MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề nuôi và xuất khẩu tôm: Khó cả trong lẫn ngoài...

11-06-2013 - 09:51 AM |

Những ngày này, về các tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL, đi đâu cũng thấy người nuôi tôm rầu lo.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định sơ bộ tăng thuế chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam lên từ 5,08% đến 7,05% vì cho rằng các doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam nhận được sự trợ cấp từ Chính phủ. Mức thuế áp đặt quá cao này sẽ gây nhiều khó khăn cho người nuôi và DN  xuất khẩu tôm. Trong khi đó, mùa tôm ở ĐBSCL lại đang bị dịch bệnh hoành hành.

Người nuôi tôm... mất ngủ

Những ngày này, về các tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL, đi đâu cũng thấy người nuôi tôm rầu lo. Ông Phạm Văn Quắn - xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) - than thở: “Tình hình nuôi tôm đang hết sức bất lợi bởi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Từ đầu năm đến nay tôi thả 2 đợt, mỗi đợt chỉ hơn một tháng tuổi thì tôm lăn ra chết. Dù đã phòng trị nhiều cách nhưng không khỏi, thiệt hại hơn 60 triệu đồng. Trong lúc người nuôi tôm đang gặp nạn thì bị bồi thêm chuyện Mỹ tăng thuế chống trợ cấp. Năm nay dân nuôi tôm coi như lãnh đủ”.

Ông Hứa Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch UBND TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - lo lắng: “Từ đầu năm 2012 đến nay người nuôi tôm đuối sức vì dịch bệnh ập đến làm chết tràn lan. Hiện đã là giữa năm 2013, nhưng toàn thị xã chỉ mới xuống giống được 4.000ha/25.000ha. Hơn 21.000ha còn lại đang “treo ao” vì sợ dịch bệnh, cộng với thiếu vốn nên mọi chuyện rất khó khăn”. 

Ông Lê Hoàng Vũ - hộ nuôi tôm chuyên nghiệp ở xã Bình Thới (huyện Bình Đại, Bến Tre) - nhìn nhận: “Hiện giá tôm nguyên liệu bắt đầu giảm: Tôm thẻ loại 40 con/kg giá 161.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá 129.000 đồng/kg; loại 90 con/kg giá 94.000 đồng/kg... Bình quân giảm 3.000 - 6.000 đồng/kg so thời điểm giữa tháng 5.2013. 

Nếu tới đây các DN xuất khẩu gặp khó khi phía Mỹ không chịu giảm thuế thì khả năng DN sẽ giảm giá mua tôm nguyên liệu. Hàng loạt hộ nuôi đang khổ sở vì nạn tôm chết gây thiệt hại lớn, nếu giá tôm tuột dốc thì người dân ôm nợ là cái chắc”.

Tập trung đối phó

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, căn cứ vào phán quyết sơ bộ của Mỹ thì Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) và Cty Nha Trang Seafoods F17 chịu mức thuế suất lần lượt là 5,08% và 7,05%; các DN còn lại chịu mức thuế chung 6,07%. Theo phán quyết này, phía Mỹ đã đánh 2 loại thuế lên cùng một sản phẩm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống khoảng 600.000 nông dân và công nhân chế biến tôm ở Việt Nam.

Cùng với thị trường EU và Nhật Bản, Mỹ là thị trường rất quan trọng đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam. VIệc tăng thuế bình quân hơn 6% sẽ là một thiệt hại vô cùng lớn đối với các DN khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ. Vì vậy, cần phải tập trung những căn cứ cần thiết để chứng minh cho phía Mỹ thấy các DN Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường, không có trợ cấp, để hy vọng tháng 8 tới khi ra quyết định cuối cùng, DOC sẽ có những thay đổi tích cực.

Ông Dương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, đang theo dõi diễn biến vụ tăng thuế của DOC, bởi con tôm là kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cà Mau đang phối hợp cùng Bộ Công thương và các ngành chức năng tìm giải pháp đối phó, bảo vệ lợi ích của người nuôi tôm và DN xuất khẩu.

Ở một khía cạnh khác, các nhà chuyên môn nhìn nhận việc điều hành ngành tôm thời gian qua còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ nhiệm HTX tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) - dẫn chứng: “Việt Nam đã hội nhập WTO rồi thì những chính sách hỗ trợ cần tính toán hợp lý, tránh để các nước gây khó. 

Điển hình như chủ trương ưu đãi lãi suất 10% cho thủy sản, thực tế người nuôi và DN xuất khẩu khó tiếp cận được. Rồi việc đề nghị hỗ trợ các hộ nuôi tôm thiệt hại năm 2012 (khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha), chúng tôi cũng chỉ nghe chứ chưa thấy tiền... Thế nhưng, nước ngoài họ lấy đó làm cái cớ để gây khó chúng ta”.

 Theo Nguyễn Huỳnh

khanhnt

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên