Nova F&B bán mình cho một đối tác Singapore, sẽ do công ty sở hữu Gem Center vận hành?
IN Hospitality xác nhận không mua lại Nova F&B mà bên mua là một đối tác Singapore. Đối tác này thuê IN Hospitality vận hành. Thông tin cụ thể hơn chưa thể tiết lộ.
- 31-05-2023Nova Consumer muốn cắt lỗ mảng trại gà, dừng mở rộng các trang trại heo, kế hoạch lợi nhuận 2023 giảm 94%
- 27-03-2023Nova Consumer lên kế hoạch lợi nhuận giảm 70%, bán mảng gà để cắt lỗ
- 27-12-2022Nova Group sau 1 tháng công bố tái cấu trúc: Một số điểm Cà phê Casa dừng hoạt động, PhinDeli gỡ biển tại vị trí đắc địa
Đầu tháng 6, CTCP Nova F&B đã ghi nhận sự thay đổi về nhân sự cấp cao, trong đó bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty. Điều đáng nói, bà Ngọc chính là Tổng giám đốc CTCP IN Hospitality - chủ sở hữu trung tâm hội nghị GEM Center và White Palace.
IN Hospitality xác nhận không mua lại Nova F&B mà bên mua là một đối tác Singapore. Đối tác này thuê IN Hospitality vận hành. Thông tin cụ thể hơn chưa thể tiết lộ.
IN Hospitality - trước đây là CTCP PQC Convention. Doanh nghiệp này là đơn vị thành viên của IN Holdings do 2 anh em doanh nhân Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý đã thành lập.
Bên cạnh GEM Center, IN Holdings còn sở hữu trung tâm hội nghị tiệc cưới White Palace.
IN Hospitality vừa công bố tình hình tài chính năm 2022. Ghi nhận, lợi nhuận năm qua của Công ty thu về hơn 130 tỷ đồng, trong khi năm ngoái chỉ đạt 12 tỷ đồng. Mức tăng trưởng đến 11 lần trong năm qua thực sự là con số ấn tượng, trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ đồng loạt sụt giảm mạnh, thậm chí có đơn vị thua lỗ.
Năm qua, IN Hospitality tăng vốn chủ sở hữu từ mức 549,4 tỷ lên 670,4 tỷ đồng. Không chỉ lãi tốt, cơ cấu tài chính của Công ty cũng “khá đẹp” khi Hệ số nợ phải trả/vốn chủ được giảm đáng kể, từ mức 68% (năm 2021) còn 46% (năm 2022). Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ mức 23% chỉ còn 5%.
Về phía Nova F&B, đây là mảng F&B của Novaland phát triển những năm trở lại đây, đi theo định hướng phát triển hệ sinh thái dịch vụ với mảng trung tâm là bất động sản.
Năm 2022, Nova F&B có bước phát triển rất mạnh, song đến cuối năm này rơi vào khó khăn, trước khi có động thái thay đổi nhân sự cấp cao. Một số chuỗi nhà hàng nổi tiếng của Nova F&B có thể kể đến như Jumbo Seafood, Dynasty House, Jade Palace… hay các thương hiệu cửa hàng cà phê như Mojo Coffee, Café Cô Ba Rooftop, Saigon Casa Café…
Từ đầu năm đến nay, Nova F&B có đến 4 lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp liên tục thay đổi người đứng tên và Tổng Giám đốc, từ ông Nguyễn Thảo Quân (Phó Tổng Giám đốc Thương mại Nova Service) sang bà Võ Thị Thiên Nga (Phó Tổng Giám đốc Nova Service), bà Nguyễn Thị Thúy (làm tại bộ phận nhân sự - đối tác kinh doanh của NVL), cuối cùng là bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc vào ngày 07/06 nói trên. Giữa tháng 4, Nova F&B tăng vốn điều lệ từ 180 tỷ lên 600 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng thuộc Nova F&B thông báo đóng cửa hoặc di dời địa điểm kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cà phê Saigon Casa Café và tại khu vực hồ Con Rùa, quận 1, Tp.HCM đóng cửa mới đây, dời địa điểm kinh doanh sang quận Phú Nhuận. Trước đó vào tháng 3/2022, sau gần hai năm mở cửa và hoạt động, cửa hàng Saigon Casa Café - Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã đóng cửa.
Nhịp sống thị trường