MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân làng bè lâm nợ sau cá chết

08-01-2016 - 08:22 AM |

Hơn 200 tấn cá bị thiệt hại với số tiền ước tính khoảng 10 tỷ đồng, nhiều người dân nuôi cá bè ở xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang lâm vào cảnh nợ nần.

Hôm qua 7/1, 240 hộ dân nuôi cá bè ở đây vẫn ngồi khóc, trước cảnh tiền tỷ phút chốc đổ sông.

Bè cá của hộ ông Nguyễn Đình Thanh, cá chết nổi kín mặt nước, trắng cả bè. Cá chết thối, hai ngày qua ông Thanh thuê người vớt cho vào bao đem tiêu hủy, nhưng vớt xong lớp này thì lớp cá khác chết chìm trong bè lại tiếp tục nổi lên. Trước khi xảy ra sự việc, ông Thanh đã thả khoảng 3 tấn cá giống, và chuẩn bị bán mùa Tết này 7 tấn cá thịt.

“Chỉ trong một đêm, toàn bộ cá giống và cá thịt đều chết sạch. Với giá thị trường hiện nay, cá giống 160 ngàn đồng/kg, cá thịt khoảng 120 ngàn đồng/kg, tôi thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng”- ông Thanh ngậm ngùi. Điều đau đớn hơn trước khi có được số tiền hơn 1 tỷ đồng để đổ vào bè cá này, ông Thanh đã phải vay mượn của ngân hàng và bà con. “Nuôi cá mất tiền tỷ, nhưng toàn là tiền vay mượn, giờ thì nợ nần đổ lên đầu”- ông buồn rầu.

Những ngày qua cả gia đình anh Vũ Văn Quyết lâm vào cảnh khủng hoảng khi hơn chục tấn cá trắm bị thiệt hại. Cả bè trắm anh Quyết nuôi trên 2 năm với trọng lượng 5-7kg/con, chuẩn bị xuất bán trong dịp Tết. Anh Quyết cho hay: “Hàng tỷ đồng gồm tất cả vốn liếng tích góp, vay mượn, mua nợ thức ăn… đều dồn xuống bè cá này nhưng nay mất hết rồi”.

Ông Trần Bá Cần, một hộ nuôi cá lâu năm ở làng bè đã mất 2 tấn cá giống và 1 tấn cá thịt trị giá khoảng 350 triệu đồng trong đợt này, ngao ngán: “Đầu tư nuôi cá ở làng bè hộ nuôi ít cũng phải đầu tư 500-700 triệu đồng, hộ đầu tư nhiều phải là hàng tỷ đồng. Nhưng ai cũng phải vay mượn cả. Phần lớn vay mượn bên ngoài, vay người thân, mua nợ thức ăn nuôi cá chứ ngân hàng thì không đầu tư vào đây”.

Người dân làng bè chết cá, lâm nợ kéo theo những đại lý cung cấp thức ăn cho cá cũng cạn vốn. Anh Sơn, chủ một đại lý mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn thức ăn cho người nuôi cá bè ở Hiệp Hòa nói, để giữ khách hàng hầu hết những đại lý cung cấp thức ăn cho cá đều cho các chủ bè thiếu nợ và thanh toán hết sau mỗi kỳ bán cá. “Mỗi lần cá chết hàng loạt người nuôi cá điêu đứng thì chúng tôi bán cám cũng lao đao theo”- anh Sơn nói. Theo anh Sơn, tiền vốn của mình bỏ ra để cung cấp thức ăn cho các hộ dân ở làng bè cũng lên đến cả tỷ đồng. “Nhiều người nuôi cá mất hết thì mình cũng phải chấp nhận cho trả dần sau và lại tiếp tục đầu tư mới thôi”- chủ đại lý cung cấp thức ăn, rầu rĩ.

Ngay sau khi Tiền Phong và các cơ quan báo chí phản ánh cá chết trắng bè, Cục Cảnh sát môi trường phối hợp cùng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai và Phòng Kinh tế TP Biên Hòa đến khảo sát tại làng cá bè, để ghi nhận, nắm bắt tình hình nuôi cá của người dân sau những ngày xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.

Thượng tá Bùi Kim Sơn, Phó đội trưởng phụ trách lĩnh vực công nghiệp, Phòng 2- Cục cảnh sát Môi trường cho biết, sau khi ghi nhận thực tế tại khu vực làng cá bè, đoàn khảo sát sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Đồng Nai và báo cáo nhanh về Ban lãnh đạo Tổng cục và Cục cảnh sát môi trường để có hướng điều tra, giải quyết cụ thể. “Hiện người dân vẫn đang chờ hướng giải quyết và kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết”- ông Sơn nói.

 

Theo kết quả khảo sát của Chi cục Thủy sản Đồng Nai, cá chết tại làng bè Biên Hòa chủ yếu là cá chép, trắm, diêu hồng, lăng diêu hồng; mật độ nuôi khoảng 120 – 130 con/m3. Kết quả đo mẫu nước tại làng bè cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) là 2mg/l thấp hơn ngưỡng an toàn là 3mg/l…

 

 

 

Theo Mạnh Thắng

Tiền phong

Trở lên trên