MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá nông sản từ đồng tới chợ: Mắt xích nào cũng hỏng

27-03-2014 - 22:23 PM |

Chuyện tư thương ép giá là hiển nhiên, nhưng vấn đề không thể đổ tội hết cho tư thương, mà gốc rễ đang nằm ở tất cả những mắt xích chuỗi từ SX tới tiêu dùng nông sản.

Nông sản từ đồng ruộng tới tay người tiêu dùng tăng tới 2-3 lần, trong khi nông dân SX không có lãi! Trao đổi với chúng tôi về thực trạng tréo ngoe này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội nói: Chuyện tư thương ép giá là hiển nhiên, nhưng vấn đề không thể đổ tội hết cho tư thương, mà gốc rễ đang nằm ở tất cả những mắt xích chuỗi từ SX tới tiêu dùng nông sản.

Sự bất minh bạch của thị trường

Trước hết phải khẳng định, không một nền SX nào có thể thiếu được khâu trung gian. Nhưng về nguyên tắc thị trường, khâu trung gian thường chỉ tăng thêm 15% thôi. Chứ từ người SX tới tay người tiêu dùng chỉ cách nhau 10km thôi mà tăng những 100 – 200% như ở ta thì thực ra ai cũng biết là quá ghê gớm.

 Biết thế, nhưng làm thế nào được? Bởi mớ rau quả trứng tới được tay người tiêu dùng đang phải qua quá nhiều tay. Vậy tại sao nông sản hiện nay phải qua quá nhiều tay như thế?

Thứ nhất, hệ thống phân phối nông sản rất bệ rạc, không có chợ nông sản nào cho ra hồn, cũng không có sàn giao dịch để người mua gặp người cần bán để có thể minh bạch mặt bằng giá. Cái này người trồng ca cao hay cao su ở miền Nam hiện nay đã có.

Mỗi buổi sáng, họ đều nhận được một tin nhắn từ Cty thu mua về giá từ sàn giao dịch tận London hay New York, qua đó họ có thể đưa ra quyết định bán hay không bán sản phẩm. Còn nông sản thực phẩm như rau, trứng, thịt, cá tiêu thụ trong nước làm gì có sàn giao dịch, nông dân làm gì có thông tin về giá?

Quê tôi chính ở chính vựa rau Liên Hồng (Gia Lộc, Hải Dương) nên tôi hiểu. Thực ra mang tiếng là vựa trồng rau lâu đời, nhưng dân làm sao biết hôm nay thị trường giá bắp cải bao nhiêu, bán chỗ nào và thời điểm nào là tốt nhất? Tất nhiên so sánh thì khập khiễng, nhưng ở Hàn Quốc chẳng hạn, nông dân ngủ dậy, họ chỉ cần lên sàn giao dịch là biết rau cải hay khoai đỏ hôm nay bán ở đâu giá tốt nhất.

Còn hệ thống thông tin thị trường ở ta, ngay như các phương tiện thông tin đại chúng thôi, mỗi báo đài, mỗi cơ quan trong hệ thống ngành công thương thôi công bố giá mỗi nơi một nẻo. Mấy hôm nay, có báo nói giá đắt rau đắt như vàng, có báo lại nói rau rẻ như bèo.

 Miền Bắc rau đắt, miền Nam lại nói rau rẻ phải đổ xuống sông, chẳng biết thông tin nào đúng. Cũng chẳng có cơ quan nào đứng ra công bố giá mỗi ngày cả. Mà muốn công bố thì cũng chỉ dựa trên thông tin bán ở chợ lẻ, trong khi thị trường nông sản tự do luôn rối loạn.

Tóm lại, với hệ thống thông tin thị trường nông sản như hiện nay, nông dân bị tư thương ép là đương nhiên. Mà giả như không bị ép đi nữa, họ cũng đâu còn cách nào nếu không buộc phải bán cho tư thương? Bởi nông dân hiện nay làm gì có hệ thống hạ tầng dự trữ nông sản đâu?

“Tôi về Thái Bình, có lúc thấy trẻ con nhặt cà chua ném nhau be bét. Hỏi vì sao không bán, họ bảo cà chua bán chỉ mấy trăm đồng một cân, chẳng lại tiền xăng xe, thu làm gì cho mất công? Trong khi ấy, vợ tôi ở Hà Nội vẫn đang phải ra chợ mua cà chua 5.000 – 7.000 đ/kg.

Đau lắm! Nhưng biết làm sao được, bởi dân không có kho lạnh để bảo quản. Tôi cho rằng, giá cả thị trường thì để cho thị trường định đoạt, nhưng hạ tầng bảo quản nông sản phải là trách nhiệm của nhà nước, kể cả hỗ trợ kinh phí vận hành, đặc biệt là ở các vựa nông sản tươi sống. Cái này nước nông nghiệp tiên tiến nào cũng đều phải có chính sách, chỉ có nước nông nghiệp như ta là không làm gì” – ông Vũ Vinh Phú.

“Trống” tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm

Vấn đề thứ hai, chúng ta chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật nào để phân loại sản phẩm nông sản. Tôi đi Bình Thuận, Ninh Thuận, cứ tàu cá về là thương lái tới bến, họ chỉ loại này là cá loại 1, giá A nhé; loại kia cá loại 2, giá B. Ngư dân cứ thế mà gật đầu theo, chứ làm gì có tiêu chuẩn, cơ sở kỹ thuật nào của nhà nước xem cá độ tươi ra sao, đánh bắt vùng nào, kích cỡ, trọng lượng ra sao thì là loại I hay loại II?

