Muốn tồn tại, ngành Mía đường phải đổi mới
Vụ mía đường 2013-2014 là vụ thứ 3 giá đường liên tục giảm. Ngành Mía đường đang đứng trước yêu cầu phải thay đổi để cả doanh nghiệp và người nông dân có thể tồn tại và phát triển từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), cho biết: Do nhiều nhà máy đã thực hiện quy chuẩn quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu, cộng với thuận lợi về thời tiết nên chất lượng mía vụ này tiếp tục được nâng cao, trữ đường bình quân của mía đưa vào nhà máy chế biến đạt 10,3-10,5 CCS, cao hơn vụ trước 0,5-0,7 CCS.
Do vậy, vụ 2013-2014, với 309.400 ha trên cả nước (tăng hơn so với vụ trước 11.200 ha), năng suất bình quân đạt 64,7 tấn/ha (tăng 0,8 tấn/ha so vụ trước), sản lượng mía đạt 20,02 triệu tấn, với sản lượng đường đạt 1,6 triệu tấn.
Vụ mía đường 2013-2014 là vụ thứ 3 giá đường liên tục giảm. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các nhà máy đường vẫn duy trì giá thu mua mía cho người nông dân. Đây là nỗ lực rất lớn của các nhà máy.
Thời gian qua,nhiều nhà máy đã quan tâm đầu tư đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất mía đường. Các Công ty CP Đường Biên Hòa, Công ty CP Mía đường Thành Thành... đã sử dụngmáy chặt mía liên hợp. Tuy nhiên, số lượng mía thu hoạch xong không được đưa vào chế biến ngay vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Đây là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của ngành Mía đường vẫn cao, trên 20%.
Trong niên vụ mía đường vừa qua,tổng diện tích các nhà máy có ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm đạt gần 267.000 ha, chiếm 90% diện tích vùng nguyên liệu tập trung. Hầu hết các công ty đã ứng vốn, vật tư nông nghiệp, bảo hiểm giá sàn, giảm lãi suất đầu tư, hỗ trợ vốn để mua sắm máy móc cơ giới hóa trong sản xuất mía đường cho người trồng mía.
Niên vụ 2014-2015, ngành mía dự kiến sẽ sản xuất khoảng 300.000 ha (giảm so với niên vụ trước 9.400 ha), năng suất bình quân 64 tấn/ha và đạt 1,6 triệu tấn đường.
Ông Đoàn Xuân Hòa cho biết: Trong thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cho phù hợp với thực tiễn trên cơ sở phân tích khoa học về tiềm năng, năng lực cạnh tranh của ngành Mía đường Việt Nam và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các viện, trung tâm nghiên cứu tiếp tục khảo nghiệm, công bố các bộ giống mía phù hợp, cũng như xây dựng các quy trình thâm canh cho từng giống mía phù hợp với từng địa phương để nhà máy áp dụng.
Ngoài ra, theo ông Hòa, bước vào niên vụ 2014-2015, nguồn cung đường ở tình trạng vượt cầu, Hiệp hội Mía đường và các công ty đường cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ đường năm 2015, đảm bảo cân đối cung cầu, giữ ổn định thị trường đường trong nước; đồng thời nghiên cứu thị trường, xây dựng ngay phương án, kế hoạch xuất khẩu đường năm 2015; hay kiến nghị với Chính phủ các giải pháp và cơ chế điều hành, chủ động xuất khẩu lượng đường dư thừa.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng các doanh nghiệp, nhà máy chế biến mía đường phải cải tổ lại sản xuất để làm sao giảm được giá thành sản xuất.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để khắc phục tình trạng này không thể trong thời gian ngắn, nhưng ngành Mía đường có thể tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng bằng cách tận dụng và chế biến sâu các phụ phẩm của cây mía.
Trước hết là sẽ rà soát lại quy hoạch, bước đầu hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung đã gắn với các nhà máy chế biến; đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gần nhà máy đường đang canh tác không đạt hiệu quả cao mà phù hợp với sản xuất mía sẽ chuyển dịch sang trồng mía. Bên cạnh đó, ngành cũng định hướng chuyển những diện tích mía ở trên đồi cao (diện tích trồng mía tận dụng, không có khả năng cơ giới hóa) sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.