rằng: gạo Việt xuất khẩu nhất nhì thế giới với mục tiêu gì, mà giá trị thu về chỉ tương đương kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc tại xứ mình?

Theo Ngọc Tùng

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

Trở lên trên