MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái cây đẹp nhờ hóa chất

18-08-2015 - 09:18 AM |

Sau nhiều ngày tiếp cận, phóng viên đã được các thương lái tiết lộ và “biểu diễn” việc dùng hóa chất biến trái cây non, xanh thành trái chín đẹp mắt chỉ trong vài giờ

Chiều 15-8, chúng tôi được chị S. (một thương lái chuyên thu mua sầu riêng tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) dẫn xuống huyện Chư Sê để mua sầu riêng.

Ngâm ngay tại vườn

Sau khi thống nhất mức giá 20.000 đồng/kg sầu riêng chín rụng và 17.000 đồng/kg sầu riêng xanh, non với một nhà vườn, chị S. cho người vào hái toàn bộ số sầu riêng, khoảng hơn 400 quả. Những quả chín rụng được để riêng một đống.

Ngay tại sân nhà người bán, những quả sầu riêng xanh, non, kể cả những quả đui (không có hạt) được gom thành đống riêng. Sau đó, chị S. lấy chậu nước và đổ một loại hóa chất đựng trong chai nhựa không nhãn mác vào hòa tan, từng quả được đưa vào chậu ngâm khoảng 15 phút rồi vớt ra. Sau khi những quả sầu riêng được ngâm đã khô nước, hai người giúp việc của chị S. mang ra bãi đất trống ném mạnh xuống để tạo dấu vết như sầu riêng chín rụng.

Chị S. giảng giải: “Quả non, xanh cỡ nào chỉ cần ngâm một lúc là ngày mai chín hết. Như vậy mới kịp đơn hàng để gửi đi TP HCM. Còn việc chúng nó ném xuống đất để tạo dấu vết như thể là sầu riêng chín rụng, không tinh ý thì không ai phát hiện được”.

Tại kho nhà chị S., hàng tấn sầu riêng được chất đống, phân thành nhiều loại. “Loại quả điếc, quả đui thưa múi không ai thèm mua nhưng mình vẫn mua, sau đó làm chín để bán cho mấy cơ sở làm kem vì họ chỉ cần mùi sầu riêng chứ đâu cần múi miếc gì” - chị S. nói và cho biết mỗi ngày chị thu mua, ép chín và gửi xe vào bán cho các thương lái ở TP HCM được khoảng 200 kg. Cũng theo chị S., giới mua bán sầu riêng ở TP Pleiku đều dùng hóa chất để ép chín sầu riêng vì nhu cầu tiêu thụ lớn, nếu không dùng hóa chất thì lấy quả chín đâu mà bán.

Chúng tôi về 2 huyện Krông Pắk và Ea Kar của tỉnh Đắk Lắk cũng tận mắt chứng kiến công nghệ ép chín mít siêu tốc bằng hóa chất. Cơ sở chế biến mít của ông Bốn (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) đang chứa hàng tấn mít, nhiều quả đã bóc vỏ nằm ngổn ngang trên mặt sàn nhớp nháp. Cả khu vực bốc mùi hôi thối.

Chúng tôi đặt vấn đề cần tìm nguồn hàng với số lượng lớn để chế biến nhưng thấy mít có nhiều quả non sẽ không chín đồng loạt, ông Bốn bật cười, giải thích: “Mít mua về còn non thì cả tuần mới chín. Nếu cả tấn mít đợi mỗi ngày chín vài quả rồi đem lột thì sao bán được, phải dùng hóa chất kích thích để trái chín đồng loạt, đẹp lại không bị đắng”. Chúng tôi nói muốn quan sát cách ép mít chín thì ông Bốn cho biết toàn bộ mít đã được bơm thuốc, chỉ ngày mai là chín.

Rời cơ sở của ông Bốn, chúng tôi đến vựa của anh Minh. Theo anh Minh, cơ sở có 2 loại là mít bơm hóa chất và không bơm hóa chất nhưng loại không bơm rất ít vì chỉ dùng để ăn hoặc bán cho người quen, đem biếu; còn mít lột lấy múi làm nguyên liệu sấy đều phải dùng hóa chất. Có ba cách ép mít chín: pha hóa chất với nước tưới đều lên mít, sau đó đậy bạt ni-lông ủ; đưa hóa chất vào xi lanh, chai nhựa, dùng dùi đâm thủng một lỗ nhỏ ở cuống rồi bơm thuốc vào; dùng dao khoét một lỗ nhỏ ở bất cứ vị trí nào của trái mít rồi đổ trực tiếp hóa chất vào trái.

“Cách thứ ba được các chủ vựa áp dụng phổ biến vì khi hóa chất được bơm trực tiếp vào, mít nhanh chín, chín đều, múi đẹp không bị sượng chỉ sau 24 giờ, kể cả trái còn non” - anh Minh giải thích rồi cầm chai hóa chất, lấy con dao khoét vào thân trái một lỗ nhỏ, đổ hóa chất vào. “Nếu bơm quá nhiều, trái chín nhanh không lột kịp sẽ úng thối. Nếu bơm không đủ liều, trái chín sượng, múi có màu nhạt sẽ bị chê, mất giá” - anh Minh nói.

Hóa chất: Mua bao nhiêu cũng có

Theo chỉ dẫn của chị S., chúng tôi đến nhà của người tên K. để mua hóa chất làm sầu riêng nhanh chín. Ông K. lấy ra hai loại hóa chất, một loại đựng trong chai nhựa không nhãn mác, giá 50.000 đồng/chai và một gói thuốc đựng 20 ống nhỏ như cây bút, ghi chữ Trung Quốc, giá 30.000 đồng/gói. Ông K. cho biết thuốc này có tên là “Hoa quả thúc chín tố và chín trái”.

“Chỉ cần pha khoảng 3 nắp chai với nửa chậu nước là có thể ngâm được gần 100 quả. Sáng nay ngâm thì sáng mai chín ngay. Còn loại ống thì cứ 5-6 ống pha với 1/2 lít nước bơm vào quả là chín, thường dùng cho mít hơn sầu riêng” - ông K. hướng dẫn và cho hay những loại thuốc này ông mua từ một người ở ngoài Bắc. Khi phóng viên đề cập chuyện ảnh hưởng tới sức khỏe hay không, ông K. thẳng thừng: “Cái đó sao tôi biết được, nhưng nói thật tôi chẳng bao giờ ăn sầu riêng hay mít bày bán ngoài cửa hàng”.

Từ lời giới thiệu của anh Minh, chúng tôi đến một số cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở thị trấn Ea Kar hỏi mua thuốc. Các cửa hàng này đều nói hết hàng đối với người lạ, còn với các chủ vựa mít thì mua bao nhiêu có bấy nhiêu.

Xử lý rất khó

Theo các chủ vựa, có ba loại hóa chất để ép trái cây chín nhưng loại có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhiều người sử dụng, mỗi trái chỉ cần nhỏ 2 đến 3 giọt là chín.

Ông Nguyễn Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Gia Lai, cho biết đã nghe thông tin về những loại hóa chất ép sầu riêng chín nhưng bắt quả tang rất khó. Những loại thuốc kích thích trái cây chín nhanh nếu có nguồn gốc rõ ràng thì không có hại lắm. Tuy nhiên, do các sản phẩm thương lái sử dụng không có nhãn mác nên không biết được chất gì, có độc hại hay không.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk, việc thúc mít chín bằng các loại hóa chất bơm, chích trực tiếp vào trái sẽ đe dọa đến sức khỏe người dùng. Hóa chất Trung Quốc không có địa chỉ, ngày tháng sản xuất, trên bao bì ghi chữ “ít độc” nghĩa là vẫn có độc. Người tiêu dùng ăn phải sản phẩm có loại thuốc này rất dễ bị kích ứng da gây mẩn ngứa, khi ngấm vào cơ thể với lượng lớn sẽ nguy hại đến sức khỏe.

 

Hàng xấu ai thèm mua!

Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM), bà N. (một chủ vựa trái cây lớn), cho biết thường mua “mão” luôn cả vườn sầu riêng để hái từng đợt. Vào vụ, trái sầu riêng hái trên cây xuống đều già nhưng chờ chín thì rất lâu và chín không đều nên thương lái phải dùng thuốc thúc chín cho đều trong một thời điểm. Loại thuốc thường dùng chủ yếu màu vàng nhạt, có dạng bột và dạng nước, giá từ 120.000 - 320.000 đồng/kg do các đầu mối đem đến. Công đoạn ủ, phun thuốc thúc chín được thao tác ngay tại vườn trước khi chất lên xe chở đi nhập kho. Nhờ thuốc mà ruột sầu riêng có màu vàng rất đẹp. Tùy vào thời điểm bung hàng bán mà thương lái gia giảm lượng thuốc nhiều hay ít.

Tại bến Bình Đông (quận 8), hằng ngày tấp nập các ghe chở chuối xanh từ Tiền Giang, Bến Tre lên bán sỉ. Muốn chuối chín, thương lái xịt vào buồng chuối thuốc thúc chín là ngay ngày hôm sau cả buồng chuối già căng vỏ rất đẹp. Ông Thà, một chủ ghe, cho biết muốn bán ngày nào thì xịt thuốc trước vài giờ là có hàng bán. Người bán tha hồ vận chuyển, thậm chí đẩy xe đi bán rong cả ngày dưới nắng nóng cũng không bị xuống màu.

Các thương lái nói đều biết tác hại của thuốc thúc chín trái cây nhưng buộc phải làm thế. Ông Thà bảo nếu không làm, hàng xấu thì chỉ đổ bỏ chứ ai thèm mua. Chừng nào người tiêu dùng còn ham chọn trái cây căng mọng với màu chín đẹp thì chừng đó thương lái vẫn phải làm.

Một cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM cho biết lâu nay chi cục chủ yếu kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả chứ chưa kiểm tra, kiểm nghiệm chất bảo quản.

Ng.Mai

 

 

Dưa hấu để 8 tháng vẫn tươi

Ngày 17-8, anh Trần Văn Ân- chủ quán cà phê Nhóc ở phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương- bổ trái dưa hấu mà nhiều khách uống cà phê tại quán gọi là “quả dưa thần kỳ”. Kết quả, bên ngoài vẫn còn tươi nhưng bên trong đã thối. Nói về quả dưa này, anh Ân cho biết ngày 8-2, anh mua tại một điểm bán dưa di động ở khu vực chợ Đình (TP Thủ Dầu Một) về chưng Tết Nguyên đán. Dù thời tiết nóng, quả dưa đặt gần chỗ nhang khói nhưng một tháng trôi qua, vỏ vẫn tươi như lúc mới mua. Khách uống cà phê thấy lạ nên bảo anh đừng xẻ mà để xem thử khi nào héo. Đến nay, vỏ quả dưa vẫn tươi. Khi bổ ra, anh Ân phát hiện bên trong có chất lỏng, màu vàng, mùi hôi rất khó chịu.

Trái dưa hấu anh Trần Văn Ân mua về từ Tết Nguyên đán đến nay vỏ vẫn còn tươi

 

Trái dưa hấu anh Trần Văn Ân mua về từ Tết Nguyên đán đến nay vỏ vẫn còn tươi

Ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bình Dương, nói nếu trái dưa hấu để lâu vậy mà không hư thì do có chất bảo quản. Ở Việt Nam, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém, không có loại chất bảo quản đó. Chất bảo quản này có thể từ nước khác nhưng chưa biết thuộc nhóm chất gì nên không rõ mức độ gây hại cho sức khỏe người dùng.

Như Phú

 

 

Theo Cao Nguyên - Hoàng Thanh

Người lao động

Trở lên trên