MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúa nhiễm mặn, nông dân trắng tay

25-01-2016 - 21:23 PM |

Do nhiễm mặn nên những cánh đồng lúa hàng ngàn hecta của tỉnh Kiên Giang đang phơi mình chết trắng, kéo theo đó là hàng ngàn hộ nông dân xao xác vì lâm cảnh nợ nần, trắng tay.

Ông Trần Văn Út (51 tuổi, ngụ xã Nam Thái, huyện An Biên) cho biết vụ mùa 2015-2016, gieo trồng 1,5ha lúa trên đất một vụ lúa một vụ tôm. Kết quả lúa phát triển bình thường, bụi cao khỏe, nhưng tới lúc làm đòng thì “dựng cờ” lép hạt, năng suất chỉ được gần 3 tấn lúa.

Tính ra 1,5ha lúa mùa vụ này ông lỗ chi phí khoảng 4 triệu đồng. Tương tự, ông Trương Văn Xê (41 tuổi, ngụ xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận) không chỉ mất mùa lúa, mà ông còn bị mất mùa tôm trên diện tích 3ha, tính ra tổng thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Nguyên nhân là sau khi thấy lúa nhiễm mặn chết, ông Xê xả tiếp nước mặn vô ruộng thả tôm giống mong gỡ gạc chút đỉnh.

Không ngờ, nước quá mặn nên tôm cũng chết sạch luôn. “Tui làm ruộng mấy chục năm nay chưa từng thấy năm nào thời tiết khắc nghiệt như vừa rồi. Cả vụ lúa mấy tháng trời chỉ có vài đám mưa lớn, nước mặn thì vô sâu trong ruộng, lúa chết đã đành, tôm cũng không sống nổi” - ông Xê nói.

Do vụ lúa, tôm thất bát nên nhiều hộ nông dân không có tiền trả cho đại lý phân bón, thuốc trừ sâu. Bà Sử Thị Hồng Thắm - chủ đại lý phân bón, thuốc trừ sâu lớn tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận - cho biết tính tới thời điểm hiện tại, còn khoảng 800 khách hàng trên phạm vi ba xã Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận, Tân Thuận chưa trả xong nợ với tổng số tiền trên 10 tỉ đồng.

Riêng ông Trịnh Văn B. - nhân viên tiếp thị của một công ty sản xuất phân bón phụ trách địa bàn Kiên Giang - cho biết sau vụ mùa và vụ đông xuân vừa rồi, nhiều khả năng sẽ có một nửa số đại lý vừa và nhỏ tại ba huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận bị phá sản.

 

Chuẩn bị công bố thiên tai

Ông Trần Quang Củi - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết theo thống kê đến thời điểm này, huyện An Biên thiệt hại 7.400ha, huyện Vĩnh Thuận thiệt hại 8.400ha, nặng nề nhất là huyện An Minh với khoảng 14.400ha lúa mùa và lúa đông xuân gần như không thu hoạch được.

“Hiện chúng tôi đang chờ các địa phương thống kê thiệt hại để trình UBND tỉnh làm thủ tục công bố thiên tai. Theo quy định hiện hành, mỗi hecta lúa mất mùa từ 70% trở lên sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng” - ông Củi nói.

 

 

Theo Khoa Nam

Tuổi trẻ

Trở lên trên