Những đường dây buôn lậu cá tầm
Đặt hàng loại cá kém phẩm chất từ Trung Quốc với giá bèo bọt, đưa lậu qua biên giới, những đường dây này không chỉ đầu độc người tiêu dùng, mà còn đe dọa đến sự sống còn của ngành công nghiệp nuôi cá tầm.
Công nghệ nuôi cá tầm quy mô và hiện đại, ngoài việc cung cấp cho thị trường sản phẩm trứng cá đen chính hiệu, còn cho ra đời những mẻ cá thịt "sạch" đúng phẩm cấp. Hy vọng về một loài cá đem đến cho Việt Nam một thương hiệu toàn cầu, như con cá basa đã từng làm, được nhen nhóm và dần thành hiện thực… Nhưng những đường dây buôn lậu cá tầm đã thò bàn tay đen vào một thị trường siêu lợi nhuận.
Để chờ những con cá "đẻ ra vàng" như cá tầm Beluga, cá tầm Nga… phát triển đến thời điểm thành thục và cho ra trứng thì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiền, đủ gan để đổ toàn bộ gia sản xuống nước rồi… ngồi chờ đến vài năm.
Cho dù cá tầm được nuôi lớn ở Việt Nam có một lợi thế bất ngờ so với ở quê mẹ, là lớn nhanh và thời gian thành thục được rút ngắn do điều kiện thời tiết, nhưng quãng thời gian để biến thành vàng phải kéo dài tính theo đơn vị năm. Đơn cử, cá tầm Nga (Osetra) có thời gian thành thục kéo dài tới 3-4 năm, khi đạt trọng lượng 4-6,5kg trở lên. Còn đối với "ông hoàng" Beluga thì còn khủng khiếp hơn, 10-15 năm, khi trọng lượng đã đạt vài chục kilôgam.
Thử hình dung, để chờ chừng ấy thời gian cho những buồng trứng trị giá 4.500-15.000 USD/kg xuất hiện, người nuôi phải chi phí vô vàn thứ: thức ăn, tiền thuê mặt nước, tiền lương nhân công, tiền đầu tư duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất, tiền thuốc chữa bệnh… Nuôi những "ông hoàng" cá tầm để lấy trứng như vậy, không khác gì nuôi con nghiện, huống chi còn phải tính theo đơn vị năm, hay chục năm.
Chính vì thế, cá tầm lấy thịt là một lối thoát cho các doanh nghiệp nuôi cá tầm đầu tư chuyên nghiệp và lâu dài. Toàn bộ cá tầm đực lớn lên, khi qua siêu âm xác định giới tính, sẽ trở thành nguồn cung cấp cá thịt chất lượng cao. Trên thị trường thế giới, thịt cá tầm cũng được đánh giá là đặc sản cao cấp, với thịt trắng mịn, dai, vị béo ngậy, thơm ngon.
Theo con số thống kê của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, cho tới cuối năm 2012, tổng sản lượng cá tầm do các đơn vị trong Hiệp hội nuôi đạt mức trên 700 tấn. Với đơn giá bán buôn ra hiện nay (thời điểm cuối năm 2013) từ 150.000đ đến 200.000đ/kg, cá tầm được nhiều địa phương coi là một trong những đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, góp phần vào khai thác tối đa nguồn lợi nước lạnh.
Năm 2012, theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới: Trung Quốc, Nga, Italia, Bulgaria, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức. Những trang trại nuôi cá tầm nay đã hiện diện ở hầu khắp các khu vực thuận lợi về nguồn nước lạnh như Đà Lạt, Bình Thuận, Bình Định, Đắk Lắk, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái…
Nhưng một tương lai đầy hứa hẹn cho công nghệ nuôi trồng thủy sản Việt Nam, cho một loài cá có thể được mệnh danh là "con cá vàng" chỉ đứng sau loài cá basa… đang bị đe dọa. Nguyên nhân chính là cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc.
Chỉ trong vòng 5 năm, thị trường trong nước chứng kiến những cú rớt giá thảm khốc, tới 50%, của cá tầm thịt. Năm 2008, cá tầm được bán buôn với giá trung bình là 350.000đ/kg. Năm 2009 còn 280.000-300.000đ/kg. Năm 2010 xuống còn 260.000đ/kg. Năm 2011 chỉ còn 230.000-245.000đ/kg. Năm 2012 thảm hại hơn, chỉ còn trung bình 200.000đ/kg.
Và cho đến những ngày cuối năm 2013, thời điểm đáng lẽ nhu cầu về cá tầm được đẩy lên cao nhất, và giá cũng tăng theo, giá trung bình cho một đơn hàng bán buôn nay chỉ còn 180.000đ/kg. Nhưng mức giá đã giảm đó vẫn chưa ăn thua so với cá tầm nhập lậu!
Theo điều tra riêng của phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, trên thị trường buôn lậu cá tầm Trung Quốc vào thời điểm hiện nay (tháng 12/2013), báo giá cho một đơn hàng từ 3 đến 6 tạ cá sống được giao tại Hà Nội chỉ từ 130.000đ tới 140.000đ/kg. Nếu khách yêu cầu, cá tầm sẽ được giao tại TP HCM bằng đường hàng không với giá 165.000-170.000đ/kg, tại Buôn Mê Thuột với giá 170.000-175.000đ/kg.
Với những đơn hàng lẻ, các đầu nậu chân rết cũng sẵn sàng giao với giá chênh lệch so với giá bán buôn khoảng 30.000đ/kg. Các đầu nậu cá tầm lậu sẵn sàng giao hàng cho khách tại bất kỳ địa phương nào: TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Buôn Mê Thuột và Đà Nẵng.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), vào thời điểm tháng 7/2013, có khoảng 10 đầu nậu tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng chuyên thu gom, tổ chức vận chuyển trái phép cá tầm và thủy sản từ Trung Quốc vào Việt Nam. Các địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển thủy hải sản và cá tầm nhập lậu là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng.
Các đối tượng nhập lậu cá tầm còn dùng nhiều thủ đoạn để đánh lạc hướng cơ quan chức năng như không đưa cá vào thẳng thị trường mà tập kết ở các tỉnh lân cận, sau đó chia nhỏ. Các tỉnh trung chuyển cá tầm lậu từ Trung Quốc là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên.
Theo Việt Đông