Tháo gỡ “ma trận” giá cá tra
Khi giá cá tra tăng do nhu cầu thị trường, cá thương phẩm thiếu; khi giá thấp người dân lại không có câu trả lời. Giá nhiễu loạn không chỉ gây khó cho người nuôi mà còn làm xấu đi hình ảnh cá tra VN.
Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA), những ngày đầu tháng 10, giá cá tra tăng trung bình 500 - 1.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 9/2013. So sánh với chi phí sản xuất 22.000 - 23.000 đồng/kg thì người nuôi có lãi 1.000 - 1.500 đồng/kg, thậm chí với người nuôi cá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cũng có thể hòa vốn. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau giá cá lại giảm. Giá cá tra thịt trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (800 - 900 g/con) chỉ còn 22.500 - 23.500 đồng/kg và giảm sâu hơn đối với cá có chất lượng thịt xấu hơn.
Một vị lãnh đạo hiệp hội xuất khẩu thủy sản thừa nhận: Tình hình xuất khẩu bình thường nhưng không hiểu tại sao giá cá tra lại giảm, khả năng do thời điểm trước cá đến lứa thu hoạch ít nhưng nhu cầu doanh nghiệp lớn đã đẩy giá lên cao, còn khi cá nhiều lên thì giá lại giảm. Nhưng đó cũng chỉ là một sự phỏng đoán.
Ông Cao Lương Tri (ấp Mỹ An I, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: Cứ theo đà này thì nhiều người sẽ bỏ ao. Bán xong cá, họ không dám thả lại; giá quá thấp, người nuôi không chịu nổi nữa. Và tháng 11 này, nhiều doanh nghiệp có cá đến lứa thu hoạch, khả năng giá còn thê thảm hơn.
Người nuôi cá khó khăn, thua lỗ; doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn phát triển vùng nuôi. Nhiều người dự đoán, thời gian tới, ngành cá tra sẽ phải đối diện tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu, một bài toán đã tồn tại khá lâu chưa có lời giải. Tuy nhiên, diện tích nuôi và sản lượng cá tra ĐBSCL vẫn là một ẩn số nên khó nói trước điều gì. Nhưng có thực tế, ngày càng nhiều người nuôi cá phải “treo ao”. Bởi như tâm sự của một người nuôi cá tra thì “Chúng tôi tính được giá thành nhưng không quyết được giá bán nên doanh nghiệp mua thế nào chúng tôi phải chịu như vậy”.
Sự biến động giá cá tra gây mất cân đối lợi ích trong bài toán thu nhập giữa doanh nghiệp và người dân ngày càng rõ, vì vậy cần hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi; Bên cạnh đó, cần điều chỉnh một số chính sách (như việc hoàn thuế khi mua sản phẩm đầu vào cho người nuôi cá tra thay vì chỉ hoàn thuế cho doanh nghiệp như hiện nay…).
Doanh nghiệp chế biến và người nuôi mà hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ giúp doanh nghiệp giảm được gánh nặng phải lo vùng nuôi, vốn và quản lý; tận dụng được nguồn lực trong dân (như vốn và tay nghề); còn nông dân được chia sẻ rủi ro…
Theo Quốc Minh