Sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ cà phê châu Á
Sự thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là ở châu Á, đang là hy vọng của với ngành cà phê thế giới, khi mà tiêu thụ tại Hoa Kỳ giậm chân tại chỗ.
Một liên doanh thương mại vừa ký kết hôm 17/2 hứa hẹn sẽ gia tăng thị phần cà phê cho Colombia trên thị trường châu Á, nơi tiêu thụ đang gia tăng nhanh chóng.
Hợp đồng giữa các công ty Nutresa Group của Colombia và Japanese Mitsubishi Corporation của Nhật Bản sẽ cho ra đời liên doanh Oriental Coffee Alliance (OCA), trong đó mỗi bên năm 50% cổ phần, có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Với các hoạt động tập trung tại Đông Á, OCA sẽ tận dụng cơ hội nhu cầu cà phê đang gia tăng ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trả lời phỏng vấn của báo El Colombiano, Chủ tịch Nutresa, ông Carlos Piedrahíta, nói: “Sự hợp tác với Mitsubishi Corportation, tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản đồng thời là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, có ảnh hưởng rất lớn về thương mại trên thị trường châu Á, sẽ giúp Nutresa theo đuổi mục tiêu tăng cường vị thế trong ngành công nghiệp cà phê toàn cầu, đa dạng hóa sản xuất và xuất xứ cà phê của tập đoàn và thâm nhập vào thị trường cà phê đang tăng trưởng rất nhanh của châu Á”.
Cũng với mục tiêu như Colombia, Costa Rica cũng đang nỗ lực mở rộng ở thị trường châu Á.
Tập đoàn Costa Coffee đang phát triển kinh doanh ở các thị trường châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Cùng với Trung Quốc và Đông Nam Á, Ấn Độ được đánh giá là một trong những thị trường rất tiềm năng.
Costa Coffee đã bắt đầu kinh doanh ở Ấn Độ khoảng một thập kỷ trước, và trong khoảng 2-3 năm qua đã rất tích cực mở rộng hoạt động ở thị trường này. Sau khi phát triển ở Bắc Ấn Độ, hiện tập đoàn đang phát triển về phía Nam Ấn Độ, khu vực tiêu thụ cà phê truyền thống ở quốc gia này.
Sau Bangalore và Chennai, họ đã mở 119 cửa hàng chỉ riêng tại Kochi. Trong khoảng vài năm qua, hãng mở khoảng 20-30 cửa hàng mỗi năm, và có kế hoạch sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới.
Costa Coffee cũng đã có 300 cửa hàng ở Trung Quốc và sẽ mở rộng thêm mạng lưới này trong kế hoạch kinh doanh của những năm tới.
Sự thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là ở châu Á, đang là hy vọng của với ngành cà phê thế giới, khi mà tiêu thụ tại Hoa Kỳ giậm chân tại chỗ. Theo Wall Street Journal, với khoảng 23 gallon mỗi năm, người Mỹ hiện tiêu thụ lượng cà phê chỉ bằng một nửa so với 65 năm trước đây.
Chủ tịch Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Mauricio Galindo, cho biết: “Xu hướng tiêu thụ ở châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia) đang thay đổi. Họ đang tự tổ chức và cơ cấu lại trong tất cả các lĩnh vực: Tiêu dùng, sản xuất và thương mại”.
Tiêu dùng ở những khu vực này tăng trung bình 4% mỗi năm. Ông Ross Colbert thuộc ngân hàng Rabobank dự báo với đà tăng trưởng mạnh, nhu cầu từ những nền kinh tế mới nổi này sẽ đạt 50% tiêu thụ cà phê toàn cầu vào năm 2020.
Mỗi năm tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng khoảng 2,5 triệu bao cà phê, trong đó khoảng 80% đến từ các thị trường mới nổi. Thu nhập tăng và tầng lớp trung lưu phát triển là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng.
Các chuyên gia cà phê đang nhắm tới giới trẻ ở các khu vực đô thị châu Á như chìa khóa thành công của ngành. Trung Quốc và Ấn Độ đã thấy sự bùng nổ việc mở các quán cà phê, trong khi Indonesia và Việt Nam cũng thể hiện “văn hóa cà phê” phát triển mạnh.
Với mức tiêu thụ cà phê trung bình của mỗi người là 1kg/năm, Hàn Quốc trở thành một trong những nước có nhu cầu sử dụng cà phê lớn tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và là một trong những thị trường cà phê hấp dẫn nhất thế giới.
Năm 2012, tiêu thụ cà phê bình quân trên đầu người của Hàn Quốc cao gấp năm lần so với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tổng lượng cà phê được tiêu thụ đạt 3 triệu USD. Mặc dù kinh tế mấy năm qua khủng hoảng và những lo ngại của người dân về vấn đề sức khỏe ngày càng tăng, nhưng ngành cà phê tại nước này vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng 30% liên tiếp trong bốn năm trở lại đây. Khi thế hệ trẻ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa phương Tây và nhu cầu về sử dụng cà phê chất lượng cao tăng nhanh, thì ngành cà phê lại càng có điều kiện phát triển trong thời gian tới.
Sở thích cà phê của giới trẻ châu Á có sự thay đổi. Họ thích loại và cách sử dụng đơn giản, tiện dụng, theo kiểu phương Tây. Cà phê lạnh và cà phê uống liền ngày càng được sử dụng phổ biến hơn. Và điều thú vị là tốc độ tăng trưởng của thị trường cà phê hòa tan mạnh mẽ nhất lại thuộc về những nước có truyền thống uống trà, bởi thói quen uống đồ nóng từ ngàn đời xưa.
Nhưng xu hướng thay đổi khẩu vị cũng bắt đầu diễn ra ở những khu vực này, và dự kiến sẽ rõ nét hơn trong tương lai. Tại Hàn Quốc, nơi mà số lượng quán cà phê tăng từ 1.600 năm 2006 lên 12.000 năm 2011, người uống đã bắt đầu chuyển từ cà phê hòa tan sang cà phê rang xay, với sự quan tâm ngày càng nhiều tới chất lượng cà phê.
Trong khi ở những thị trường bão hòa như Mỹ, cả người trẻ và người già đều giảm dần việc uống cà phê, thì các nền kinh tế mới nổi là niềm hy vọng của ngành đồ uống đầy hấp dẫn này.
Vân Chi