MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gạo xuất khẩu đang bị ép giá

05-06-2013 - 07:58 AM |

Trao đổi với báo chí ngày 4-6 tại TP.HCM, ông Trương Thanh Phong cho biết, hiện nay do việc XK gạo ở hầu hết thị trường trọng điểm gặp khó khăn và bị ép giá nên lượng gạo trong nước còn tồn kho nhiều.

Theo thống kê của VFA, tính từ đầu năm đến ngày 31-5 các DN XK trong nước đã XK được khoảng 2,78 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,211 tỷ USD (FOB). Trong đó, xuất sang thị trường châu Á chiếm khoảng 65,8%, châu Phi khoảng 23,1%, còn lại là các thị trường khác.

Giá XK gạo bình quân trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013 có xu hướng giảm ở hầu hết các thị trường. Đến thời điểm hiện nay mức giá XK gạo trung bình của Việt Nam chỉ đạt khoảng 435 USD/tấn (giảm 9% tương đương 22,8 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2012.

Điều đáng nói là do áp lực tồn kho từ năm 2012 chuyển qua và vụ đông xuân vừa qua nên hiện nay lượng gạo còn trong các DN đạt khoảng 2,8 triệu tấn. Vì thế mặc dù giá đang xuống thấp nhưng các DN vẫn phải cố gắng tìm kiếm hợp đồng để XK nếu không việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa hè thu dự kiến tiến hành từ 15-6 đến 31-7 sẽ không thể thực hiện được.

Ông Trương Thanh Phong cho hay, cái khó nhất của các DN trong 5 tháng vừa qua là sức ép giảm giá từ các thị trường trọng điểm. Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, mặc dù số liệu thống kê của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) cho thấy liên tiếp 3 năm gần đây lượng gạo tồn kho của quốc gia này tăng 20 triệu tấn nhưng các DN nước này vẫn đẩy mạnh thu mua gạo từ các quốc gia XK.

“Có điều họ chỉ mua gạo phẩm cấp cao và gạo thơm với giá thấp để hưởng chênh lệch giữa giá NK và giá bán tại thị trường nội địa. Vì thế một khi các DN XK đẩy giá lên cao thì thương nhân Trung Quốc đồng loạt ngưng mua. Lúc đó mình lại rơi vào thế kẹt”- ông Phong cho biết.

Tương tự, tại thị trường châu Phi, ông Phong cho rằng, nếu DN XK gạo của Việt Nam không kéo giá thấp hơn nhiều so với giá gạo từ Ấn Độ thì lượng hợp đồng ký được với các quốc gia ở khu vực này sẽ giảm. Và một khi các thị trường châu Phi, Trung Quốc, Philippines… giảm mua thì lượng gạo XK của Việt Nam sẽ lập tức bị ảnh hưởng và giá lúa gạo trong nước cũng không thể tăng lên. Chưa kể đến áp lực tiêu thụ lúa hè thu trong các tháng cao điểm mùa mưa sắp tới.

Theo VFA, việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu sắp tới sẽ được Hiệp hội phân bổ chỉ tiêu cho các DN thành viên trong thời gian ngắn tới đây để đảm bảo từ 15-6 các DN bắt đầu thực hiện mua lúa trong dân. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng ở thời điểm này do áp lực tồn kho lớn nên các DN tỏ ra không hào hứng trong việc thu mua tạm trữ. Vì thế việc thu mua tạm trữ và tiêu thụ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu tới sẽ khó đảm bảo cho nông dân có lời, thậm chí cả DN và người dân đều chịu lỗ./.

Theo  P.Liên


khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên