Nữ CEO đầu tiên của Thiên Long: Mỗi ngày đều đam mê đi làm, đưa thương hiệu quốc dân chinh phục kỷ lục nhờ đẩy "sếp" xuống vị trí cuối cùng
CEO Thiên Long khẳng định: Không thể chỉ đánh giá một doanh nghiệp qua những con số tài chính đơn thuần, mà phải nhìn doanh nghiệp như một cơ thể đang chuyển động với nhiều mắt xích khác nhau
- 09-10-2024Thiên Long sau 7 năm tự xây kênh TMĐT: Từ khoản đầu tư bị cho là 'thất bại' đến mức tăng trưởng 200%
- 29-09-2024Bán sách, bút cho hàng triệu học sinh, Thiên Long và NXB Giáo dục thu về tổng cộng gần nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm, vượt xa nhiều vượt nhiều đại gia 'buôn đất'
- 02-02-2024“Vua bút bi” Thiên Long hứng “cú đấm” khi nhu cầu yếu: Lợi nhuận quý 4/2023 tiếp tục đà lao dốc còn 28 tỷ đồng
Trong buổi chiều trò chuyện với bà Trần Phương Nga - CEO của CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG), chúng tôi phải ngắt quãng 3 lần bởi lịch trình công việc dày đặc của bà. Sự bận rộn ấy chưa bao giờ khiến cho “nữ tướng” của Thiên Long mệt mỏi bởi vì đối với bà, công việc là đam mê và hạnh phúc.
“ Mỗi ngày tôi đều thấy vui, hào hứng khi được làm việc , cuối tuần vẫn làm việc say sưa . Từ khi đi học tôi cũng đã tìm thấy niềm vui khi mỗi ngày được đến lớp . Với tôi học và làm đều là niềm yêu thích vô tận”, bà chia sẻ.
Được biết, bà Trần Phương Nga từng nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Úc theo chương trình của cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) và chọn học chuyên ngành Tài chính kế toán tại Trường Đại học Kinh tế tài chính thuộc đại học Sydney.
10 năm đầu sau khi tốt nghiệp, bà đầu quân vào nhiều tổ chức, bình quân dành 2 năm mỗi nơi và kênh qua nhiều vị trí với tinh thần học hỏi càng nhiều càng tốt. 10 năm tiếp theo, bà quyết định làm việc tại Việt Nam. Khi đang ở một quỹ đầu tư, bà Nga để ý đến Thiên Long và gia nhập Tập đoàn từ năm 2012.
Sau thời gian dài ở cương vị Phó Tổng Giám đốc, được tạo điều kiện tham gia nhiều mảng hoạt động công ty, đồng thời có thời gian làm Trợ lý cho Chủ tịch HĐQT Cô Gia Thọ, bà Nga chính thức nhận vị trí CEO Thiên Long vào tháng 6/2021. Đây là lần đầu tiên Tập đoàn văn phòng phẩm số 1 Việt Nam có nữ lãnh đạo ở vị trí cao nhất.
Năm 2022, tức 1 năm sau khi bà Nga nhận chức CEO, Thiên Long báo doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Dù sụt giảm trong năm 2023, đến quý 2/2024 vừa qua, Tập đoàn một lần nữa chứng kiến lợi nhuận theo quý đạt kỷ lục mới lên mức 241,5 tỷ đồng – tăng 44% so với cùng kỳ.
Bà Nga nói rằng, đó là thành quả từ nền tảng lâu đời mà toàn bộ đội ngũ Thiên Long đã xây dựng trong nhiều năm qua. Nhưng nữ CEO nói: “ Nền tảng kinh nghiệm của Thiên Long là tài sản vô giá nhưng không thể cứ hài lòng ở đó, tôi và đội ngũ của mình muốn “nhiều” hơn”.
Nền tảng học vấn ngành tài chính đã hỗ trợ bà Nga rất nhiều trên cương vị CEO của một công ty sản xuất. Đó là tầm nhìn dài hạn, tính linh hoạt khi chứng kiến nhiều thăng trầm của các doanh nghiệp dưới góc độ đầu tư. Đồng thời, xây dựng được hệ thống quản trị tài chính để làm “xương sống” vững chắc, đẩy công ty tiếp tục phát triển.
Và đặc biệt là sự thấu hiểu các câu chuyện đằng sau những con số.
Bà Nga lý giải, số liệu về doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng khách hàng… được ghi nhận và báo cáo, nhưng điều quan trọng của một CEO là phải liên tục đặt các câu hỏi: Tại sao sản phẩm này, thị trường này thành công, còn sản phẩm kia, thị trường kia thất bại? Tại sao tỷ lệ nhân viên nghỉ việc là con số đó, mà không phải một con số khác?
“Con số chỉ là trần trụi, nhưng đào sâu sẽ thấy được câu chuyện, và đó cũng chính là tương lai. Việc liên tục đặt câu hỏi để tìm ra nguyên nhân kết quả thì chúng ta sẽ có được câu trả lời đầy đủ và bao quát nhất, từ đó lên chiến lược kinh doanh”, bà nói.
Trước kết quả kinh doanh ấn tượng của Thiên Long, CEO Trần Phương Nga từng đối mặt với một số câu hỏi. Phải chăng CEO là “dân tài chính”, từng làm cho quỹ đầu tư nên việc “xào nấu” các con số là chuyện đơn giản?
Đáp lại, bà Nga khẳng định, có thể “xào nấu” con số, nhưng chỉ làm một năm chứ không thể kéo dài nhiều năm. Tại Thiên Long, quan điểm của bà là luôn nhìn về dài hạn, về tính bền vững, nên những hành động nhằm làm đẹp báo cáo tài chính trong ngắn hạn không nằm trong tư tưởng của bà.
Trước khi nhận chức, bà Trần Phương Nga học hỏi nhiều hơn từ các đối tác, sách vở và cảm thấy thích làm việc với con người, với đội ngũ, thích làm văn hoá, quản trị và nghĩ về đội ngũ kế thừa nhiều hơn.
“Con số chỉ là nền tảng, nên từ nền tảng đó muốn đi lên thì yếu tố con người mới quan trọng”, bà quả quyết.
Nữ CEO cho rằng không thể chỉ đánh giá một doanh nghiệp qua những con số tài chính đơn thuần, mà phải nhìn doanh nghiệp như một cơ thể đang chuyển động với nhiều mắt xích khác nhau. Thậm chí nếu nói về chiến lược, con số chỉ là “điều kiện cần” ban đầu.
Ở vị trí điều hành cao nhất, quyết định của bà Nga thực tế không dựa nhiều vào con số. Ngược lại, câu hỏi đầu tiên khi ra quyết định là: Muốn đạt mục tiêu gì? Công ty sẽ đánh đổi ra sao? Rủi ro đằng sau là gì? Và tương lai đem lại gì?
“Toàn bộ những câu hỏi đó chưa có số”, bà Nga nói. Phải đến khi trả lời được rồi liên kết chúng lại với nhau, người lãnh đạo hẵng nên tính đến con số.
Chưa kể, con số trong mỗi quyết định chỉ mang tính giả định. Thành công của các sản phẩm trong quá khứ được thể hiện thông qua số doanh thu, số lợi nhuận, mức tăng trưởng… nhưng bản chất đó chỉ là những điều trong quá khứ được đem ra để làm “giả định”, tham chiếu cho một kế hoạch trong tương lai.
Do đó, theo CEO Thiên Long, trong mỗi quyết định của người điều hành, một nửa là con số giả định, một nửa còn lại chính là sự phán đoán. Sự phán đoán của một lãnh đạo được xây dựng từ rất nhiều yếu tố, bao gồm kinh nghiệm tại doanh nghiệp, kinh nghiệm thực tế, mối quan hệ xã hội, thông tin về thị trường…
“Quan trọng hơn hết là biết lắng nghe. Làm CEO không có nghĩa là sẽ ra quyết định cảm tính chỉ dựa trên sự phán đoán của bản thân, mà CEO phải lắng nghe đội ngũ của mình. Lắng nghe và đặt câu hỏi để người ta phản biện, từ đó mới ra quyết định cuối cùng”, bà Nga nhấn mạnh.
Bà Nga kể về việc bản thân đã làm một cuộc “cách mạng” tại Thiên Long, đó là đưa vị trí CEO xuống khâu cuối cùng trong mỗi quyết định quan trọng. Đồng nghĩa, Thiên Long sẽ tăng được trách nhiệm và tính chủ động cho các trưởng nhóm, trưởng phòng, lãnh đạo cấp trung. Điều này theo bà rất hiệu quả bởi giúp khơi gọi được động lực của nhân sự bên dưới, từ đó đội ngũ tự đi xa mà không cần CEO phải “đẩy”.
Cụ thể, lý thuyết quản trị mang tính “cách mạng” của Thiên Long bao gồm 4 trụ cột.
Thứ nhất, kiên trì với triết lý “đổi mới để tăng trưởng”. Đổi mới là hành trình vĩ đại mà ban đầu sẽ không tránh khỏi những thách thức, cô đơn và người lãnh đạo phải không ngừng trăn trở về những nước cờ đã hạ và sẽ tiến.
Thứ hai, đề cao lãnh đạo không chức danh. Bà Nga ứng dụng mô hình sơ đồ quản trị ngược, tức là “sếp” sẽ ở vị trí thấp nhất để làm bệ đỡ cho nhân viên.
Thứ ba, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. CEO của Thiên Long thúc đẩy công ty đầu tư vào các dự án sản xuất sạch, giảm thiểu tác động đến môi trường. Bà Nga cũng chú trọng đến việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Thứ tư, quản trị con người. Tại Thiên Long có “6 chữ T” và 4 CHỮ NHÂN. Trong đó, 6 chữ T gồm “Tài” - tìm kiếm người tài cho Công ty; “Tâm” – nhiều người đã gắn bó rất lâu với Thiên Long; “Tình”, “Tiến Tới” và “Tốc độ”. Cuối cùng mới là “Tiền”. 4 CHỮ NHÂN gồm: Sản phẩm NHÂN VĂN phục vụ cho học tập; môi trường NHÂN NGHĨA; con người đối xử với nhau NHÂN ÁI; và mối quan hệ giữa công ty và khách hàng NHÂN TÌNH, bền chặt.
Có thể hình dung doanh nghiệp như một bộ máy đang vận hành, mà trong đó các bánh răng cần ăn khớp với nhau. Và với Thiên Long, triết lý quản trị theo bà Nga: “Chỉ cần mình suy nghĩ, ra quyết định trên một tâm thế tích cực, thì những giá trị nhận về cũng sẽ tích cực”.
Với bà, bà tự nhận mình “yêu” Thiên Long, luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho Công ty, chính điều này giúp bà hoàn thành tốt vai trò của mình.
Thành tựu của Thiên Long là chiếc bút bi, và “nỗi đau” của tập đoàn văn phòng phẩm số 1 Việt Nam cũng là chiếc bút bi.
Bà Trần Phương Nga từng nói rằng, khi nhắc đến Thiên Long, người ta chỉ nghĩ đến bút bi mà không nhớ rằng doanh nghiệp còn có rất nhiều sản phẩm khác. Điều đó tưởng chừng rất khó để thay đổi nhưng Thiên Long đã làm được.
Bà Nga tự hào nhắc về dòng bút màu khi màu sắc bút Thiên Long được đánh giá có độ chính xác về phổ màu rất cao, và xuất đi được các nước châu Âu, Mỹ, chứng tỏ độ an toàn cho người dùng.
Thiên Long cũng đang phát triển tốt dòng bút Đánh dấu vết mổ phục vụ phẫu thuật - Surgical Skin Marker. Bà Nga kể, năm 2017 một công ty Mỹ có nhu cầu đặt bút đánh dấu vết mổ phục vụ phẫu thuật. Công ty này chọn Thiên Long nhờ vào kinh nghiệm, năng lực sản xuất và đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về yếu tố sạch, tiệt trùng.
Hiện Thiên Long đang sản xuất sản phẩm này cho đối tác này với doanh số tăng trưởng rất tốt. Bên cạnh đó, Thiên Long cung cấp loại này cho dùng trong bệnh viện, các thẩm mỹ viện... tại Việt Nam.
Nhìn lại hành trình hơn 3 năm trên cương vị CEO, bà Nga thừa nhận có nhiều lúc chính bản thân mình cũng hoài nghi: Liệu một công ty có bề dày như vậy thì thay đổi có được không? Bởi, thay đổi không chỉ là chấp nhận cái mới, mà đồng nghĩa chấp nhận rủi ro có thể mất hết những gì đang có.
Đến giờ phút này, bà Nga cho biết cảm thấy rất hạnh phúc với những kết quả như nhân sự trẻ hơn, mức độ hòa nhập nhanh, Thiên Long giữ vững vị thế và tiếp tục tăng trưởng với các dòng sản phẩm chủ lực, đồng thời tiên phong trong việc ra mắt các sản phẩm mới.
Kênh thương mại điện tử cũng đạt những tín hiệu tích cực khi 9 tháng đạt mức tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2023, đứng Top 1 ngành hàng Văn phòng phẩm trên các sàn Shopee và Lazada.
Bà Nga cho rằng kết quả bước đầu này là nhờ vào sức mạnh của một tập thể, ở đó, những người giàu kinh nghiệm và người trẻ nỗ lực tìm ra một tiếng nói chung trên tinh thần “vì Thiên Long”. Và trong thành công đó, CEO cũng chỉ đứng sau là bệ đỡ.
Trong bối cảnh xã hội thay đổi rất nhanh, bà Nga khẳng định: “Phải luôn có tinh thần đa dạng và hội nhập. Bởi, khi con người sẵn sàng thay đổi, làm mới bản thân thì sẽ không định kiến, và từ đó chúng ta dễ dàng thích ứng được với thời buổi VUCA”.
Ban đầu trong hành trình đổi mới, đôi khi cảm thấy cô đơn nhưng sau gần 4 năm, bà Nga lại cảm thấy điều ngược lại. Bà Nga cảm thấy may mắn luôn có một tập thể rất đa dạng và tâm huyết xung quanh: ở đó có những đồng nghiệp có kinh nghiệm thượng thừa về mặt kỹ thuật, quản lý sản xuất – những người bà rất ngưỡng mộ và cả những người trẻ dám nghĩ dám làm – những người bà muốn học hỏi.
“Càng làm, tôi càng thấy biết ơn vì đồng hành cùng mình là một tập thể đồng lòng, giỏi nghề và hơn hết, chúng tôi tiến lên vì điểm chung: tình yêu với Thiên Long”, bà Nga nói.
Nhịp sống thị trường