MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lệ thuộc thương lái Trung Quốc, sắp thu hoạch khoai, dân lo

29-05-2013 - 06:55 AM |

Hàng trăm ngàn tấn khoai lang ở vùng chuyên canh khoai của huyện Bình Tân (Vĩnh Long) chuẩn bị thu hoạch, người trồng khoai đứng ngồi không yên bởi giá cả, đầu ra lệ thuộc vào các thương lái Trung Quốc.

Giá cả bấp bênh

“Điệp khúc” trúng mùa mất giá cứ tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua ở vùng khoai Bình Tân khiến người nông dân không khỏi lo lắng. Hiện nay, người dân đã thu hoạch được hơn 2.000ha khoai (chiếm gần 1/3 diện tích gieo trồng), với năng suất bình quân trên dưới 2,4 tấn/công.

Ngày 28.5, theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại vùng chuyên canh khoai Bình Tân, người dân đang tất bật chuẩn bị thu hoạch hơn 4.750ha còn lại của mùa vụ 2013. “Hầu như năm nào cũng vậy, hễ thu hoạch rộ là khoai rớt giá thê thảm. Ngoài chuyện giá cả ra, người dân còn bị cánh thương lái bắt chẹt đủ đường khiến lợi nhuận của người dân giảm đáng kể” – lão nông Sáu Cường phàn nàn.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - một người trồng khoai lâu năm viện dẫn: “Ở thời điểm này, do khoai thu hoạch nhỏ giọt nên giá thành tương đối cao, từ 650.000 – 800.000/tạ (60kg), nếu giữ nguyên giá thành này thì người trồng khoai yên tâm. Còn nếu so sánh với giá khoai sau Tết Nguyên đán thì đã sụt giảm gần phân nửa”.

Được biết, khoai lang từ lúc trồng đến khi thu hoạch thời gian từ 4 – 4,5 tháng, chi phí bình quân khoảng từ 60 – 100 triệu đồng/ha.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, cách thức thu mua khoai giữa thương lái người nước ngoài và nông dân đều không có hợp đồng, luôn có sự thay đổi về quy cách, về độ lớn nhỏ của củ khoai... làm cho nông dân gặp khó khăn trong việc tính toán để chăm sóc và chọn thời điểm thu hoạch. Việc mua bán này còn làm cho địa phương không cân đối được diện tích sản xuất cho phù hợp.

Có thời kỳ giá khoai lang tăng khá cao, nhất là loại khoai lang tím Nhật nên nhiều người dân đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng, thậm chí còn đi đến các địa phương khác để thuê đất trồng dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu rất lớn. Lợi dụng điểm này, các thương lái đã hạ giá thu mua xuống rất thấp, khiến nhiều người trồng lỗ nặng.

Nông dân tự bơi

Thạc sĩ Võ Văn Theo – Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết: Mùa vụ khoai năm 2013, toàn huyện xuống giống gần 6.800ha, trong đó diện tích khoai lang tím chiếm 70%, còn lại là khoai lang trắng và đỏ. “Ở thời điểm này giá khoai tương đối ổn định, cao. Về chuyên môn, chúng tôi chỉ hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật, khâu chăm sóc, phân bón; còn đầu ra, giá cả tiêu thụ thời gian qua đều do người dân tự tìm, tự giao dịch với thương lái” – ông Theo nói.

Anh Huỳnh Văn Quân – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Khoai lang Tân Thành cho biết: Hiện thương lái Trung Quốc ăn hàng mạnh nhất vẫn là khoai lang tím nhưng cung không đủ cầu. Còn khoai lang trắng và đỏ phần lớn tiêu thụ thị trường trong nước. “Thời gian qua, các ngành chức năng Vĩnh Long siết mạnh các thương lái Trung Quốc về hồ sơ, thủ tục kinh doanh, nên để đối phó, thương lái nước bạn giao hẳn cho các thương lái Việt Nam thu mua, họ chỉ chỉ đạo từ xa” – một thương lái bật mí.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có gần 20 điểm thu mua khoai lang của thương lái Trung Quốc đặt dọc theo QL1A thuộc địa bàn xã Thuận An (huyện Bình Minh) và huyện Bình Tân đều “núp bóng” thương lái Việt Nam. Thực tế, các thương nhân người nước ngoài trực tiếp đưa ra quy cách, giá cả để các thương lái người Việt thu mua và phân loại rồi xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Thị trường Trung Quốc hiện nay rất “bấp bênh” và rủi ro nên cần tìm thị trường mới, ổn định hơn. Tuy nhiên, cần phải tăng cường công tác quản lý vì có nhiều thương nhân người nước ngoài vào Việt Nam mua khoai lang thông qua thương lái Việt Nam nên rất khó quản lý. Ngoài ra, chúng ta cần phải có quy hoạch và quản lý vùng sản xuất khoai lang cụ thể”.

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Việc tăng diện tích khoai lang ở Vĩnh Long là đúng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng của tỉnh, tăng lợi nhuận cho nông dân. Người trồng khoai chưa nắm được thị trường tiêu thụ, thiếu thông tin về giá cả và dự báo của thị trường nên bị thiệt thòi, chưa mang tính bền vững”.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất khoai lang theo quy mô hợp tác xã để có thể dễ quản lý, liên kết ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ theo đường chính ngạch, hạn chế rủi ro khi mua bán với thương lái nước ngoài. 

Theo Đức Khánh

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên