Cá sấu khan hàng, giá cao kỷ lục
Dù hiện tại cá sấu nguyên con được đẩy lên mức giá cao kỷ lục (140.000 đ/kg), nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu da và sản phẩm từ da cá sấu vẫn “khát” hàng.
Nhiều DN khẳng định, người nuôi cá sấu đang bị thương lái gom hàng qua Trung Quốc chi phối khi họ lùng sục khắp nơi, thu mua tất tật các loại cá sấu từ tốt đến xấu khiến chất lượng da không được cải thiện; đồng thời bị lệ thuộc đầu ra khiến giá cả luôn luôn bấp bênh và phát triển thiếu bền vững…
Chưa có tiếng nói
chung
Khoảng 5 năm trước đây, chúng tôi gặp anh Văn Công Nguyện, GĐ Công ty TNHH Hồn Quê (Q. Tân Bình, TPHCM), lúc đó còn là chuyên gia về kỹ thuật cho làng cá sấu Hoa Cà.
Giờ gặp lại, khá bất ngờ khi thấy anh đã làm ông chủ 1 Công ty có thương hiệu cá sấu riêng. Anh cho biết: “Hiện mỗi tháng Công ty xuất đi 1.500 tấm da cá sấu loại 1, giờ muốn tăng lên đi tìm nguồn hàng đáp ứng đúng yêu cầu về chất lượng mà không ra”.
Thấy tôi thắc mắc là nhiều hộ dân kêu khó tìm đầu ra ổn định, sao lại bảo không có cá sấu để mua? Anh nói ngay: “Cá sấu VN đem bán hết cho thương lái Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, trong khi các DN trong nước muốn có da chất lượng cao để chế biến XK thì lại rất khan hiếm.
Họ len lỏi khắp các tỉnh thành phía Nam tìm mua cá chỉ to bằng bắp chân, có bao nhiêu gom hết để bán cho các nhà hàng Trung Quốc (ăn cả thịt lẫn da), nên cá sấu lớn hơn để lấy da chế biến giờ tìm mua vô cùng khó khăn. Vấn đề này chúng tôi nói ra rả tại nhiều cuộc họp nhưng chẳng ăn thua. Nếu tình trạng khai thác kiểu “tận diệt” này diễn ra quá lâu, sẽ có ngày cá sấu thương phẩm không còn để mua!”.
Để phản ánh thực tế này, anh Nguyện cùng một số DN khác vừa xuống Củ Chi để tìm nguồn cung cá sấu. Trong cuộc gặp, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đề nghị DN có chính sách hỗ trợ nông dân theo hình thức liên kết để phát triển đàn cá sấu (DN cung ứng con giống, thức ăn..., sau 2 năm sẽ thu mua lại đảm bảo nông dân có lãi).
Ông Phú cho rằng, quan trọng nhất là phải có DN đứng ra đảm bảo bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, nông dân có lãi. Chứ giá cá sấu từ lâu nay lúc cao lúc thấp, thậm chí có thời điểm giá thấp kêu họ mua cũng khó khăn thì rất khó phát triển bền vững vùng nguyên liệu.
Trước lời đề nghị, anh Nguyện khẳng định đã từng áp dụng cách làm này rồi nhưng rất dễ “gặp nạn”. “Bình thường thì không sao, nhưng giá cá mà tăng lên là nông dân hay phá hợp đồng, đem cá bán cho thương lái Trung Quốc để hưởng chênh lệch cao hơn.
Chúng tôi đã từng mất rất nhiều tiền vì chuyện này, vì thế người nuôi cá sấu cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bài bản và chuyên nghiệp hơn thì sắp tới DN mới dám liên kết”, anh Nguyện nói.
Cũng xuống Củ Chi tìm nguồn hàng, anh Thái Minh, GĐ Kinh doanh Công ty TNHH Jura Vietnam chuyên gia công, XK các sản phẩm cao cấp làm từ da cá sấu cho biết: "Sản phẩm túi, ví, thắt lưng, giày dép... da cá sấu của chúng tôi đang xuất sang Nga và Hồng Kông. Mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ cả nghìn tấm da cá sấu, trong đó 50% chế biến XK và 50% tiêu thụ trong nước tại các khu du lịch, sân bay, khách sạn, nhà hàng tại Nha Trang, Phan Thiết, Hội An, Huế...
Ở nhiều nước, sản phẩm da cá sấu thuộc vào hàng luxury cực kỳ sang trọng, chỉ tầng lớp giàu có mới dám sử dụng vì giá thành cực cao lên tới hàng nghìn USD/sản phẩm. Vì thế, với tiềm năng nuôi cá sấu rất thuận lợi của VN, nếu chúng ta biết tổ chức SX, kinh doanh thì chắc chắn sẽ trở thành một trong những ngành hàng đem lại giá trị lợi nhuận cao nhất".
Anh Minh cũng cho rằng, một số DN của VN đã có bước tiến xa hơn trong việc thuộc da, trước đây sản phẩm rất cứng và màu sắc đơn điệu, nhưng bây giờ thì mềm như vải và màu sắc cũng vô cùng phong phú (khoảng 30 màu khác nhau).
Sản phẩm da cá sấu thuộc đúng tiêu chuẩn (theo quy trình tiêu chuẩn của châu Âu) có thể sử dụng hàng chục năm không hỏng và giữ màu rất tốt. Đặc biệt, sản phẩm làm từ da cá sấu càng dùng càng bóng tự nhiên (khác với da bò dùng lâu sẽ bị cháy đen).
Anh Minh khẳng định: “Sản phẩm da cá sấu nguyên tấm bây giờ đang “cháy” hàng, khách nước ngoài hỏi mua không có để bán. Chúng tôi đi tìm mua thì nguyên liệu trong nước không đáp ứng kịp do kỹ thuật nuôi cá sấu của VN gần như tự phát, quy trình kỹ thuật chưa áp dụng tốt, nên các tấm da thường không đạt chuẩn.
Khách hàng đòi hỏi tấm da không bị lủng, không rách, nhưng các anh thấy đấy, dân nuôi cá sấu như hiện nay thì đúng là khó đáp ứng yêu cầu. Da cá sấu của ta khó vào châu Âu vì con cá cho ăn đủ thứ, chuồng trại không đảm bảo, tỷ lệ da mượt so với Thái Lan còn xa lắc, giá bán vì thế chỉ bằng 25 - 30% so với họ”.
Tiềm năng lớn bị lãng
phí
Ông Lâm Tùng Quế, GĐ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (Chi cục Kiểm lâm TPHCM) cho biết, nuôi cá sấu là một nghề mang lại giá trị lợi nhuận cao. Tuy nhiên, những khó khăn về giá cả thị trường đã khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thu hẹp SX, riêng các hộ chăn nuôi lớn bài bản thì vẫn phát triển được.
"Tôi khẳng định tiềm năng ngành cá sấu của nước ta vô cùng lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi mà nhiều nước không có được. Cái khó ở đây là do thị trường của ta còn nhiều bất ổn nên nhiều DN ngại đầu tư vào công nghệ chế biến da cá sấu khiến chất lượng sản phẩm chưa cao.
Sản phẩm da cá sấu của VN khi tới tay các thương hiệu lớn nước ngoài sẽ
có giá bán hàng nghìn USD/sản phẩm
Nếu so với công nghệ thuộc da Nhật Bản thì VN còn thua rất xa, vì thế nhiều DN lớn của VN làm gia công cho Nhật bằng nguyên liệu hoàn toàn nhập từ bên nước họ. Sau đó sản phẩm này quay lại Nhật và được bán với giá rất cao tại các cửa hàng sang trọng, xa xỉ", ông Quế chia sẻ.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Củ Chi, trước đây Củ Chi có khá nhiều hộ dân tham gia nuôi cá sấu nhỏ lẻ, nhưng do thị trường nhiều biến động về giá cả nên giờ chỉ còn một số trang trại lớn với số lượng chừng 50.000 con.
Vừa qua có một số DN xuống đặt vấn đề mua mỗi tháng 3.000 tấm da cá sấu loại 1, nhưng để có được số lượng này thì cần đến 10.000 con cá sấu (tỷ lệ da loại 1 chỉ chiếm 30%). Vì thế, khó có thể đáp ứng được yêu cầu của DN dù hiện tại giá cá sấu đang rất cao. Vậy tại sao DN không lập trại nuôi vệ tinh trong dân?
Ông Liêm cho rằng, do giá cả thị trường vô cùng trồi sụt, DN rất dễ bị thua lỗ thậm chí mắc nợ nần. Trước đây một DN nuôi cá sấu lớn tại Củ Chi ký hợp đồng cho dân nuôi vệ tinh với giá thu gom trên 120.000 đ/kg, nhưng đến thời điểm dân thu hoạch bán cho DN này thì giá thị trường chỉ còn 90.000 đ/kg, nhưng đã lỡ ký hợp đồng với dân rồi nên DN này đành vay ngân hàng để mua và chịu lỗ rất nặng, từ đó họ sợ luôn!
Nhiều DN cũng phản ánh, công nghiệp phụ trợ cho ngành cá sấu của VN rất kém, thậm chí 1 con tán hay khóa kéo để gắn váo túi xách, ví da cá sấu cũng phải nhập khẩu. Điều này khiến giá thành đội lên, XK sang các nước đặc biệt là châu Âu (có giá rất cao) vô cùng khó khăn vì không đủ tiêu chuẩn.
Trong khi đó, Thái Lan có hẳn chính sách cho ngành hàng cá sấu, nhà nước hỗ trợ rất nhiều đặc biệt là hoạt động quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại. DN nước họ gần như không phải lo những việc khác, chỉ tập trung làm một công việc duy nhất là tìm đối tác và xuất hàng đi bán.
“Anh cứ đến Thái Lan là thấy họ quảng bá sản phẩm cá sấu rất hoành tráng, từ sân bay, bến cảng cho đến các trung tâm thương mại, khách nước ngoài luôn bị thôi thúc mua hàng dù giá bán gấp 2 - 3 lần tại VN!”, một DN cho biết.
Anh Văn Công Nguyện, GĐ Công ty TNHH Hồn Quê cho biết, cách đây mấy năm anh từng đề nghị thành lập một Diễn đàn về da cá sấu, giống như một “sàn giao dịch” để hạn chế sự loạn cào cào về giá bán, hạn chế sức ép của thương lái lên người nông dân nhằm đảm bảo người chăn nuôi có lời. Sàn này làm nhiệm vụ định giá cá sấu theo từng chủng loại, chất lượng và thương lái hay DN chỉ việc đến đó đặt hàng.
“Tôi khẳng định nếu làm được việc này thì người có lợi nhất là nông dân, nhưng đến nay diễn đàn cũng không thành lập được, giá bán vẫn cứ thoải mái trồi sụt!”, vị GĐ này nói.
“Tiềm năng phát triển ngành hàng cá sấu tại VN vô cùng lớn, so với các mặt hàng thủ công khác thì nó mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Anh cứ tính XK một container mây tre lá 20.000 USD là lớn lắm rồi, nhưng XK một container sản phẩm da cá sấu lên tới 2 triệu USD, gấp tới 100 lần!” (Anh Thái Minh, Giám đốc kinh doanh Cty TNHH Jura Vietnam).
Theo Đức Cường