Dân quê tôi cũng thế, trồng cà rốt có củ bé như ngón tay, củ như cán liềm loạn xị, thương lái cứ thế xuống ruộng “áng chừng” mà mua, chứ làm gì có tiêu chuẩn kỹ thuật phân loại cà rốt? Đương nhiên trong cuộc ngã giá ấy, phần lợi bao giờ chẳng thuộc về tư thương?

Muốn đưa được nông sản thẳng vào siêu thị, giảm được trung gian thì đương nhiên phải có tiêu chuẩn kỹ thuật để nông dân làm ra sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn ấy. Nông dân trồng ruộng cà chua, quả như nắm tay, quả như hòn bi, làm sao đưa được vào siêu thị?

Mà giả như đưa được vào siêu thị, thì lại phải là DN, phải có hóa đơn, mà nông dân làm gì có hóa đơn mà xuất cho siêu thị? Thế nên tóm lại, nông sản làm ra buộc phải dồn ra thị trường tự do, và đã là thị trường tự do thì hiển nhiên phải thông qua hệ thống thương lái nhiều tầng nấc. Gốc rễ vấn đề đang nằm ở đó.

Nông dân bán thẳng nông sản cho siêu thị, phải theo tiêu chí kỹ thuật và ATTP, nhưng dĩ nhiên sẽ ổn định và có giá cao hơn ít nhất 30% so với giá bán cho tư tương bởi chỉ qua nhiều nhất là 1-2 cấp phân phối. Nhưng đáng tiếc là tỉ lệ tiêu thụ qua siêu thị hiện nay chưa đủ sức chi phối giá cả thị trường nông sản nội địa. Ít nhất, khi siêu thị phải chiếm được 50% thị phần tiêu thụ, mới có thể mong điều chỉnh trở lại thị trường tự do.

Hà Nội hiện nay nông sản tiêu thụ qua siêu thị chỉ chiếm 20%, còn lại đều là chợ cóc, chợ tạm, hàng rong... Một số chợ cải tạo lại cho văn minh hơn theo hướng siêu thị lại không có thiết kế riêng cho các gian hàng buôn bán nông sản. Chẳng hạn bắt khu hàng cá lên tầng, không có thông gió, không có thoát nước, nên tiểu thương lại ra chợ tạm...

Thế nên việc mở rộng thị phần tiêu thụ nông sản qua siêu thị đang vô cùng ì ạch, rất nhiều bất công. Bởi bên trong siêu thị thì đủ các cơ quan chức năng quản lí kỹ, hết đoàn này kiểm tra ATTP tới đoàn kia kiểm soát giá. Nhưng ngay sát nách đó, hàng bán lẻ nhếch nhác, nói thách cân điêu... chẳng ai ngó ngàng. Mà muốn quản cũng chẳng được.

Thế nên nảy sinh bất bình đẳng trong kinh doanh, anh làm tốt không được tạo điều kiện, anh làm bậy lại chẳng ai xử lí. Nhà nước hiện cũng chỉ quản lí giá đối với 18 mặt hàng – dịch vụ thiết yếu, chứ nông sản thực phẩm dù có vai trò và lượng tiêu thụ vô cùng lớn hàng ngày như rau, trứng, thịt cá thì đâu có ai quản. Mà quản làm sao được với cái gọi là “văn hóa chợ cóc, chợ tạm” rất điển hình như Hà Nội.

Mô hình nào?

Hiện nay, mô hình liên kết chuỗi SX tới tiêu thụ của Metro tôi đánh giá sẽ rất có triển vọng. Hiện họ cũng đã hình thành được các trung tâm thu mua sơ chế và phân phối nông sản cấp vùng, với rất đa dạng nông sản từ thịt, cá, rau, trứng... Họ thu mua trực tiếp nông sản cho nông dân, sau đó trực tiếp sơ chế tại các trung tâm cấp vùng và chuyển thẳng tới 21 Metro thành viên tại các tỉnh phía Nam để bán lẻ cho người tiêu dùng.

Do chỉ duy nhất qua một khâu trung gian nên giá nông sản Metro mua của người SX đương nhiên cao hơn rất nhiều so với tư thương, nhưng khi bán lẻ ra hệ thống họ bao giờ cũng rẻ nhất và chất lượng nhất, kể cả tư thương ngoài chợ. Thậm chí, các siêu thị khác còn phải vào Metro mua hàng bán lại. Được biết sắp tới, Metro sẽ xây dựng trung tâm cấp vùng tại miền Bắc.

Làm được như Metro, nông dân sẽ lợi nhất, nhà nước muốn quản lí giá cũng rất dễ. Tôi tin khi hệ thống Metro có thị phần 30% thị trường, sẽ đủ khả năng chi phối thị trường bán lẻ của tư thương, và hệ thống tư thương sẽ càng ngày càng khó có đất sống.

Muốn đẩy mạnh mô hình này, ngành nông nghiệp phải có nhiệm vụ chung tay với Metro, trước hết như định hướng quy hoạch vùng SX tốt nhất, thuận tiện nhất, hỗ trợ hạ tầng sau thu hoạch, tạo cơ chế thông thoáng trong chuỗi phát triển sản phẩm của họ, đừng gây phiền nhiễu trong quản lí... Để làm được nông sản theo chuỗi, bên cạnh những vấn đề vĩ mô, cơ quan chức năng bớt hành DN thôi! Xin nói hiện nay có tới 4 lực lượng gồm CSGT, QLTT, thuế và phí thuê nhà đất cũng đang “ngoạm” vào giá nông sản, khiến nó đội cao như thế!

Theo Lê Bền

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên