MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ yêu cầu báo cáo về vấn nạn buôn lậu đường

11-05-2013 - 18:20 PM |

Theo Hiệp hội mía đường, đường nhập lậu qua biên giới lên tới 400-500 ngàn tấn/năm.

Ngày 10/5, Văn phòng Chính phủ gửi Công văn số 3702 đến các Bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, Ban Chỉ đạo 127 TW và Hiệp hội Mía đường Việt Nam truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng đường và tình hình buôn lậu đường trong thời gian vừa qua.

Theo nội dung Công văn, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương nhanh chóng báo cáo tình hình buôn lậu đường và hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đường thời gian vừa qua.

Phó thủ tướng yêu cầu Ban làm rõ số lượng, giá trị và tình hình thanh khoản các lô hàng đường đã tạm nhập khẩu vào Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 327/VPCP-KTTH ngày 10/1/2013 của Văn phòng Chính phủ.

Công văn cũng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT tham gia ý kiến đối với kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam về việc không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 20/5 tới.

Ông Nguyễn Hải – Tổng thư kí Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết Hiệp hội rất vui mừng và kỳ vọng nhiều vào tác động của văn bản này đối với việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu đường trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội, đường lậu chính là nguyên nhân chính khiến các nhà máy đường trong nước lao đao điêu đứng trong thời gian qua. Ông Hải cho biết với thông tin quốc tế mà Hiệp hội nắm được, đường nhập lậu qua biên giới lên tới 400-500 ngàn tấn/năm.

Bởi vì “Thái Lan mỗi năm xuất qua Campuchia  hơn 600 ngàn tấn, trong khi Campuchia chỉ có mấy triệu dân, nhu cầu chỉ khoảng 200 ngàn tấn. Số dư ra hơn 400 ngàn chúng tôi nghĩ chỉ qua Việt Nam thôi chứ không đi qua Lào hay Mianma đâu. Chưa kể lượng đường tạm nhập tái xuất, mượn đường Việt Nam để xuất qua Trung Quốc nhưng thấy vào mà chẳng thấy ra.” 

Hiệp hội cũng đã nhiều lần gửi văn bản lên các cơ quan quản lý đề nghị lưu ý về tình trạng buôn lậu trá hình tạm nhập tái xuất, mượn đường Việt Nam để xuất qua Trung Quốc nhưng “có vào mà không có ra.” 

Lần gần đây nhất là hồi cuối năm 2012 Hiệp hội đã có kiến nghị lên Chính phủ về điều này, tuy nhiên trong một văn bản trả lời Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng nhận định thương nhân lợi dụng kinh doanh tạm nhập tái xuất đường để nhập lậu là chưa đủ cơ sở.

Bộ cho rằng, hiện tượng buôn lậu đường chủ yếu diễn ra tại các tỉnh biên giới phía Tây Nam và miền Trung. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng này phần lớn diễn ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc, tái xuất sang Trung Quốc.

“Giá đường xuất khẩu sang Trung Quốc cao hơn giá đường tại Việt Nam. Do vậy, nếu cho rằng thương nhân lợi dụng kinh doanh tạm nhập tái xuất đường nhập lậu là chưa đủ cơ sở”.

Vì vậy, theo Bộ Công Thương, đưa mặt hàng đường vào danh mục cấm và danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất là không phù hợp và phần nào hạn chế hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp, đồng thời làm giảm nguồn thu phí tạm nhập tái xuất của các tỉnh.

Trong khi đó, cùng thời điểm này, khi thông tin với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ba - Đội trưởng Đội phòng chống buôn lậu phía Bắc cho hay, trong thời gian kiểm tra hàng tạm nhập tái xuất trong vòng 6 tháng cuối năm tại các tỉnh miền Bắc, cơ quan chức năng kiểm soát 35 tờ khai tạm nhập tái xuất 204 container đường của 11 doanh nghiệp, nhưng thực xuất qua các cửa khẩu phía Bắc chỉ có 60 container, 24 container nằm tại cảng Hải Phòng, 38 container đang làm thủ tục chuẩn bị xuất khẩu tại các cửa khẩu. “Như vậy còn 82 container đang lang thang không biết đi đâu về đâu” - ông Ba cho biết.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên