MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ mía “đắng” ở Long An

26-03-2014 - 14:27 PM |

Ruộng mía ở các xã Lương Bình, Lương Hòa, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức của huyện Bến Lức (Long An) đang vào mùa thu hoạch và người trồng vô cùng lo lắng vì giá mía xuống quá thấp.

Mùa mía đắng

Năm 2013-2014, diện tích mía ở 5 xã của huyện Bến Lức trên 8.500ha. Tuy nhiên giá mía hiện nay chỉ ở mức 450.000-500.000 đồng/tấn đang là nỗi lo của người nông dân. 

Ông Nguyễn Bá Luân ngụ ấp 2, xã Bình Đức than thở: Vụ mía này tui trồng 2ha, thu hoạch trên 90 tất/ha, nhưng giá chỉ có 450.000 đồng/tấn, lỗ gần 30 triệu đồng. Hiện ruộng mía của gia đình tui nằm phơi đất, chưa có tiền để mua giống trồng lại. Trong khi đó tiền vay từ ngân hàng đến hạn trả mà tui vẫn chưa có tiền”. 

Gần nhà ông Luân, ông Nguyễn Văn Xê canh tác 1ha mía, thu hoạch từ ngay đầu vụ bán giá chỉ có 380.000 đồng/tấn, nên cũng lâm vào cảnh lỗ nặng và nợ nần. Ông Xê nhận định: Nếu thời gian tới giá mía như kiểu này, chắc chắn có nhiều người bỏ mía chuyển sang cây trồng khác, thực tế hiện nay đã có rất nhiều người chuyển sang trồng cây chanh, ổi…

Còn ông Nguyễn Văn Bay (ngụ ấp 6B, xã Lương Hòa) trồng 4ha mía, do giá giảm mạnh nên lỗ trên 40 triệu. Ông Bay cho biết, gia đình ông gắn bó với cây mía hơn 30 năm nay. Giá mía năm nay tệ quá, hiện thương lái mua tại ruộng giá chỉ có 450.000-500.000 đồng/tấn, tùy theo ruộng mía gần hay xa đường giao thông thủy, bộ. Trong khi đó giá tiền thuê lao động thu hoạch mía đã tốn từ 130.000-160.000 đống/tấn. 

Ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đức cho biết, mía là cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích trên 1.400ha. Vụ này diện tích đã giảm gần 100ha so với vụ 2012-2013, dự kiến tới đây còn giảm khoảng từ 10-15% diện tích còn lại. 

Hiện nông dân đã thu hoạch trên 70% diện tích mía, năng suất đạt 6,5-70 tấn/ha. Cũng theo ông Sơn: “Nguyên nhân diện tích mía bị giảm một phần là do giá cả không ổn định, cái chính là do Nhà máy Đường Ấn Độ với người trồng mía chưa thể gặp nhau để có tiếng nói chung”.

Thương lái cũng gặp khó 

Ngày 24.3, tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Văn Chiếm (ấp 2, xã Bình Đức) - người có hơn 10 năm hành nghề mua mía ở huyện Bến Lức cho biết: “Cả xã Bình Đức này có khoảng 70 lái mía, người thâm niên nhất cũng 20-30 năm, mới vào nghề ít nhất cũng 5-10 năm. Nhưng tất cả đều nhận thấy, không có năm nào cây mía bị “đối xử tệ” như năm nay. 

Thương lái mua mía của nông dân thì trả tiền liền, thanh toán tiền công đốn sau vài ngày. Trong khi đưa mía đến Nhà máy Đường Ấn Độ (ở xã Lương Hòa) thì bị “ngâm” ít nhất 2 tuần đến 1 tháng mới thanh toán tiền. 

Cũng theo ông Ba Chiếm, Nhà máy Đường Ấn Độ con nợ tiền mía của ông khoảng 400-500 triệu đồng. Không riêng gì ông mà có nhiều người khác và có người bị nợ cả tỷ đồng. Không chỉ nợ, mà Nhà máy Đường Ấn Độ còn đánh chữ đường quá thấp, từ 7 - 8, cao lắm là 9 chữ đường mỗi ghe mía. Một điều nghịch lý hơn nữa là một ruộng mía có 2-3 mức chữ đường khác nhau, thậm chí 2 ghe mía cùng một ruộng mía cũng có chữ đường khác nhau… 

Theo phản ánh của nhiều thương lái, tại Công ty Mía đường Hiệp Hòa (Đức Hòa, Long An) hay nhà máy đường ở tỉnh Bến Tre, khi thương lái đưa mía đến máy cân thì chữ đường hiện ngay trên màn hình máy tính. Việc công khai này làm nhiều người “tâm phục” và tiền cũng được thanh toán ngay. 

Cơ quan chức năng “bó tay”

Ông Lê Minh Đức-Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, sở đang phối hợp với các ngành, huyện tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất mía. Đồng thời, đầu tư nạo vét, hoàn chỉnh hệ thống đê bao lửng phục vụ sản xuất, ngăn triều cường, lũ lụt... 


Theo ông Đức, các nhà máy đường phải hướng dẫn về khoa học - kỹ thuật và đầu tư phát triển các giống mía mới chất lượng cao, giá cả hợp lý, tăng thu nhập cho người trồng mía. 

Khi giá mía hạ, nhà máy phải chia sẻ lợi ích với người trồng mía, có chính sách hỗ trợ vốn, đầu tư sản xuất, thu mua mía nguyên liệu hợp lý, công bố rõ giá thu mua và cách tính chữ đường, tạp chất... nhằm bảo đảm lợi ích cho người trồng mía. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết: “Không chỉ những người trồng gặp khó khăn mà cả các nhà máy đường cũng gặp khó khăn về tài chính do giá đường giảm mạnh. 

Nhà máy chỉ bán được đường với giá từ 12.000-13.000 đồng/kg, từ đó làm ảnh hưởng sản xuất mía của nông dân. Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty Đường Ấn Độ đã nợ tiền mía của người nông dân khoảng 64 tỷ đồng. Công ty này vừa cam kết đến hết tháng 3.2014 sẽ trả khoảng 40 tỷ đồng để tạo lòng tin cho người trồng mía. 

Theo Diệu Thanh

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên